Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ

Thứ Năm, 16/03/2023 14:17 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Hiện nay hầu hết các tổ chức tín dụng đã tham gia cho vay đối với khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa, bình quân giai đoạn 2018-2022, dư nợ tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 14,17%, cao hơn bình quân chung toàn nền kinh tế. Đến cuối năm 2022, dư nợ tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 8,28% so với cuối năm 2021, chiếm khoảng gần 19% tổng dư nợ tín dụng chung toàn nền kinh tế.

Hình ảnh tại Hội nghị (Ảnh: M.P) 

Chiều 15/3 tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức Hội nghị các giải pháp tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng khẳng định, doanh nghiệp nhỏ và vừa là một bộ phận trong thành phần kinh tế tư nhân, có vai trò quan trọng trong sự phát triển của nền kinh tế, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành, triển khai nhiều chính sách về tiền tệ, tín dụng và hoạt động ngân hàng tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận vốn.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến thị trường để ổn định thị trường tiền tệ, kiểm soát lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng hợp lý, đồng thời tạo điều kiện tiết giảm chi phí cho doanh nghiệp, người dân; quy định trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND đối với các lĩnh vực ưu tiên phát triển (trong đó có doanh nghiệp nhỏ và vừa) thấp hơn 1-2%/năm so với các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường.

Hiện nay hầu hết các tổ chức tín dụng đã tham gia cho vay đối với khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa, bình quân giai đoạn 2018-2022, dư nợ tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 14,17%, cao hơn bình quân chung toàn nền kinh tế. Đến cuối năm 2022, dư nợ tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 8,28% so với cuối năm 2021, chiếm khoảng gần 19% tổng dư nợ tín dụng chung toàn nền kinh tế.

Dư nợ tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa phần lớn tập trung vào khu vực thương mại và dịch vụ (56,29%), công nghiệp và xây dựng (40,85%). Các NHTM Nhà nước đang cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 48,05%, khối NHTM cổ phần cho vay chiếm 47,43%, khối ngân hàng nước ngoài, ngân hàng liên doanh, công ty tài chính và ngân hàng hợp tác xã tham gia cho vay 4,52%.

Tuy nhiên, vẫn còn không ít DNNVV có năng lực tài chính hạn chế, thiếu tài sản đảm bảo. Hơn nữa, nếu DN thiếu vị thế uy tín trên thị trường, về sản phẩm, thương hiệu trên thị trường nên tiếp cận vốn khó khăn. 

Vì vậy, lãnh đạo NHNN đề nghị các ngân hàng, doanh nghiệp, cơ quan quản lý cần trao đổi để đưa ra các giải pháp đồng bộ.

Phó tổng giám đốc Ngân hàng BIDV Trần Phương cho biết, doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 98% về số lượng, 40 % về dư nợ khách hàng doanh nghiệp trong nước, là phân khúc khách hàng quan trọng trong chiến lược kinh doanh được BIDV ưu tiên các nguồn lực, hỗ trợ các giải pháp toàn diện để thúc đẩy và phát triển.

Tuy nhiên, Ngân hàng này vẫn đang đối diện với một số thách thức như Ngân hàng Nhà nước quy định trần lãi suất cho vay ngắn hạn 5.5%/năm đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc đối tượng ưu tiên, tuy nhiên các NHTM dùng nguồn vốn thương mại từ huy động vốn cá nhân/tổ chức (với mức lãi suất huy động cao) để cho vay, dành nhiều thời gian tác nghiệp cho khoản vay quy mô nhỏ, dẫn tới chi phí đầu vào cao.

Ngoài ra, doanh nghiệp nhỏ và vừa thường có mô hình kinh doanh nhỏ lẻ, thiếu minh bạch giữa tài chính của cá nhân, chủ sở hữu và doanh nghiệp, báo cáo tài chính thường chưa được kiểm toán, trình độ quản lý, tổ chức, điều hành, nguồn vốn, năng lực sản xuất, trình độ kỹ thuật còn hạn chế … nên trong nhiều trường hợp khó đáp ứng điều kiện vay vốn Ngân hàng.

Đại diện Ngân hàng Agribank,  Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Quang Hùng cũng cho biết, ngân hàng xác định DNNVV là phân khúc khách hàng chính thể hiện vai trò vị thế Agribank với hơn 20.000 khách là DNNVV quy mô trên vay vốn trên 350.000 tỷ đồng.

