Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Tạo cơ sở pháp lý thuận lợi tìm kiếm các dạng dầu khí mới

Thứ Sáu, 03/06/2022 19:48 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Thảo luận về dự án Luật Dầu khí (sửa đổi), nhiều đại biểu cho rằng, Luật phải bảo đảm những yếu tố đặc thù trong lĩnh vực dầu khí, cải thiện môi trường đầu tư, tăng cường thu hút nguồn lực từ các thành phần kinh tế; tạo cơ sở pháp lý thuận lợi tìm kiếm các dạng dầu khí mới...

 Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP. Hồ Chí Minh) phát biểu tại phiên thảo luận chiều 3/6. (Ảnh: Viết Chung)

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội Khóa XV, chiều 3/6, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Dầu khí (sửa đổi).

Thảo luận về dự án Luật Dầu khí (sửa đổi), nhiều đại biểu cho rằng dự án Luật hướng đến mục tiêu xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế; bảo vệ, khai thác hiệu quả tài nguyên, chủ quyền quốc gia, bao gồm cả chủ quyền pháp lý, xây dựng thể chế hội nhập, khẳng định vị thế của Việt Nam là quốc gia có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế…Tuy nhiên, nhiều đại biểu cũng cho rằng, cần bổ sung vào dự thảo Luật một số nội dung cụ thể cho phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay.

Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP. Hồ Chí Minh), Luật Dầu khí được ban hành năm 1993, đã qua mấy lần sửa đổi, nhờ có luật mà hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí Việt Nam đã phát triển, góp phần vào phát triển kinh tế, bảo đảm an ninh năng lượng, bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Tuy nhiên, những năm gần dây, sản lượng khai thác dầu khí của chúng ta đang trên đà suy giảm: từ mức 17 triệu tấn năm 2016, năm 2021 chỉ còn 11 triệu tấn. Hiện, muốn khai thác tiếp thì phải khai thác, thăm dò ở vùng nước sâu, xa bờ, có điều kiện thi công phức tạp, do đó cần những cơ chế, chính sách cho ngành dầu khí.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng, tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa đang gặp rất nhiều thách thức, đời sống người lao động, người dân, người nghèo đang gặp nhiều khó khăn do giá cả xăng dầu và một số mặt hàng tăng cao. Bối cảnh thế giới diễn biến phức tạp, căng thẳng địa chính trị ngày càng gia tăng đã làm gia tăng khủng hoảng năng lượng, xăng dầu, khí đốt, khủng hoảng nhân đạo và đe dọa an ninh lương thực toàn cầu, gây áp lực đến lạm phát toàn thế giới và nhiều quốc gia.

Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ cần xây dựng hệ thống các giải pháp đồng bộ từ ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, thích ứng với các kịch bản, trong đó lưu ý đến 2 biến số quan trọng, đó là giá xăng dầu và giá lương thực.

“Chính phủ nên sớm trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giảm các loại thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng đối với các mặt hàng, trong đó mặt hàng quan trọng nhất là mặt hàng xăng dầu, vì để giá xăng dầu tăng cao sẽ dẫn đến hiệu ứng domino giá cả các mặt hàng khác”, đại biểu cho hay.

Góp ý về dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo (Bắc Ninh) cũng đề nghị, Luật Dầu khí phải bảo đảm sự thống nhất của hệ thống pháp luật, đồng thời, bảo đảm những yếu tố đặc thù trong lĩnh vực dầu khí, cải thiện môi trường đầu tư, tăng cường thu hút nguồn lực từ các thành phần kinh tế, các tổ chức tài chính trong và ngoài nước trong lĩnh vực dầu khí, khai thác hiệu quả nguồn dầu thô còn lại và đẩy mạnh khai thác nguồn khí dồi dào đã và sẽ phát hiện.

“Đồng thời, tạo cơ sở pháp lý thuận lợi để tìm kiếm các dạng dầu khí mới ở Việt Nam. Về mặt quản lý Nhà nước, cần đổi mới cách tiếp cận, đổi mới cách thức quản lý theo hướng phân cấp hợp lý, phân định rõ ràng chức năng, nhiệm vụ, nhất là đối với vị trí, vai trò của PVN khi là nhà đầu tư và khi thực hiện nhiệm vụ theo ủy quyền của Chính phủ” - đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo nêu.

Đại biểu cũng góp ý, Dự thảo Luật quy định 02 loại chính sách ưu đãi nâng cao tính cạnh tranh tăng cường thu hút đầu tư, tận thu tài nguyên tại các mỏ cận biên, mỏ dầu khí nằm ở vùng nước sâu, xa bờ, khu vực có điều kiện địa lý đặc biệt khó khăn, địa chất phức tạp. “Đề nghị rà soát các tiêu chí đối tượng ưu đãi bảo đảm chặt chẽ, cụ thể...”, vị đại biểu cho biết.

Đại biểu Leo Thị Lịch (Bắc Giang) lại cho rằng, cần làm rõ địa vị pháp lý của PVN trong ký kết hợp đồng với các nhà thầu. Do đó, cần xác định rõ căn cứ pháp lý để không bị ảnh hưởng đến nền kinh tế, nhất là khi giá dầu giảm, tránh phải bù lỗ trong các hợp đồng kinh tế lớn, cũng như việc lựa chọn các nhà thầu.

Đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang) cũng nêu rõ, hợp đồng dầu khí là đặc thù, khác với hợp đồng kinh tế khác. Nó còn là trách nhiệm vì PVN đại diện cho quốc gia, có tính đặc thù vừa là doanh nghiệp nhà nước nhưng cũng là quản lý nhà nước, thay mặt nhà nước ký các hợp đồng kinh tế.

Theo đại biểu Lâm, thuế thu nhập doanh nghiệp của dầu khí không phải hằng năm như các doanh nghiệp khác mà là từng hợp đồng dầu khí, thu thuế trên từng hợp đồng do đó trách nhiệm pháp lý rất cao. Vì vậy cần hoàn thiện chặt chẽ, chi tiết.

Cũng trong chiều nay, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện.

Cho ý kiến về dự án Luật, nhiều đại biểu tán thành với sự cần thiết ban hành và phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự án Luật; đồng thời nhấn mạnh, tần số vô tuyến điện là tài sản quốc gia, Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện pháp luật làm cơ sở cho việc quản lý, sử dụng, khai thác hiệu quả, bảo vệ tài nguyên tần số, quỹ đạo vệ tinh trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế của đất nước.

Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện lần này nhằm góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng hạ tầng số, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế số, xã hội số; đồng thời, bảo đảm thống nhất, đồng bộ với pháp luật hiện hành, khắc phục những bất cập, khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện.

Vấn đề phương thức cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện (sửa đổi, bổ sung Điều 18 Luật Tần số vô tuyến điện) là nội dung được nhiều đại biểu quan tâm, cho ý kiến tại phiên thảo luận tổ. Đa số ý kiến tán thành với việc dự thảo Luật đã kế thừa, sửa đổi, bổ sung quy định về 3 phương thức cấp giấy phép gồm: cấp trực tiếp, đấu giá, thi tuyển của Luật hiện hành.

Tuy nhiên, các đại biểu đề nghị quy định rõ ràng, cụ thể hơn các tiêu chí, điều kiện cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện theo từng phương thức cấp phép, đặc biệt là phương thức cấp giấy phép trực tiếp./.

Bích Liên

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN