Tăng cường, xúc tiến thương mại giữa tỉnh Lâm Đồng với TP Hồ Chí Minh
(ĐCSVN) - Tuần lễ diễn ra từ nay đến ngày 29/8 nhằm mục tiêu giới thiệu hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh và tăng cường hoạt động hợp tác, xúc tiến thương mại giữa tỉnh Lâm Đồng với TP Hồ Chí Minh.
Quang cảnh tuần lễ. (Ảnh: Chi Mai) |
Ngày 23/8, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP Hồ Chí Minh phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Lâm Đồng tổ chức “Tuần lễ kết nối và giới thiệu sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng và sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Lâm Đồng năm 2024 tại TP Hồ Chí Minh ”.
Tuần lễ diễn ra từ nay đến ngày 29/8 nhằm mục tiêu giới thiệu hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh và tăng cường hoạt động hợp tác, xúc tiến thương mại giữa tỉnh Lâm Đồng với TP Hồ Chí Minh. Đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng quảng bá, kết nối, xúc tiến tiêu thụ các mặt hàng nông sản đủ tiêu chuẩn xuất khẩu; các sản phẩm đạt chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm OCOP và các sản phẩm đặc trưng, chủ lực của tỉnh Lâm Đồng với các nhà phân phối, doanh nghiệp kinh doanh của TP Hồ Chí Minh.
Ông Trần Phú Lữ, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP Hồ Chí Minh cho rằng, với vai trò là đầu tàu kinh tế, trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, văn hóa, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, giáo dục, đào tạo của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước, TP Hồ Chí Minh đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối với khu vực và thế giới. TP Hồ Chí Minh tích cực chủ động hợp tác và liên kết vùng, nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của các tỉnh Tây Nguyên, trong đó có tỉnh Lâm Đồng, góp phần mở rộng không gian phát triển của Thành phố và hướng đến mục tiêu phát triển bền vững chung.
Trong những năm qua, chương trình hợp tác phát triển kinh tế, xã hội giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Tây Nguyên đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Ngày 4/4/2024, tại TP Hồ Chí Minh đã diễn ra hội nghị sơ kết việc thực hiện thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế, xã hội giữa TP Hồ Chí Minh với các tỉnh vùng Tây Nguyên (Lâm Đồng, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông) năm 2023 và triển khai kế hoạch hợp tác năm 2024. Theo đó, các địa phương vùng Tây Nguyên đã thống nhất tăng cường hợp tác kinh tế, xã hội trong 5 lĩnh vực trọng tâm gồm: du lịch, thương mại, nông nghiệp, khoa học công nghệ, y tế và giáo dục. Sự hợp tác này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tạo đột phá cho nền kinh tế của từng địa phương, mở ra cơ hội mới để thu hút đầu tư từ các nhà đầu tư của TP Hồ Chí Minh.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP tổ chức 08 sự kiện xúc tiến nhằm đẩy mạnh liên kết vùng với các tỉnh Tây Nguyên, bao gồm tỉnh Lâm Đồng, đặc biệt là Hội nghị Xúc tiến đầu tư vùng Tây Nguyên. Các chương trình kết nối giao thương, xúc tiến thương mại và đầu tư giữa doanh nghiệp Thành phố và các doanh nghiệp vùng Tây Nguyên đã nhận được sự quan tâm đông đảo của các doanh nghiệp, góp phần cụ thể hóa và mang lại hiệu quả thiết thực cho chương trình hợp tác. Dự kiến trong 6 tháng cuối năm 2024, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP sẽ thực hiện 5 hoạt động cấp vùng Tây Nguyên, 4 hoạt động hợp tác song phương và 2 đoàn doanh nghiệp Thành phố khảo sát đầu tư.
Gian hàng tại tuần lễ. (Ảnh: Chi Mai) |
Riêng đối với tỉnh Lâm Đồng, các chương trình hợp tác giữa TP Hồ Chí Minh và tỉnh Lâm Đồng vẫn còn nhiều tiềm năng chưa được khai thác và phát triển, đặc biệt là trong các lĩnh vực thương mại, đầu tư và du lịch. Vì vậy, trong những năm tiếp theo, TP Hồ Chí Minh và tỉnh Lâm Đồng sẽ tập trung phối hợp chặt chẽ trong việc tổ chức các hoạt động kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại, đầu tư, nhằm hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm và thu hút đầu tư vào các dự án trọng điểm, thúc đẩy sự phát triển toàn diện của địa phương.
