Tạo điều kiện cho người dân được học tập thường xuyên, học tập suốt đời
(ĐCSVN)- Hội nghị Á - Âu về “Học tập suốt đời và mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030” là dịp để Việt Nam học hỏi, chia sẻ các hoạt động hiệu quả trong việc triển khai chiến lược học tập suốt đời giữa các quốc gia của Diễn đàn hợp tác Á - Âu (ASEM), cũng như được tiếp cận với kết quả nghiên cứu mới nhất về giáo dục người lớn, về học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu. Ảnh: VA
Ngày 13/12, tại Hà Nội, Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ Ngoại giao và Quỹ Á - Âu (ASEF) tổ chức Hội nghị Á - Âu về “Học tập suốt đời và mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030”.
Tham dự hội nghị có Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cùng các đại biểu đại diện cho Hiệp hội các Tổ chức Giáo dục Đại học châu Âu (EURASHE); Hiệp hội Các trường đại học Mở châu Á (AAOU); Mạng lưới Giáo dục liên tục bậc đại học châu Âu (EUCEN)… đại diện một số trường đại học khu vực Á- Âu, các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam.
Theo Bộ GD&ĐT, qua 13 năm triển khai thực tế nhiệm vụ xây dựng Xã hội học tập, Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, cụ thể: Ban Chỉ đạo xây dựng Xã hội học tập được thành lập từ cấp tỉnh tới cấp xã; các mô hình học tập được triển khai nhân rộng; mạng lưới cơ sở giáo dục thường xuyên được củng cố và phát triển, đặc biệt là mạng lưới các Trung tâm học tập cộng đồng phát triển mạnh mẽ, đáp ứng nhu cầu học tập của mọi lứa tuổi.
Hệ thống Hội khuyến học đã phủ kín các cấp từ cấp tỉnh đến cấp xã với trên 17 triệu hội viên là các cựu giáo viên, các nhà hoạt động chính trị, xã hội quan tâm thúc đẩy sự nghiệp học tập cho mọi lứa tuổi. Cả nước đã có hơn 8 triệu gia đình đạt danh hiệu “Gia đình học tập”, gần 40 nghìn dòng họ đạt danh hiệu “Dòng họ học tập”, hơn 62 nghìn “Cộng đồng học tập” cấp thôn bản, tổ dân phố và 27,5 nghìn các tổ chức nằm trên địa bàn hành chính cấp xã, do cấp xã quản lý đạt danh hiệu “Đơn vị học tập”...
Hiện đã có 100% xã đạt phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 1 trở lên; 99,04% xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS. 99,9% đơn vị cấp xã duy trì đạt chuẩn xóa mù chữ; tỷ lệ biết chữ ở độ tuổi 15-35 của cả nước đạt 98,87%; độ tuổi từ 15-60 là 97,57%. Số người mới biết chữ tiếp tục học tập và không mù chữ trở lại là 83,9%...
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh: Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm, ban hành nhiều chủ trương, chính sách để xây dựng xã hội học tập, tạo điều kiện cho người dân được học tập thường xuyên, học tập suốt đời.
Bộ trưởng mong muốn, Hội nghị này là dịp để Việt Nam học hỏi, chia sẻ các hoạt động hiệu quả trong việc triển khai chiến lược học tập suốt đời giữa các quốc gia của Diễn đàn hợp tác Á - Âu (ASEM), cũng như được tiếp cận với kết quả nghiên cứu mới nhất về giáo dục người lớn, về học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ hy vọng nhận được những ý kiến tham vấn của các chuyên gia quốc tế về việc tổ chức hoạt động học tập suốt đời dưới nhiều hình thức khác nhau, được hỗ trợ bởi công nghệ thông tin và truyền thông cũng như tài nguyên giáo dục mở; công nhận giáo dục, học tập không chính quy, học tập trước như là các tín chỉ trong các chương trình cấp bằng, cho phép người học tích lũy học tập, kinh nghiệm và trình độ qua việc tham gia linh hoạt ở các giai đoạn khác nhau.
Những báo cáo khoa học và ý kiến phát biểu của các chuyên gia, các nhà khoa học được trình bày trong Hội nghị sẽ góp phần tạo nên những cơ sở cần thiết để hoàn thiện hệ thống giáo dục mở linh hoạt, liên thông; thúc đẩy các trường đại học cung cấp các chương trình học tập linh hoạt cho tất cả mọi người; thúc đẩy sự hợp tác trong ASEM để hoàn thành mục tiêu phát triển bền vững số 4 về giáo dục (Sustainable Development Goal 4 – SDG4).
Tại hội nghị, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm về việc ghi nhận, xác nhận và công nhận kết quả học tập theo hình thức không chính quy và phi chính quy nhằm khuyến khích việc học tập suốt đời; các biện pháp cung cấp các chương trình học tập nhằm đáp ứng nhu cầu của người học theo hình thức phi truyền thống (đào tạo lại dành cho người lớn, nâng cao kỹ năng, cho những người bỏ học, phụ nữ và bà mẹ,.…); hoạch định chính sách học tập suốt đời hướng đến một nền văn hóa học tập suốt đời nhằm đạt được tri thức giáo dục đại học cho mọi người.
Được biết, Hội nghị được tổ chức là hoạt động nằm trong Chương trình hợp tác về giáo dục và đào tạo năm 2018 được thông qua tại Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao ASEM lần thứ 13 (FMM13) và Hội nghị Hội đồng thống đốc Quỹ Á - Âu (ASEF) lần thứ 37 được tổ chức vào năm 2017 tại Việt Nam, thống nhất sẽ tổ chức 4 hội nghị về "Học tập suốt đời và phát triển bền vững" tại 4 quốc gia với các chủ đề khác nhau. Trong đó, Việt Nam là một trong 4 quốc gia đăng cai tổ chức./.