Tạo điều kiện cho doanh nghiệp đường sắt hoạt động
(ĐCSVN) - Luật đường sắt điều chỉnh được thay thế Luật Đường sắt 2005 trong đó điều chỉnh rất nhiều điều, khoản. Theo quy định chung xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, khi dự thảo Luật mới được ban hành cũng đã có dự thảo các Nghị định, văn bản dưới Luật.
Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa tổ chức Hội thảo lấy ý kiến về dự thảo các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đường sắt. Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông đến dự và chủ trì Hội thảo.
Luật Đường sắt đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 3 và chính thức có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2018. Đây là một văn bản quy phạm pháp luật cao nhất điều chỉnh toàn bộ các hoạt động giao thông vận tải đường sắt từ lập quy hoạch, đến đầu tư, xây dựng, kinh doanh đường sắt và đảm bảo an toàn giao thông đường sắt.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết: Luật đường sắt điều chỉnh được thay thế Luật Đường sắt 2005 trong đó điều chỉnh rất nhiều điều, khoản. Theo quy định chung xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, khi dự thảo Luật mới được ban hành cũng đã có dự thảo các Nghị định, văn bản dưới Luật.
Cụ thể là có 6 nghị định, giai đoạn trước mắt ban hành 5 nghị định, phần lớn do Bộ GTVT chủ trì soạn thảo, còn Nghị định về quản lý tài sản ĐS sẽ do Bộ Tài chính soạn thảo và sẽ được trình lên Chính phủ. Tất cả văn bản dưới Luật sẽ được ban hành trước khi Luật có hiệu lực thi hành.
Để tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về đường sắt, Bộ GTVT đã giao Cục đường sắt Việt Nam chủ trì xây dựng 03 dự thảo nghị định và 19 thông tư hướng dẫn dự kiến được ban hành để thực hiện đảm bảo thực thi của Luật Đường sắt.
Nhấn mạnh việc xây dựng các Nghị định cũng như đóng góp ý kiến phải đảm bảo nguyên tắc tuân thủ Luật Đường sắt và các Luật, quy định pháp luật liên quan. Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông yêu cầu tiếp tục nghiên cứu các vấn đề như: xác định điểm đen, hành lang ATGT đường sắt để khi đưa vào Nghị định phải đảm bảo tính thực hiện khả thi của quy định; mở rộng các điều kiện trong quy định niên hạn phương tiện do đặc thù khai thác vận tải đường sắt; xác định chủ thể trong vấn đề giao hay cho thuê kết cấu hạ tầng đường sắt, trong đó quản lý, sử dụng, khai thác đất đường sắt; trách nhiệm của địa phương trong quản lý lối đi tự mở qua đường sắt…
Thời gian để hoàn thiện dự thảo, lấy ý kiến của các bộ, ngành trước khi trình Chính phủ rất gấp gáp. Vì vậy, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông đề nghị các công việc tiếp theo phải tiến hành khẩn trương. Nội dung các Nghị định phải xây dựng trên quan điểm xác định rõ chức năng quản lý Nhà nước của Bộ GTVT cũng như tạo điều kiện cho doanh nghiệp đường sắt hoạt động.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận những nội dung chính của 03 Nghị định (Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đường sắt; Quy định về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn và trang phục, phù hiệu của lực lượng bảo vệ trên tàu; Quy định về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông ); làm rõ nội dung mới của Luật có tác động đến hoạt động đường sắt như: những điểm nguy hiểm về an toàn giao thông đường sắt; xử lý lối đi tự mở, làm rõ trách nhiệm quản lý, lộ trình xử lý; điều kiện kinh doanh đường sắt; trách nhiệm hỗ trợ của Nhà nước, trách nhiệm của các đơn vị đường sắt về an sinh xã hội; hành lang an toàn, kết cấu hạ tầng đường sắt.
Vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm thảo luận là quy định chi tiết niên hạn phương tiện giao thông đường sắt (đầu máy, toa xe…); xác định hành lang an toàn giao thông đường sắt; vấn đề chạy tàu an sinh xã hội…
Theo kế hoạch, Bộ GTVT tiếp tục tổ chức Hội thảo lấy ý kiến góp ý dự thảo các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đường sắt tại khu vực phía Nam và miền Trung. Đồng thời chủ trì họp Ban soạn thảo để tiếp thu, giải trình các đóng góp ý kiến của các cơ quan, đơn vị… Bộ GTVT tiếp tục hoàn thiện, chỉnh lý trình Chính phủ theo đúng quy định.