Ông Nguyễn Vĩnh Quảng, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Lâm Đồng thông tin, Lâm Đồng là địa phương có thế mạnh trong sản xuất, chế biến và kinh doanh sản phẩm nông sản; với tổng diện tích gieo trồng ước đạt trên 367 ngàn ha; trong đó diện tích sản xuất ứng dụng công nghệ cao đạt trên 68 ngàn ha và rất đa dạng về sản phẩm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng phục vụ đời sống của người tiêu dùng trong và ngoài nước nói chung và TP Hồ Chí Minh nói riêng.
Trong thời gian gần đây Lâm Đồng luôn quan tâm xây dựng, phát triển hoạt động sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thông minh; xây dựng phát triển thương hiệu đối với sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp chế biến. Từng bước đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng và đến nay Lâm Đồng hiện có 352 sản phẩm được cấp chứng nhận sản phẩm OCOP từ 3-5 sao và 22 chứng nhận nhãn hiệu độc quyền và tiêu biểu là nhãn hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” đại diện cho 04 sản phẩm gồm: rau, hoa, cà phê arabica và du lịch canh nông đã khẳng định về tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm; qua đó từng bước được người tiêu dùng trong và ngoài nước lựa chọn tiêu dùng.
Chương trình Tuần lễ kết nối và giới thiệu sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng tiêu biểu của Lâm Đồng lần này không chỉ là dịp để gặp gỡ, giao lưu, mà còn là cơ hội để các sản phẩm OCOP, sản phẩm đạt thương hiệu "Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất Lành" cùng những sản phẩm đặc trưng tiêu biểu của Lâm Đồng được tỏa sáng, được tiếp cận gần hơn với người tiêu dùng tại thị trường sôi động bậc nhất cả nước. Đây cũng là minh chứng cho sự nỗ lực không ngừng của tỉnh Lâm Đồng trong việc phát triển kinh tế nông nghiệp, nâng cao chất lượng sản phẩm, hướng tới xây dựng một nền nông nghiệp bền vững, hiện đại, nhằm phục vụ người tiêu dùng TP Hồ Chí Minh.
Đặc biệt, thương hiệu "Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành" không chỉ là sự khẳng định về chất lượng, mà còn là câu chuyện về tình yêu, niềm tự hào của người Lâm Đồng dành cho quê hương mình. Mỗi sản phẩm mang thương hiệu này đều là kết tinh của tâm huyết, là sự hòa quyện giữa truyền thống và đổi mới, giữa thiên nhiên và con người, đã và đang mở ra con đường lớn để nông sản sạch vùng đất cao nguyên định vị trên thị trường trong nước và dần bước ra thị trường quốc tế; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, nhà cung cấp, cơ sở sản xuất tìm hiểu thông tin thị trường, thúc đẩy sản xuất, kết nối cung cầu hàng hóa, đưa vào các hệ thống phân phối, bán lẻ, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân tại các thành phố lớn như: Đà Nẵng, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh trên cả nước; qua đó, góp phần tháo gỡ những khó khăn cho sản xuất của doanh nghiệp, đẩy mạnh tăng trưởng xuất khẩu và phát triển bền vững.
Theo ông Nguyễn Vĩnh Quảng, Chương trình lần này nhằm quảng bá, giới thiệu và bán sản phẩm được tổ chức có ý nghĩa thiết thực trong việc đồng hành, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã của Lâm Đồng đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, đồng thời giúp người tiêu dùng TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận biết, có thêm nhiều lựa chọn tiêu dùng sản phẩm chất lượng với giá cả hợp lý, phát huy tinh thần tự lực, tự cường.
“Thông qua sự kiện này, chúng tôi rất mong và hy vọng doanh nghiệp, hợp tác xã có thêm nhiều khách hàng, đầu mối tiêu thụ, góp phần cân đối cung - cầu hàng hoá, kích cầu người tiêu dùng, tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Nhiều người tiêu dùng biết đến, ưu tiên, lựa chọn tiêu dùng sản phẩm OCOP, nông sản nội địa có chất lượng tốt, có nguồn gốc suất sứ với giá cả hợp lý, góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, khôi phục kinh tế góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương, nâng cao đời sống người dân.”- Ông Nguyễn Vĩnh Quảng nhấn mạnh./.