Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Tăng phân cấp phải đi kèm với tăng trách nhiệm, giám sát

Thứ Năm, 06/01/2022 16:36 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Theo các đại biểu Quốc hội, cùng với tăng cường phân cấp, phân quyền thì phải nâng cao năng lực của các đơn vị, các cơ quan được phân cấp ủy quyền, tăng cường giám sát các dự án để bảo đảm hiệu quả, chất lượng.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, Quốc hội Khoá XV, sáng ngày 6/1, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự.

Các ý kiến cơ bản đồng tình với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của 8 Luật nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách và quy trình, thủ tục để thúc đẩy đầu tư, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; thể chế hóa các văn kiện của Đảng và thực hiện các nghị quyết của Quốc hội.

Một trong những nội dung được các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) quan tâm tại phiên thảo luận tổ là việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư. Theo tờ trình của Chính phủ, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư nhằm mục tiêu tăng cường phân quyền chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án xây dựng nhà ở, khu đô thị cho các địa phương, Điều 3 dự thảo luật. Cụ thể, sửa đổi, bổ sung điểm g khoản 1 Điều 31 và điểm b khoản 1 Điều 32 để thực hiện phân quyền cho UBND cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị.

 Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Đoàn thành phố Hà Nội) . Ảnh: CA.

Về vấn đề này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Phương Thủy (Đoàn TP.Hà Nội) cơ bản nhất trí với việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các địa phương trong việc phê duyệt chủ trương đầu tư.

Tuy nhiên, theo ĐB Nguyễn Phương Thủy, việc giao đất đầu tư là một tài sản lớn của Nhà nước nên việc sửa đổi lần này cần cân nhắc đến khả năng nhà đầu tư có thể chuyển đổi mục đích sử dụng bất cứ loại đất nào khi có nhu cầu để thực hiện các dự án nhà ở thương mại. Điều này có thể dẫn đến việc thất thu tài sản của Nhà nước, rồi những tác động khi chuyển đổi mục đích đất nông nghiệp sang các dự án khác.

Cơ bản nhất trí với việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư, đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn thành phố Hà Nội) cho rằng, việc sửa đổi thể hiện rõ tính phân quyền của Chính phủ cho địa phương, sẽ có tác dụng rất tốt, công việc chạy nhanh hơn, không bị vòng đi vòng lại, thậm chí còn có tính giám sát cao hơn.

ĐB Hoàng Văn Cường nêu rõ, nhiều điểm phân quyền rất cấp bách, cần thiết, như giải quyết vướng mắc chậm giải ngân vốn đầu tư công, vốn ODA. Tuy nhiên, đại biểu kiến nghị cùng với tăng cường phân cấp, phân quyền thì phải tăng cường giám sát các dự án này để bảo đảm hiệu quả.

Đồng  quan điểm, ĐB Phạm Thị Hồng Yến (đoàn Bình Thuận), Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, qua thẩm tra 1 luật, sửa 8 luật thì lần này đã phân cấp rất lớn cho chính quyền địa phương. Song, đại biểu cũng lưu ý cần đảm bảo quá trình quản lý nhà nước, liên quan đến sửa đổi các quy định trong pháp luật thì các giải pháp cần đánh giá việc nâng cao năng lực của các đơn vị, các cơ quan được phân cấp ủy quyền, để đảm bảo quá trình được phân cấp cũng sẽ đáp ứng và đảm bảo uy tín của Việt Nam với cộng đồng quốc tế trong quá trình thực hiện các hoạt động của mình.

Trong khi đó, ĐBQH Đỗ Đức Hiển (Đoàn TP. Hồ Chí Minh) nêu thực tế một số dự án đầu tư nhóm A sử dụng vốn ODA hiện nay cũng được giao cho địa phương, do đó ông đề nghị dự thảo luật cần mở rộng theo hướng giao thẩm quyền quyết định đầu tư dự án nhóm A cho địa phương.

Ở góc độ khác, đại biểu Vũ Tuấn Anh (Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ) bày tỏ băn khoăn, dự thảo Luật chưa bổ sung  nội dung phân quyền cho cả các dự án nhóm A để đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án và tăng trách nhiệm đối với thủ trưởng cơ quan chủ quản đối với các dự án này…/.

Vy Thảo

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN