Tăng số lượng đại biểu chuyên trách để đảm bảo tính đặc thù của chính quyền đô thị
(ĐCSVN) – Theo các đại biểu, việc tăng cường các đại biểu chuyên trách của HĐND TP. Hà Nội nhiệm kỳ 2021-2026 là hoàn toàn phù hợp và cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh đang thực hiện nghị quyết của Quốc hội về thí điểm chính quyền đô thị.
Chiều 31/3, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về quy định số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2021-2026.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày tóm tắt về Tờ trình quy định số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách của HĐND TP. Hà Nội nhiệm kỳ 2021-2026.
Tăng số lượng đại biểu chuyên trách
Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, HĐND thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2016-2021 có 18 đại biểu hoạt động chuyên trách trên tổng số 105 đại biểu.
Nhiệm kỳ 2021-2026, thành phố Hà Nội đề nghị bố trí 19 đại biểu hoạt động chuyên trách. Trong đó lãnh đạo HĐND thành phố gồm 3 người: Chủ tịch và 2 Phó Chủ tịch HĐND thành phố. Đối với 4 Ban HĐND thành phố, mỗi Ban có 1 Trưởng ban, 2 Phó Trưởng ban và 1 Ủy viên hoạt động chuyên trách.
Đối với HĐND quận, huyện, thị xã và HĐND xã, thị trấn: Thực hiện việc bố trí chức danh đại biểu hoạt động chuyên trách theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Theo đó, tại mỗi quận, huyện, thị xã có từ 5-6 đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách (gồm: Phó Chủ tịch HĐND, Trưởng, Phó Trưởng các Ban của HĐND cấp huyện là đại biểu hoạt động chuyên trách).
Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết: Nội dung đề nghị của thành phố Hà Nội không làm tăng số lượng đại biểu HĐND TP. Hà Nội mà chỉ tăng số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách, tăng một số chức danh lãnh đạo của Thường trực HĐND, các Ban của HĐND TP. Hà Nội nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Quốc hội thảo luận ở hội trường. Ảnh: TH. |
Theo đó, khi tăng số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách của HĐND thành phố nhiệm kỳ 2021 - 2026 thì phải giảm số cán bộ, công chức ở các cơ quan của thành phố Hà Nội để bảo đảm tổng biên chế hành chính của thành phố Hà Nội giữ nguyên.
Mặt khác, việc đề xuất tăng số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách của HĐND TP. Hà Nội chỉ thực hiện trong nhiệm kỳ 2021 - 2026 là để triển khai thực hiện Nghị quyết số 97/2019/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội. Sau khi kết thúc thực hiện thí điểm sẽ tiến hành tổng kết để đánh giá, rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương cho phù hợp.
Cần có chính sách riêng để thu hút nguồn nhân lực đại biểu chuyên trách
Thảo luận tại Hội trường, Đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau) đồng tình cao về quy định số lượng đại biểu chuyên trách được bổ sung thêm cho Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội, Đại biểu cho rằng việc chuẩn bị con người thêm cho đại biểu hoạt động chuyên trách ở cấp thành phố Hà Nội một sự cần thiết, cũng là một dịp để chuẩn bị cho nguồn nhân lực trẻ và có cơ sở, điều kiện, quá trình tập dượt, rèn luyện để chúng ta chuẩn bị nhân sự cho Hội đồng nhân dân trong những khóa tiếp theo, đây là một điều kiện rất tốt cho cán bộ trẻ.
Đồng thời, đại biểu tha thiết đề nghị nên cân nhắc để chức danh này được đưa vào quyết định về hệ số phụ cấp cho tương tương đương hoặc bằng chức danh Phó giám đốc Sở của cấp thành phố nhằm thu hút nguồn nhân lực cho đại biểu chuyên trách của Hội đồng nhân dân.
Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Quốc Bình (TP Hà Nội) nhất trí cao với Tờ trình của Chính phủ. Phân tích tình hình thực tế ở Hà Nội đang thực hiện nhiều cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt đang thực hiện nghị quyết của Quốc hội về thí điểm chính quyền đô thị, đại biểu Bình cho rằng việc tăng số lượng đại biểu chuyên trách mới đảm bảo để thực hiện tính đặc thù của chính quyền đô thị.
“Việc này không làm tăng biên chế, bởi vì như báo cáo đã trình, khi chúng ta tăng đội ngũ chuyên trách lên, giữ được như hiện nay thì chúng ta vẫn giảm được biên chế của các cơ quan hành chính nhà nước để chúng ta đảm bảo không tăng chuyên trách cán bộ hành chính và ngân sách”, đại biểu nói.
Đánh giá cao việc Chính phủ có tờ trình về số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân chuyên trách của thành phố Hà Nội, đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) cho rằng đây là một tư duy rất mới, tích cực, coi trọng cơ quan dân cử.
Đại biểu cho rằng cần phải nghiên cứu một bảng lương riêng cho các cơ quan dân cử. Các đại biểu dân cử phải có một địa vị chính trị, pháp lý cụ thể, rõ ràng, thể hiện qua đãi ngộ của Nhà nước, mà ở đây chính là ủy thác của nhân dân.
“Tôi đề nghị Quốc hội giao cho Chính phủ nghiên cứu kỹ lưỡng vấn đề này. Đây là một chính sách rõ ràng thể hiện đãi ngộ của nhà nước, của nhân dân đối với các đại biểu dân cử, có như vậy mới thu hút được nhân tài vào các cơ quan quyền lực nhà nước, từ Quốc hội đến Hội đồng nhân dân các cấp”, đại biểu kiến nghị./.