Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Tạo điều kiện để doanh nghiệp triển khai bảo hiểm vi mô

Thứ Năm, 11/05/2023 17:41 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Đầu tháng 5/2023, Chính phủ ban hành Nghị định số 21/2023/NĐ-CP về bảo hiểm vi mô (Nghị định 21). Bên cạnh những quy định tạo điều kiện khuyến khích sự tham gia của các đối tượng có thu nhập thấp và các đối tượng yếu thế, Nghị định này có nhiều quy định khuyến khích các doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài tại Việt Nam; tổ chức tương hỗ cung cấp các sản phẩm bảo hiểm vi mô.

 Ảnh minh họa (Ảnh: M.P)

Theo Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi, có 2 đối tượng được cung cấp sản phẩm bảo hiểm vi mô là doanh nghiệp bảo hiểm và tổ chức tương hỗ.

Doanh nghiệp bảo hiểm được cung cấp sản phẩm bảo hiểm vi mô phù hợp với các nghiệp vụ bảo hiểm được phép kinh doanh trên giấy phép, không giới hạn địa bàn, đối tượng khách hàng. Các điều kiện đối với đại lý bán sản phẩm bảo hiểm vi mô được giảm và cho phép doanh nghiệp bảo hiểm sử dụng thêm một số mô hình phân phối đặc thù như thông qua các tổ chức chính trị- xã hội tổ chức xã hội- nghề nghiệp, các hợp tác xã.

Tổ chức tương hỗ chỉ được cung cấp bảo hiểm giới hạn trong các thành viên của tổ chức với mục tiêu tương trợ giữa các thành viên cùng tham gia bảo hiểm. Do đặc thù đó, tổ chức tương hỗ sẽ có các tiêu chuẩn, điều kiện thấp hơn do Chính phủ hướng dẫn, để đảm bảo tính linh hoạt, phù hợp với tình hình phát triển trong từng thời kỳ.

Tại Nghị định 21, 2 tổ chức cung cấp sản phẩm bảo hiểm vi mô này đã được quy định cụ thể hơn. Theo đó, tổ chức cung cấp bảo hiểm vi mô gồm doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, doanh nghiệp bảo hiểm sức khỏe (sau đây gọi là doanh nghiệp bảo hiểm), chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài thành lập và hoạt động tại Việt Nam; tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô thành lập và hoạt động tại Việt Nam.

Nghị định 21 quy định mô hình quản lý tài chính của tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô gần tương đồng với mô hình quản lý tài chính của doanh nghiệp bảo hiểm, bao gồm quy định về vốn thành lập tối thiểu (10 tỷ đồng), vốn hoạt động và yêu cầu duy trì mức vốn hoạt động không thấp hơn mức vốn thành lập tối thiểu trong suốt quá trình hoạt động, trích lập dự phòng nghiệp vụ, trích lập quỹ dự trữ bắt buộc đến khi quy mô quỹ đạt 50 tỷ đồng, đầu tư tài chính, ký quỹ, nguyên tắc ghi nhận doanh thu, chi phí.

Riêng đối với quy định về phân chia kết quả hoạt động, do tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô hoạt động không vì mục đích lợi nhuận nên kết quả hoạt động không được phân chia như lợi nhuận của doanh nghiệp bảo hiểm mà chỉ được dùng để bổ sung vốn hoạt động, hoàn trả nguồn vốn hỗ trợ ban đầu của tổ chức đại diện thành viên (với điều kiện đã trích lập và duy trì quỹ dự trữ bắt buộc không thấp hơn 50 tỷ đồng) và làm cơ sở để giảm phí bảo hiểm hoặc gia tăng số tiền bảo hiểm nhằm bổ sung quyền lợi cho các thành viên tham gia bảo hiểm.

 

M.P

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN