Tạo bước chuyển mạnh mẽ trong công tác thi hành án dân sự
(ĐCSVN) - Trải qua 75 năm không ngừng xây dựng và phát triển, đến nay hệ thống THADS đã có bước phát triển mạnh mẽ, thể chế THADS ngày càng được hoàn thiện, đáp ứng tốt hơn yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ quyền công dân, quyền con người, khẳng định vị trí và vai trò quan trọng trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.
Ngày 19/7/1946, Quyền Chủ tịch Chính phủ lâm thời Nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa Huỳnh Thúc Kháng đã ký Sắc lệnh số 130/SL quy định về thể thức thi hành mệnh lệnh hoặc bản án của tòa án. Đây chính là văn bản pháp lý đầu tiên đánh dấu sự ra đời về tổ chức và hoạt động của các cơ quan thi hành án trong chế độ mới.
Đặc biệt, ngày 5/3/2013, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định công nhận ngày 19/7 hàng năm là Ngày Truyền thống Thi hành án dân sự (THADS), thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước đối với công tác thi hành án dân sự nói riêng và ngành Tư pháp nước nhà nói chung,
Thể chế hóa các đường lối của Đảng, tổng kết kinh nghiệm thực tiễn và tiếp thu tinh hoa pháp lý của các nền pháp luật tiên tiến trên thế giới, từ những Sắc lệnh đầu tiên, qua các Pháp lệnh năm 1989, năm 1993, năm 2004, đến nay, pháp luật về thi hành án dân sự đã không ngừng được xây dựng, sửa đổi, bổ sung và từng bước hoàn thiện, được điều chỉnh bởi một đạo luật chuyên ngành là Luật THADS 2008 và các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành, từ đó tạo được hành lang pháp lý đảm bảo cho công tác thi hành án dân sự hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Vượt qua khó khăn, ngành THADS luôn vượt chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao
Bắt đầu từ chức danh Thừa phát lại và Ban Tư pháp xã, cho đến nay, hệ thống THADS không ngừng lớn mạnh và tổ chức theo Hệ thống ngành dọc từ trung ương đến địa phương. Đội ngũ công chức THADS không ngừng lớn mạnh, được tăng cường về số lượng và nâng cao về chất lượng.
Tổng cục trưởng Tổng cục THADS Nguyễn Quang Thái chia sẻ: Trong bối cảnh số việc và tiền thụ lý ngày càng nhiều, năm sau cao hơn năm trước; nhiều vụ việc đương sự manh động, chống đối quyết liệt, bất hợp tác...... có những lúc, những nơi công tác THADS chưa được ghi nhận xứng đáng đúng như vai trò, chức năng và nhiệm vụ. Tuy nhiên, với lòng yêu ngành, yêu nghề, công chức, người làm công tác THADS luôn quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức để hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao.
Tổng Cục trưởng Tổng cục THADS Nguyễn Quang Thái yêu cầu đẩy mặt công tác thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng kinh tế; siết chặt kỷ luật, kỷ cương tại hội nghị triển khai công tác THADS năm 2021. Ảnh: TH. |
Nhờ vậy, kết quả thi hành án về việc và về tiền đều vượt chỉ tiêu đề ra, tăng dần qua từng năm, từng giai đoạn, cả về tỷ lệ % và giá trị thi hành tuyệt đối; đảm bảo tính thực chất, bền vững, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo được chú trọng, đi vào hoạt động nề nếp, góp phần bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật và pháp chế xã hội chủ nghĩa; hoạt động THADS ngày càng có vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, tăng cường hiệu lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước, đảm bảo được môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, lành mạnh, thu hút đầu tư nước ngoài, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Đáng chú ý, dưới sự chỉ đạo thường xuyên, trực tiếp của đồng chí Tổng Bí thư, sự vào cuộc quyết liệt của Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN, Ban Nội chính Trung ương, của Chính phủ và các bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương, công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng kinh tế có nhiều chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Từ năm 2013 đến năm 2019, đã thu được số tiền, tài sản tương đương 9.000 tỷ đồng; tính đến năm 2020, đã thi hành được số tiền, tài sản tương đương 15.417 tỷ đồng. Điều này góp phần ngày càng lớn vào việc bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, niềm tin của nhân dân đối với thực thi công lý, nâng cao hình ảnh về môi trường pháp lý trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Thực hiện Nghị quyết số 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, Hệ thống THADS đã triển khai nhiều biện pháp để nâng cao hiệu quả tổ chức tín dụng ngân hàng. Đồng thời, chủ động phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các cơ quan hữu quan- các tổ chức tín dụng, để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh nhằm nâng cao tỷ lệ về xử lý nợ xấu cho các tổ chức tín dụng. Theo đó, công tác xử lý, thu hồi nợ xấu trong những năm qua đã có chuyển biến đáng ghi nhận, góp phần giải phóng nguồn lực kinh tế bị “đóng băng” trong các tranh chấp dân sự, kinh doanh, thương mại trị giá lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng; qua đó góp phần lành mạnh hóa nền kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; khơi thông dòng chảy tài chính phục vụ phát triển kinh tế của đất nước.
Trên phạm vi cả nước và có trách nhiệm đôn đốc, theo dõi thi hành án hành chính (THAHC), việc theo dõi THAHC đã được các cơ quan THADS thực hiện đúng pháp luật; kịp thời kiến nghị xử lý trách nhiệm đối với người phải thi hành án nhưng không chịu thi hành đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, kỷ luật, kỷ cương hành chính.
Trong bối cảnh đổi mới và hội nhập cùng đất nước, thực hiện chủ trương cải cách hành chính, cải cách tư pháp của Đảng và nhà nước, Tổng cục trưởng Tổng cục THADS Nguyễn Quang Thái cho hay, nhận thức rõ vai trò quan trọng của công tác này, ngành THADS từng bước đổi mới, cải cách và hiện đại hóa để đáp ứng nhu cầu của xã hội, mong muốn của người dân.
Nhiều ứng dụng mới đã được xây dựng và áp dụng như: các phần mềm thụ lý, tổ chức THADS, báo cáo thống kê, quản lý văn bản, theo dõi người phải thi hành án chưa có điều kiện, quy trình ISO, áp dụng cơ chế một cửa, hỗ trợ nộp đơn trực tuyến, đơn giản hóa các thủ tục hành chính…. tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Cùng với các hoạt động chuyên môn, hệ thống THADS luôn tích cực chú trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng, học tập, rèn luyện phẩm chất đạo đức, ý thức trách nhiệm đối với công chức, người lao động; thực hiện chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, công vụ, nhằm nâng cao phẩm chất đạo đức công vụ cán bộ, chấp hành viên toàn ngành.
Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế
Nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống THADS, hệ thống THADS vinh dự nhận Huân chương Lao động hạng Nhất. Ảnh: TH. |
Nói về những kết quả, thành tích mà Hệ thống THADS đạt được trong suốt 75 năm qua, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long khẳng định: Những kết quả, thành tích to lớn mà Hệ thống THADS đạt được đã góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, của dân, do dân và vì dân, xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân nói chung, sự phát triển Bộ, ngành Tư pháp nói riêng.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp nhấn mạnh: Đất nước ta đang đứng trước những thời cơ, vận hội mới, nhưng cũng đầy khó khăn, thách thức, nhất là bối cảnh đại dịch COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định "xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ và vì sự phát triển của đất nước" là một trong những định hướng phát triển quan trọng trong thời gian tới, đặc biệt là việc tổ chức triển khai Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 02/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, đặt ra những đòi hỏi phải tiếp tục đổi mới về thể chế, tổ chức, hoạt động của công tác thi hành án dân sự.
Trong bối cảnh đó, Bộ trưởng Lê Thành Long tin tưởng rằng, với truyền thống vẻ vang, được hun đúc trong suốt 75 năm qua, đội ngũ công chức, viên chức, người lao động của Hệ thống THADS sẽ tiếp tục kế thừa, phát huy những truyền thống, thành tựu đạt được, đoàn kết, chủ động đổi mới, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu tạo chuyển biến cơ bản về mọi mặt trong tổ chức và hoạt động THADS để hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao.
Đến hết tháng 6/2021, toàn hệ thống THADS có 11.191 công chức, viên chức và người lao động, trong đó có 4.005 Chấp hành viên, 839 Thẩm tra viên và 6.349 công chức, viên chức, người lao động. 05 năm của nhiệm kỳ vừa qua, toàn hệ thống đã đạt được thành tích to lớn: so với năm 2016, năm 2020, số tiền thi hành xong tăng trên 24 nghìn tỷ đồng (tăng 84,82% về tiền). Tính cả nhiệm kỳ 2016-2020, các cơ quan THADS đã thi hành xong trên 2,8 triệu việc (tăng 20,33% so với nhiệm kỳ trước), thu được số tiền hơn 205 nghìn tỷ đồng (tăng 56% so với nhiệm kỳ trước). … Với những thành tích to lớn trong suốt 75 năm xây dựng và trưởng thành, Hệ thống THADS đã vinh dự được tặng thưởng các Huân chương Lao động hạng Nhất, Huân chương Lao động hạng III, Nhà nước Lào trao tăng Huân chương Hữu nghị hạng Nhì. |