Tạo cơ hội cho phụ nữ tham chính qua bầu cử
(ĐCSVN) - Chiếm hơn một nửa dân số, phụ nữ có vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của đất nước. Tạo điều kiện cho phụ nữ tham chính thông qua bầu cử chính là đảm bảo trao quyền cho phụ nữ, lồng ghép các nội dung về giới trong quá trình xây dựng và thực hiện chính sách.
Tại cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV, có 133 nữ đại biểu trúng cử, đạt 26,8% tổng số đại biểu Quốc hội, tăng 2,3% so với nhiệm kỳ trước và cao hơn mức trung bình của thế giới là 25%. Với kết quả này, Việt Nam xếp thứ 71/193 quốc gia, thuộc nhóm 1/3 các nước đứng đầu thế giới về tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội. Đặc biệt, trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, lần đầu tiên phụ nữ tham gia một số vị trí quan trọng trong các cơ quan Đảng, Nhà nước và các cơ quan lập pháp. Việt Nam có Chủ tịch Quốc hội, 3 Ủy viên Bộ Chính trị là nữ và cả 3 người đều là đại biểu Quốc hội. Tỷ lệ nữ đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 cũng tăng so với nhiệm kỳ trước, đạt tỷ lệ 26,72% đối với cấp tỉnh; 27,5% đối với cấp huyện và 26,59% đối với cấp xã. Những con số trên là minh chứng sinh động thể hiện Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm thúc đẩy bình đẳng giới và tạo điều kiện cho phụ nữ tham chính.
Kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 diễn ra vào ngày 23/5/2021 tới đây là cơ hội để tiếp tục hiện thực mục tiêu tạo điều kiện cho phụ nữ tham chính (Ảnh minh họa) |
Tuy đã đạt những kết quả đáng ghi nhận, nhưng nhìn chung vẫn còn khoảng cách giới khá lớn trong lĩnh vực chính trị. Tỷ lệ phụ nữ tham chính còn thấp so với lực lượng và tiềm năng của phụ nữ, nhất là tỷ lệ cán bộ nữ đứng đầu ngành, địa phương cấp tỉnh. Nữ giới chiếm trên 50% dân số nước ta và có nhiều đóng góp to lớn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Việc tăng tỷ lệ đại biểu nữ trong Quốc hội và HĐND các cấp không chỉ thực hiện bình đẳng giới theo chủ trương của Đảng, Nhà nước mà còn nhằm phát huy hơn nữa vai trò và sự đóng góp của phụ nữ vào công cuộc đổi mới đất nước.
Kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 diễn ra vào ngày 23/5/2021 tới đây là cơ hội để tiếp tục hiện thực mục tiêu tạo điều kiện cho phụ nữ tham chính. Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND đã quy định tỷ lệ phụ nữ ứng cử đại biểu Quốc hội, HĐND phải đạt ít nhất 35% nhằm đảm bảo khả năng trúng cử của phụ nữ. Dẫu vậy, tại kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV, có 205/338 nữ ứng viên đã không trúng cử.
Tỷ lệ phụ nữ trúng cử thấp, theo một nghiên cứu mới đây của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam là do định kiến giới về vai trò và năng lực lãnh đạo của phụ nữ vẫn còn tồn tại, đặc biệt ở nhóm dân tộc thiểu số và nhóm dân có trình độ học vấn thấp. Đa số người dân vẫn ngầm thừa nhận khả năng lãnh đạo, vị trí người đứng đầu của nam giới và cho rằng phụ nữ chỉ nên giữ vị trí cấp phó. Trong quan niệm của nhiều người, phụ nữ thiếu những phẩm chất, đặc điểm cần có của người lãnh đạo như sự quyết đoán, tính trách nhiệm, sự hiểu biết. Chính những định kiến này là rào cản vô hình, hạn chế cơ hội trúng cử và tham chính của phụ nữ. Ngoài định kiến xã hội, nữ giới ứng cử thường được gắn với nhiều cơ cấu, chẳng hạn như trẻ tuổi, dân tộc thiểu số, người ngoài Đảng… Mặc dù họ đều có phẩm chất tốt song vì trình độ và vị trí công việc thấp nên mức độ ảnh hưởng, trọng lượng tiếng nói trong xã hội không cao, ít có cơ hội và điều kiện tiếp cận thông tin tầm vĩ mô. Cơ hội trúng cử của họ vì thế bị hạn chế nhiều. Trong trường hợp trúng cử thì khả năng tái cử thấp. Hiện vẫn còn một bộ phận người dân chưa biết về quyền trong lĩnh vực chính trị của phụ nữ, bao gồm các quyền như được tự ứng cử làm đại biểu HĐND, quyền được lấy ý kiến trong các cuộc họp ở thôn, xóm, tổ dân phố. Ở các dân tộc thiểu số, tỷ lệ người dân biết về quyền chính trị của phụ nữ thấp hơn so với dân tộc Kinh. Đây là những vấn đề cần quan tâm trong bối cảnh Việt Nam đã và đang nỗ lực thực hiện thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị.
Theo luật định, tới đây, Ủy ban MTTQ các cấp sẽ tổ chức Hội nghị lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội trên địa bàn. Trên cơ sở ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri để hiệp thương lập danh sách người đủ tiêu chuẩn, tiêu biểu, xứng đáng tại Hội nghị hiệp thương lần thứ ba, lựa chọn, lập danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV.
Để tăng cơ hội cho phụ nữ lọt vào danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp, cũng như nâng cao khả năng trúng cử của nữ giới, thiết nghĩ, các cấp, các ngành cần quán triệt và thực hiện nghiêm Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 20/6/2020 của Bộ Chính trị về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 gắn với các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác cán bộ nữ, nhất là Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị “Về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, Luật Bình đẳng giới và Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới. Các cấp ủy đảng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm tổ chức hiệp thương giới thiệu người ra ứng cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp. Phấn đấu trong danh sách ứng viên phải đảm bảo tỷ lệ nữ giới ít nhất là 35%. Coi tiêu chuẩn, chất lượng ứng viên làm trọng tâm, lựa chọn những ứng viên nữ thật sự tiêu biểu, có trình độ, có phẩm chất, “nặng ký”, hạn chế đặt lên vai ứng viên nữ nhiều cơ cấu như trẻ tuổi, ngoài Đảng, dân tộc, tôn giáo… để tránh tình trạng vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn.
Cử tri, nhất là cử tri nữ tự giác, tích cực, chủ động nghiên cứu kỹ danh sách người ứng cử, tham gia các buổi tiếp xúc với người ứng cử để sáng suốt lựa chọn, bỏ phiếu cho các nữ ứng viên. Mỗi người cần tự mình đi bầu cử, tránh tình trạng nhờ bầu hộ sẽ có khả năng làm giảm cơ hội trúng cử cho nữ ứng cử viên.
Tạo cơ hội cho phụ nữ tham chính thông qua bầu cử chính là trao cho họ cơ hội được phát huy trình độ năng lực, kinh nghiệm, thể hiện quan điểm trong quyết định các chính sách, góp phần tạo nên nền tảng vững chắc thúc đẩy bình đẳng giới trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội./.