Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Tạo cơ chế cho người tín nhiệm thấp chủ động từ chức

Thứ Ba, 30/05/2023 19:26 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) – Theo các đại biểu Quốc hội, cần bổ sung cơ chế cho người có từ 2/3 tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND trở lên đánh giá “tín nhiệm thấp” chủ động xin từ chức, nếu không từ chức thì mới trình Quốc hội và HĐND xem xét miễn nhiệm.

Chiều 30/5, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi).

Trước đó, trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho biết: Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin ý kiến Quốc hội về đề xuất không lấy phiếu tín nhiệm đối với người nghỉ chữa bệnh hiểm nghèo có xác nhận của cơ sở y tế và không điều hành công tác từ 6 tháng trở lên theo quyết định của cơ quan, cá nhân có thẩm quyền tính đến thời điểm khai mạc kỳ họp lấy phiếu tín nhiệm. 

Về hệ quả đối với người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm, dự thảo quy định người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa đến dưới 2/3 tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND đánh giá “tín nhiệm thấp” thì xin từ chức, trường hợp không xin từ chức thì cơ quan hoặc người có thẩm quyền trình Quốc hội, HĐND tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất.  

Thảo luận tại tổ, đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết (Đoàn TP.Hồ Chí Minh) đồng tình bổ sung quy định không lấy phiếu tín nhiệm với người chữa bệnh hiểm nghèo, không tham gia công tác 6 tháng trở lên, vì thực tiễn có những trường hợp này và nếu Quốc hội và HĐND lấy phiếu tín nhiệm thì không phù hợp.

Liên quan hệ quả với người được lấy phiếu tín nhiệm, đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết cho rằng cần bổ sung cơ chế cho người có từ 2/3 tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND trở lên đánh giá “tín nhiệm thấp” chủ động xin từ chức, nếu không từ chức thì mới trình Quốc hội và HĐND xem xét miễn nhiệm.

“Đề nghị Quốc hội nghiên cứu thêm trường hợp này. Cán bộ được đánh giá có phiếu “tín nhiệm thấp” nhiều thì cần có cơ chế, tạo cơ hội để họ chủ động nộp đơn xin từ chức là phù hợp trong điều kiện hiện nay, thay vì trình miễn nhiệm luôn”, đại biểu nói.

 Đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi). Ảnh: Ngọc Thành.

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Thuỷ (Đoàn Bắk Kạn), Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội cũng cho rằng, việc bổ sung quy định không lấy phiếu tín nhiệm đối với người nghỉ chữa bệnh hiểm nghèo có xác nhận của cơ sở y tế và không điều hành công tác từ 6 tháng trở lên theo quyết định của cơ quan, cá nhân có thẩm quyền là cần thiết và phù hợp với tình hình thực tế hiện nay vì có việc lãnh đạo mắc bệnh hiểm nghèo thì không thể tham gia điều hành công tác được, thể hiện tính nhân văn. Tuy nhiên, để đảm bảo tính chặt chẽ, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội đề nghị, cơ quan soạn thảo nghiên cứu khi có xác nhận của cơ sở y tế thì phải quy định rõ xác nhận cơ sơ y tế của cấp nào: xã, huyện, hay bệnh viện trung ương?

Trong khi đó, đại biểu Trần Đức Thuận (đoàn Nghệ An) nêu quan điểm, trong lấy phiếu tín nhiệm cũng nên nhân văn. Theo đó, khi người lấy phiếu có 2/3 phiếu tín nhiệm thấp trở lên thì cũng nên tạo điều kiện cho họ xin từ chức chứ không cần thiết phải miễn nhiệm nữa.

Liên quan đến việc không quy định việc lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch UBND ở nơi thực hiện chính quyền đô thị, đại biểu Trần Thị Hoa Ry (Đoàn Bạc Liêu), Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội nhận định, Chủ tịch UBND ở nơi thực hiện chính quyền đô thị có thẩm quyền rất lớn, trong khi nơi đó không có HĐND cùng cấp giám sát.

“Do đó cần phải lấy phiếu đối với họ vì đã trao quyền thì cần phải có cơ chế giám sát việc thực hiện, đã trao quyền thì phải kiểm soát quyền lực”, đại biểu đề nghị.

Liên quan đến quy định về các hành vi bị nghiêm cấm, dự thảo Nghị quyết quy định cấm "sử dụng hoặc hứa tặng, cho, ủng hộ tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất để vận động, lôi kéo, mua chuộc tác động đến đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND trong việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm".

Góp ý vào nội dung này, đại biểu Nguyễn Thị Lệ (Đoàn TP.Hồ Chí Minh) cho rằng bên cạnh yếu tố vật chất cần bổ sung thêm “tinh thần”, để tránh trường hợp hứa tặng, ủng hộ tặng bằng khen, giấy khen, chứng nhận...

Theo đại biểu Hoàng Đức Thắng (Đoàn Quảng Trị) quy định này là chưa đủ, ông Thắng đề nghị bổ sung thêm "lợi ích vật chất và lợi ích khác", bởi có những lời hứa không phải vật chất như: hứa bổ nhiệm, hứa sắp xếp cho vị trí nào đó hoặc cho cơ hội thăng tiến theo mục đích không trong sáng./.

Vy Anh

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN