Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp dân

Thứ Tư, 14/09/2022 14:22 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Ủy ban Pháp luật đề nghị cần tổ chức thực hiện và quán triệt đến các cấp, các ngành chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng và Nhà nước về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; đặc biệt là việc thực hiện Chỉ thị số 35/CT-TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng tại phiên họp thứ 15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
(Ảnh: Quang Khánh) 
Tố cáo trong lĩnh vực hành chính chiếm tỉ lệ cao

Tại phiên họp thứ 15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chiều ngày 13/9, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, so với kỳ báo cáo năm 2021, tình hình khiếu nại, tố cáo, tổng số đơn thư các loại giảm 4% nhưng số vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan hành chính nhà nước tăng 3,9%, trong đó đơn khiếu nại giảm về số đơn nhưng tăng về số vụ việc, đơn tố cáo tăng nhẹ cả về số đơn và số vụ việc.

Phân loại đơn thư theo chủ thể tiếp nhận thì số lượng đơn thư do các bộ, ngành trung ương bao gồm cả Thanh tra Chính phủ tiếp nhận giảm rất mạnh (gần 50%), trong khi ở địa phương thì lại tăng đáng kể (hơn 11%).

Đối với khiếu nại, về cơ cấu lĩnh vực cơ bản không có nhiều thay đổi so với các năm trước, vẫn tập trung chủ yếu liên quan đến đất đai. Điều đó cho thấy, việc sửa đổi, bổ sung các văn bản dưới luật có liên quan thời gian qua chưa hiệu quả, chưa tháo gỡ được những vướng mắc, bất cập dẫn đến phát sinh khiếu nại trong lĩnh vực đất đai. Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang tiếp tục nghiên cứu, đề xuất sửa đổi 06 nghị định về đất đai  để tháo gỡ vướng mắc.

Đối với tố cáo, tương tự như các năm trước, nội dung chủ yếu vẫn là tố cáo cán bộ, công chức vi phạm pháp luật trong quản lý, thực thi công vụ; tố cáo trong lĩnh vực hành chính chiếm tỉ lệ cao (81,9% tổng số vụ việc, giảm 2,7% so với năm 2021 ), với nguyên nhân chủ yếu vẫn là do “Công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực còn nhiều hạn chế, yếu kém, vi phạm, nhất là khâu công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình những vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp. Một số công chức chưa thực hiện đầy đủ chức trách, nhiệm vụ hoặc thiên lệch trong thực thi công vụ; thậm chí có trường hợp gây phiền hà, sách nhiễu, vụ lợi cá nhân, ảnh hưởng quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức” (trang 3 của Báo cáo).

Thực trạng này cho thấy hoạt động của bộ máy hành chính công vụ còn không ít bất cập, người dân chưa thực sự tin tưởng vào sự liêm chính, khách quan, công tâm của một bộ phận công chức, người có thẩm quyền trong giải quyết công việc của người dân, doanh nghiệp…

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp dân

Trước thực trạng trên, trình bày Báo cáo thẩm tra sơ bộ Báo cáo trên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị cần tổ chức thực hiện và quán triệt đến các cấp, các ngành chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng và Nhà nước về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; đặc biệt là việc thực hiện Chỉ thị số 35/CT-TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Các bộ, ngành tập trung nghiên cứu, rà soát, tổng kết các quy định của pháp luật có bất cập, vướng mắc là nguyên nhân dẫn đến những tồn tại, hạn chế trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, đặc biệt là các quy định của pháp luật về đất đai liên quan đến việc thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giao đất dịch vụ... để có giải pháp, chính sách xử lý phù hợp trong quá trình xây dựng, hoàn thiện dự án Luật Đất đai (sửa đổi)...

Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ, Thanh tra Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp về công tác chỉ đạo, điều hành và thực hiện nhiệm vụ có liên quan trong việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; tiếp tục quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng công tác giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo, bảo đảm giải quyết đơn kịp thời, không để quá hạn luật định, tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc tồn đọng, kéo dài trong năm 2022, kể cả đối với các đơn khiếu nại, tố cáo do đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội chuyển đến./.

Khôi Nguyên

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN