Tạo đà để ngành năng lượng nguyên tử phát triển, góp phần xây dựng đất nước
(ĐCSVN) - Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cho biết, với những thành quả hôm nay sẽ tạo đà để Cục An toàn bức xạ và hạt nhân (ATBN&HN) gặt hái nhiều thành tựu nổi bật hơn nữa, góp phần tạo chuyển biến rõ rệt hơn cho ngành năng lượng nguyên tử trong thời gian tới, đóng góp nhiều hơn cho công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại sự kiện. Ảnh: BL |
Ngày 30/7, tại Hà Nội, Cục An toàn bức xạ và hạt nhân (Bộ Khoa học và Công nghệ) tổ chức Lễ kỷ niệm 30 năm thành lập. Ngày 30/7/1994, Quyết định số 389/TTg về việc thành lập Ban An toàn bức xạ và hạt nhân đã đánh dấu cột mốc lịch sử hình thành và phát triển Cục An toàn bức xạ và hạt nhân hiện nay.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, trải qua 30 năm xây dựng và phát triển, Cục An toàn bức xạ và hạt nhân (ATBX&HN) đã ngày càng trưởng thành, thực hiện tốt vai trò là cơ quan giúp Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về an toàn bức xạ, an toàn hạt nhân trong phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử.
Bên cạnh các hoạt động chuyên môn trong nước, trong 30 năm qua, Cục ATBN&HN cũng thực hiện tốt vai trò Cơ quan pháp quy hạt nhân - đầu mối quốc gia trong hợp tác với Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) và triển khai thực hiện các điều ước quốc tế về an toàn, an ninh và thanh sát hạt nhân mà Việt Nam là thành viên. Cục cũng là cơ quan thường trực của Hội đồng An toàn hạt nhân quốc gia.
Công tác cấp giấy phép, giấy đăng ký, chứng chỉ đã góp phần quan trọng trong việc bảo đảm an toàn, an ninh cho các cơ sở bức xạ, cơ sở hạt nhân và hoạt động dịch vụ hỗ trợ ứng dụng năng lượng nguyên tử (NLNT) trong việc quản lý các nguồn phóng xạ, thiết bị bức xạ, thiết bị hạt nhân, vật liệu hạt nhân. Qua đó, các hoạt động ứng dụng NLNT trong các lĩnh vực y tế, công nghiệp, nông nghiệp,… được triển khai có hiệu quả, đảm bảo an toàn, an ninh.
Nhận thức quản lý nhà nước về an toàn bức xạ và hạt nhân là một trong những công tác trọng tâm của Bộ, Lãnh đạo Bộ luôn quan tâm chỉ đạo, tạo thuận lợi để Cục hoàn thiện chức năng nhiệm vụ, tổ chức và thực hiện hoạt động quản lý. Việc Cục An toàn bức xạ và hạt nhân tăng cường hoạt động thanh tra chuyên ngành an toàn bức xạ và hạt nhân đã giúp cho các cơ sở bức xạ, cơ sở hạt nhân và các đơn vị dịch vụ hỗ trợ ứng dụng năng lượng nguyên tử khắc phục những thiếu sót, vi phạm, thực hiện tốt việc bảo đảm an toàn, an ninh và ứng phó sự cố. Thanh tra Cục An toàn bức xạ và hạt nhân còn hướng dẫn nghiệp vụ, phối hợp chặt chẽ với Thanh tra các Sở Khoa học và Công nghệ trong công tác thanh tra chuyên ngành an toàn bức xạ và hạt nhân.
Hiện nay, Cục tiếp tục được tập thể Lãnh đạo Bộ tin tưởng, giao nhiệm vụ đánh giá việc triển khai Luật Năng lượng nguyên tử năm 2008 để đề xuất việc sửa đổi, bổ sung luật này.
Bộ trưởng cho biết, thành quả hôm nay sẽ tạo đà để Cục ATBN&HN gặt hái nhiều thành tựu nổi bật hơn nữa, góp phần tạo chuyển biến rõ rệt hơn cho ngành NLNT trong thời gian tới, đóng góp nhiều hơn cho công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.
Toàn cảnh lễ kỷ niệm. Ảnh: BL |
Theo PGS.TS Nguyễn Tuấn Khải, Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân, Cục đã trở thành cơ quan pháp quy hạt nhân ngang tầm khu vực, giúp Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử về an toàn, an ninh, thanh sát hạt nhân, quan trắc phóng xạ môi trường và ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân, đồng thời là cơ quan đầu mối phối hợp với các bộ, ngành liên quan trong việc thực hiện các cam kết, nghĩa vụ tại các điều ước quốc tế về năng lượng nguyên tử mà Việt Nam là thành viên như Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân, Hiệp định Thanh sát hạt nhân, Công ước Bảo vệ thực thể vật liệu hạt nhân, Công ước An toàn hạt nhân, Công ước chung về quản lý chất thải phóng xạ.
Những năm gần đây các kỹ thuật hạt nhân tiên tiến, thiết bị bức xạ công nghệ cao được ứng dụng trong y tế, công nghiệp, nông nghiệp và tài nguyên môi trường, xuất nhập khẩu sản phẩm, hàng hóa. Do đó quản lý nhà nước về an toàn bức xạ và hạt nhân gồm hoạt động cấp phép, thanh tra, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật cần được tăng cường nhằm bảo đảm phát triển bền vững, hiệu quả và an toàn của ứng dụng năng lượng nguyên tử.
Trong khuôn khổ Lễ kỷ niệm 30 năm ngày thành lập, Cục An toàn bức xạ và hạt nhân cũng khai mạc Hội nghị pháp quy hạt nhân lần thứ 6 - Hội nghị nhằm đánh giá thực trạng công tác quản lý nhà nước về an toàn bức xạ và hạt nhân giai đoạn 2022 - 2024, đề xuất các giải pháp, kiến nghị và định hướng trong thời gian tới. Hội nghị tập trung vào các nội dung: Công tác quản lý nhà nước về bảo đảm an toàn bức xạ, hạt nhân; An ninh hạt nhân; Phóng xạ môi trường; Ứng phó sự cố bức xạ, hạt nhân..../.