Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Tăng cường quản lý, bảo vệ rạn san hô ven biển Quy Nhơn

Thứ Ba, 13/07/2021 11:30 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

Tác động của biến đổi khí hậu cùng việc phát triển du lịch và khai thác thủy sản khiến cho rạn san hô tại một số khu vực ven biển Quy Nhơn (Bình Định) có nguy cơ bị xâm hại. Từ năm 2020, thành phố đã giao 4 vùng rạn san hô cho tổ chức, cộng đồng địa phương cùng quản lý, bảo vệ.

 Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN

Bãi Dứa thuộc xã Nhơn Lý (thành phố Quy Nhơn) có hệ thống rạn san hô đa dạng, phong phú với diện tích trên 8 ha, trong đó, có 1 ha nằm ở vị trí cạn, gần bờ cần được bảo vệ nghiêm ngặt. Các vị trí rạn san hô còn lại có nguy cơ xâm hại cao khi tàu thuyền khai thác thủy sản hay các hoạt động phát triển du lịch diễn ra.

Tháng 2/2020, UBND thành phố Quy Nhơn đã quyết định giao lại khu vực Bãi Dứa cho Tổ bảo vệ nguồn lợi thủy sản xã quản lý. Từ đó đến nay, các thành viên trong Tổ tiến hành cắm phao tiêu khoanh vùng, quan trắc và thường xuyên nhắc nhở người dân khai thác thủy sản, hoạt động du lịch không làm ảnh hưởng đến hệ thống rạn san hô khu vực này.

Anh Nguyễn Việt Xuân, thành viên Tổ bảo vệ nguồn lợi thủy sản xã Nhơn Lý cho biết, Tổ thường xuyên tổ chức các buổi tuần tra để hướng dẫn khách du lịch không giẫm đạp lên rạn san hô, không bẻ san hô đem về, không bỏ rác thải nhựa xuống rạn san hô. Đồng thời, nghiêm cấm các tàu thuyền đánh bắt thủy sản bằng chất nổ tại khu vực có rạn san hô.

Theo ông Nguyễn Thành Danh, Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Lý, khi được thành phố giao quyền quản lý cho Tổ bảo vệ nguồn lợi thủy sản của xã, nhận thức bảo vệ hệ sinh thái biển nói chung, rạn san hô nói riêng của người dân đã được nâng cao.

“Xã Nhơn Lý còn có vùng rạn san hô đa dạng, phong phú gần 15 ha tại khu vực Hòn Sẹo và Bãi Rạn. Qua hơn một năm quản lý vùng Bãi Dứa, rạn san hô nơi đây đã phát triển tốt hơn. Do đó, thời gian tới, chúng tôi mong muốn được thành phố tiếp tục giao quyền cho cộng đồng địa phương quản lý, bảo vệ.”, ông Danh chia sẻ.

Sau Bãi Dứa của xã Nhơn Lý, vùng rạn san hô tại những khu vực: Hòn Nhàn với diện tích gần 6 ha, biển phía Tây Hòn Khô nhỏ với trên 12 ha và Bãi Trước trên 20 ha lần lượt được UBND thành phố Quy Nhơn giao quyền quản lý, bảo vệ cho Tổ bảo vệ nguồn lợi thủy sản phường Ghềnh Ráng, xã Nhơn Hải và xã đảo Nhơn Châu. Thành viên trong các Tổ cộng đồng đã triển khai nhiều hoạt động bảo vệ vùng rạn san hô nhằm quản lý và tạo nhiều sinh kế cho người dân địa phương.

Theo anh Nguyễn Tôn Xuân Sáng, thành viên Tổ Bảo vệ nguồn lợi thủy sản xã Nhơn Hải, trong 12 ha vùng rạn san hô tại khu vực biển phía Tây Hòn Khô nhỏ do Tổ quản lý, có vùng rạn san hô trên 2 ha cần bảo vệ nghiêm ngặt. Tổ đã khoanh vùng, cắm phao tiêu và nghiêm cấm tàu thuyền khai thác thủy sản tại đây để tái tạo, gây giống nguồn lợi thủy sản. Khi rạn san hô được bảo vệ tốt hơn, khách du lịch sẽ đến địa phương nhiều hơn.

Cùng tham gia hỗ trợ Tổ bảo vệ nguồn lợi thủy sản các địa phương, hằng năm, Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và Phát triển cộng đồng phối hợp cùng với Hiệp hội Thủy sản Bình Định, Chi cục Thủy sản Bình Định và UBND thành phố Quy Nhơn thường xuyên tổ chức các đợt quan trắc vùng rạn san hô ở những khu vực đã giao quyền quản lý.

Bà Nguyễn Hải Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản Bình Định cho rằng, trong quá trình quan trắc, người dân sẽ biết được san hô tại khu vực mình quản lý có bao nhiêu san hô chết, san hô mọc ra thêm như thế nào hoặc phát triển thêm những loại gì. Trong rạn san hô còn có các loại động vật đáy hoặc các loại cá. Nếu như thấy sinh vật biển phát triển lên nhiều loài, chứng tỏ rạn san hô ở đấy được bảo vệ tốt.

Giao quyền đồng quản lý, bảo vệ nguồn lợi thủy sản cho cộng đồng địa phương là một trong những điểm mới của Luật Thủy sản năm 2017 nhằm nâng cao ý thức và trách nhiệm của người dân trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Hoạt động này trở nên có ý nghĩa hơn khi mang lại nhiều lợi ích cho người dân vùng biển./.

Theo TTXVN

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN