Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Tăng sự hiện diện của doanh nghiệp Việt Nam tại thị trường EU

Thứ Sáu, 18/11/2022 22:43 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Dù doanh nghiệp Việt Nam đã không ngừng tăng tốc nhưng thị phần hàng hóa Việt Nam mới chiếm chưa đầy 2% thị phần của thị trường EU. Điều này khiến doanh nghiệp Việt Nam bỏ lỡ nhiều cơ hội và chưa tận dụng được triệt để lợi thế từ EVFTA.

 Tọa đàm Tăng sự hiện diện của doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang châu Âu (EU).

Nhằm tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, ngày 18/11, Tạp chí Công Thương tổ chức Tọa đàm "Tăng sự hiện diện của doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang châu Âu (EU)".

Về mặt kim ngạch và theo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cứ 10 doanh nghiệp sẽ có 4 doanh nghiệp đã từng tận dụng được lợi ích nào đó từ hiệp định, trong đấy có những lợi ích về xuất nhập khẩu. Điều này cho thấy đã có cải thiện về xuất khẩu sang thị trường này. Tuy nhiên, tỷ trọng của thị trường EU trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam thì cách đây khoảng 10 năm đâu đó khoảng 19%  đến gần 20% nhưng sau đấy giảm dần và đến năm 2021 tỷ trọng chỉ còn chưa đầy 12%.

Rõ ràng, kim ngạch tăng nhưng tốc độ tăng của xuất khẩu Việt Nam sang thị trường EU thấp hơn tốc độ tăng đi tất cả các thị trường thế giới và điều này cũng thể hiện ở tốc độ tăng kim ngạch của Việt Nam đi EU luôn thấp hơn tốc độ tăng trưởng bình quân xuất khẩu của Việt Nam đi thị trường thế giới.

Ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng, Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết thêm, EU là thị trường có sức mua cao, tiềm năng lớn và khi có một hiệp định tự do (FTA) tiềm năng, hiệu quả như hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) sẽ là một thị trường hấp dẫn dành cho doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, phải thẳng thắn nhìn nhận dư địa còn rất lớn, thị phần của nhiều mặt hàng chiến lược như thủy sản, rau quả là thế mạnh thị phần vẫn còn rất thấp, rau quả chắc hơn 2-3%, thủy sản hơn 4%, kể cả may mặc cũng chỉ 4%.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) cũng cho rằng, EU cách đây khoảng chục năm là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam, hiện nay là thị trường xuất khẩu đứng thứ ba của Việt Nam sau Hoa Kỳ và Trung Quốc. Đây cũng là một thị trường có tốc độ tăng trưởng tương đối tốt.

Trong hai năm đầu thực thi EVFTA kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt trung bình khoảng 41,7 tỷ USD/năm và cao hơn mức trung bình năm của giai đoạn 2016 - 2019 (33,5 tỷ USD), cao hơn 24% (tương đương cao hơn 1/4) cho thấy sự cải thiện ở thị trường này.

Theo các chuyên gia, EU là thị trường yêu cầu kỹ thuật cao về cả số lượng và chất lượng nhưng mà nếu làm dần từng bước một vẫn có thể đáp ứng được yêu cầu của các nước EU nói riêng và châu Âu nói chung.

Để gia tăng số lượng doanh nghiệp Việt Nam và tỷ trọng hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU cũng như những biện pháp nhằm gia tăng hiệu quả thực thi của EVFTA, ông Ngô Chung Khanh cho rằng đầu tiên là phải tuyên truyền các câu chuyện thành công.

Hiện nay, Bộ Công Thương đang phối hợp với các tỉnh thành trong việc tập trung xác định một đến hai mặt hàng chiến lược của tỉnh có thế mạnh, sau đó cùng xây dựng các chương trình tuyên truyền hỗ trợ sát hơn.

Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) chính thức có hiệu lực (1/8/2020). Sau hơn 2 năm đi vào thực thi, trao đổi thương mại hai chiều Việt Nam-EU liên tục tăng trưởng kể cả trong giai đoạn đại dịch. Tổng kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang EU giai đoạn từ tháng 8-2020 tới tháng 7-2022 đạt 83,4 tỷ USD (trung bình 41,7 tỷ USD/năm), cao hơn 24% kim ngạch xuất khẩu trung bình năm giai đoạn 2016-2019. EU trở thành đối tác thương mại hàng đầu và cũng là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam. 

 

Tin, ảnh: K.D

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN