Tăng mức phạt tiền tối đa vi phạm hành chính
(ĐCSVN) – Theo các đại biểu Quốc hội, việc nâng mức phạt xử lý vi phạm hành chính là thực sự cần thiết để tăng tính răn đe, phòng ngừa, tuy nhiên cần quy định tương xứng với tính chất, mức độ của vi phạm.
Nguồn: VTV |
Sáng ngày 18/6, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
So với Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện hành, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi, bổ sung theo hướng tăng mức tiền phạt tối đa đối với 10 lĩnh vực, bổ sung mức tiền phạt tối đa đối với 6 lĩnh vực, trong đó mức phạt cao nhất lên tới 1 tỉ đồng….
Thảo luận tại Hội trường, các ý kiến cơ bản đồng tình tăng mức phạt tối đa để tăng sức răn đe, phòng ngừa vi phạm đồng thời đáp ứng được nguyện vọng của cử tri.
Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Lê Công Đỉnh (Long An) đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu nâng mức phạt tiền tối đa tất cả các lĩnh vực để tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm của nhóm hành vi vi phạm, tăng tính răn đe, phòng ngừa, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước trong giai đoạn hiện nay. Điều này thể hiện rất rõ khi Chính phủ ban hành Nghị định số 100 như vừa qua, đồng thời phải đảm bảo thực hiện nghiêm nguyên tắc mọi hành vi vi phạm hành chính phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và phải được xử lý nghiêm minh.
“Mọi hậu quả do vi phạm hành chính gây ra phải được khắc phục theo đúng quy định pháp luật, tức là khi vi phạm hành chính thì phải xử lý đến nơi đến chốn. Nếu không tự thực hiện thì phải tiến hành cưỡng chế thi hành, chứ không phải phạt cho tồn tại”, ĐB nhấn mạnh.
Đại biểu Quốc hội Lê Công Đỉnh (Long An) phát biểu tại Hội trường. Ảnh: TL |
Song song đó, cùng với việc Quốc hội vừa thông qua Luật Xây dựng, ĐB đề nghị sớm hoàn thiện hệ thống pháp luật có liên quan như Luật Quy hoạch và Luật Đất đai và trong triển khai thực hiện phải đảm bảo đầy đủ quyền lợi của người dân.
Theo ĐB Nguyễn Thành Công (Ninh Bình), trong các lĩnh vực được nâng mức phạt tiền có lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bảo vệ môi trường, an toàn thông tin mạng, trong đó có việc bảo vệ thông tin cá nhân trên môi trường mạng. Đây là hướng đi đúng để đáp ứng thực tiễn bức xúc trong vi phạm hành chính hiện nay, cũng như góp phần tăng tính răn đe, phòng ngừa vi phạm.
Tuy nhiên, qua nghiên cứu các mức tiền phạt cụ thể được dự kiến ấn định trong từng lĩnh vực, ĐB chỉ ra có thể thấy sự chưa hợp lý của nhiều quy định trong dự thảo. Trong khi lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có thể bị phạt tới 200 triệu đồng mà lĩnh vực xâm phạm quyền lợi của bệnh nhân trong dịch vụ khám, chữa bệnh, dược lại trừng phạt ở mức tối đa là 100 triệu đồng và lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc trẻ em đang là lĩnh vực mà thời gian qua dư luận rất bức xúc trong những hành vi vi phạm xâm hại trẻ em, mà mức phạt tối đa chỉ là 50 triệu đồng.
“Tôi đề nghị Ban soạn thảo nên chỉnh lại theo hướng, mức phạt tối đa đối với các hành vi xâm hại trẻ em, khám chữa bệnh không thấp hơn mức phạt tối đa trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”, ĐB Công kiến nghị.
Đồng thời, ĐB Thành Công cũng cho rằng mức phạt trong lĩnh vực an toàn thông tin mạng, nhất là đối với các hành vi xâm phạm quyền của cá nhân trong lĩnh vực bảo vệ thông tin cá nhân, cần được nâng lên ở mức đáng kể hơn, thay vì chỉ là 100 triệu đồng nhưng dự thảo.
Chỉ ra thực tiễn cho thấy hình thức xử phạt vi phạm hành chính được áp dụng nhiều nhất là phạt tiền, ĐB Phan Thị Bình Thuận (TP. Hồ Chí Minh) đề nghị cân nhắc xem xét có đánh giá toàn diện khoa học về mức tiền phạt tối đa để có mức tiền phạt tối đa tương xứng với tính chất, mức độ của vi phạm, đủ sức răn đe, hợp lý và phòng ngừa, hạn chế vi phạm hành chính, vì nếu mức phạt quá thấp cũng không đủ sức răn đe và nếu như mức phạt quá cao, quá hà khắc thì khó khả thi trong thực tiễn.
Ngoài ra, đối với vi phạm trong một số lĩnh vực gây hậu quả lớn cho xã hội, làm thiệt hại ĐB đề nghị nghiên cứu tăng mức hình phạt tối đa để tương xứng với tính chất, mức độ và yêu cầu quản lý trong các lĩnh vực này. Ví dụ, như hành vi vi phạm trong lĩnh vực đối ngoại xuất, nhập cảnh, quá cảnh.
Theo ĐB Nguyễn Hữu Chính (TP Hà Nội, mỗi thời kỳ khác nhau của xã hội thì sự phát triển kinh tế - xã hội khác nhau, mức xử phạt vi phạm cũng khác nhau. Khi quy định mức tiền cụ thể áp dụng chung cho tất cả các thời kỳ sẽ dẫn đến mức hình phạt không phù hợp. Đối với từng thời kỳ phát triển, ví dụ đối với hành vi bạo hành gia đình, luật quy định mức hình phạt tối đa trong lĩnh vực này là 30 triệu đồng hay quy định về mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực buôn bán hàng cấm là 200 triệu đồng. Quy định này là phù hợp với bối cảnh hiện nay nhưng với thời điểm khác sẽ không phù hợp, do vậy ĐB kiến nghị quy định liệt kê các lĩnh vực xử phạt hành chính và mức phạt tiền nên để ở văn bản dưới luật như nghị định, thông tư.
Đồng tình tăng nặng hình phạt và xử lý nghiêm minh hành vi vi phạm hành chính, ĐB Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc nghiên cứu để bổ sung cơ chế bắt buộc người có hành vi vi phạm phải thực hiện việc lao động công ích và đặc biệt là phải có cơ chế giám sát rõ ràng và cần phải giải quyết một số những vấn đề then chốt, chẳng hạn như lao động công ích thì đó là những công việc gì và thời gian lao động công ích là bao lâu. Đồng thời, cũng phải rất chú ý tới việc xây dựng một cơ chế để bảo vệ người vi phạm nhằm tránh nguy cơ lạm dụng hình thức lao động công ích để xâm phạm đến quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân./.