Vừa qua hưởng ứng kêu gọi và yêu cầu của Chính phủ và NHNN, Agribank triển khai loạt giải pháp nhiệm vụ để các DNNVV tiếp cận vốn, cơ cấu thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, giảm áp lực kỳ hạn thanh toán…

Lãnh đạo Agribank chia sẻ một giải pháp của ngân hàng, đó là chính sách tín dụng đi theo hướng liên kết doanh nghiệp quản lý đầu vào nhóm này đầu ra nhóm kia, mục tiêu quản lý dòng tiền khách hàng doanh nghiệp. Bên cạnh đó, ngân hàng tăng cường khả năng đánh giá nhận biết phương án kinh doanh của DN thay vì chỉ quan tâm đến tài sản thế chấp, quan tâm dòng tiền. 

Tại hội nghị, dưới góc độ Hiệp hội DNNVV, ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV kiến nghị “nới” các điều kiện cho phép NHNN cho vay DNNVV thông thoáng hơn. Thực tế đã có nhiều chương trình giãn nợ, hỗ trợ lãi suất…, tuy nhiên, với tỉ lệ 60% DN siêu nhỏ, khoảng 2-3% doanh nghiệp vừa sẽ rất khó tiếp cận vốn với các điều kiện như hiện nay. “Nếu không có giải pháp đồng bộ từ trên xuống, các ngân hàng không thể đột phá được, bị bó về mặt cơ chế thì ngân hàng muốn đẩy mạnh cho vay DNNVV cũng không đơn giản”, ông Nguyễn Văn Thân nói. 

Sau khi nghe các ý kiến trao đổi, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú đánh giá cao sự vào cuộc của các TCTD. Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định, lĩnh vực DNNVV là 1 trong 5 lĩnh vực ưu tiên. NHTM rất linh hoạt trong các thủ tục cho vay, tuy nhiên vẫn phải tuân thủ điều kiện cho vay để bảo đảm an toàn tín dụng. Bản thân các DNNVV cũng đã rất nỗ lực khôi phục sau dịch, gia tăng khả năng chống chịu và thích ứng, dù tình hình khách quan còn nhiều khó khăn. 

Về định hướng thời gian tới, Phó Thống đốc khẳng định NHNN tiếp tục điều hành linh hoạt chủ động vừa ổn định kinh tế vĩ mô, trong năm nay tiếp tục duy trì chính sách lãi suất hợp lý, ổn định. 

“Nếu điều kiện thuận lợi từ nay đến cuối năm NHNN sẽ tiếp tục có động thái tích cực, phù hợp các điều kiện đặt ra”, ông Đào Minh Tú nói. 

Lãnh đạo NHNN khẳng định, sẽ tiếp tục nghiên cứu, rà soát, hoàn thiện cơ chế chính sách tín dụng ngân hàng, tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho DNNVV tiếp cận vốn; khuyến khích các TCTD mở rộng mạng lưới hoạt động ở những nơi chưa đáp ứng đủ nhu cầu tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng của người dân, doanh nghiệp, đặc biệt tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa; triển khai thực hiện có hiệu quả hoạt động tín dụng, các chương trình tín dụng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với đối tượng ưu tiên, tín dụng chính sách trong đó có đối tượng thụ hưởng là DNNVV; phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan trong việc kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc trong cho vay các đối tượng ưu tiên, đối tượng chính sách trên toàn quốc; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong các lĩnh vực hoạt động ngân hàng, tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân tiếp cận sản phẩm dịch vụ ngân hàng...

Với các TCTD, lãnh đạo NHNN đề nghị cần tiếp tục tập trung vốn đối với các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực sản xuất, đẩy mạnh triển khai các chính sách hỗ trợ DNNVV triển khai tháo gỡ khó khăn. Cần cải tiến quy trình, thủ tục cho vay, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay, đảm bảo phù hợp với các quy định của pháp luật. 

UBND các tỉnh, thành phố quan tâm cần tiếp tục phối hợp với ngành Ngân hàng triển khai Chương trình kết nối – ngân hàng doanh nghiệp để nắm bắt và xử lý kịp thời các khó khăn của DNNVV. Bản thân các DNNVV cần nâng cao năng lực quản trị điều hành, minh bạch tài chính và thông tin hoạt động, tái cấu trúc hoạt động, xây dựng phương án chuyển đổi sản xuất kinh doanh hiệu quả phù hợp với thực tế làm cơ sở để các TCTD thẩm định cho vay.

Minh Phương

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN