Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Tăng cường liên kết, phục hồi du lịch vùng Đông Nam Bộ

Thứ Tư, 30/11/2022 16:26 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Đông Nam Bộ là vùng phát triển kinh tế năng động, nơi hội tụ đa dạng tài nguyên du lịch với lợi thế rừng, biển, sông, hồ… Tuy nhiên, tốc độ phát triển du lịch Đông Nam Bộ vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của một vùng đất giàu văn hoá - lịch sử, đa dạng về tài nguyên du lịch và nguồn nhân lực dồi dào.

Nhiều tiềm năng và cơ hội đầu tư

Vùng du lịch Đông Nam Bộ gồm 6 tỉnh, thành phố, đó là: Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh: Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh. Đây là vùng phát triển kinh tế năng động, dẫn đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước. Vùng Đông Nam Bộ là nơi hội tụ đa dạng tài nguyên du lịch với lợi thế rừng, biển, sông, hồ; hệ thống di tích văn hóa, lịch sử, làng nghề để phát triển nhiều loại hình du lịch về nguồn, du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch biển,…

Thành phố Hồ Chí Minh có lợi thế là đầu mối giao thông đã trở thành điểm đến sôi động, thị trường gửi khách và nhận khách năng động bậc nhất cả nước. (Ảnh: LH)

Vùng Đông Nam bộ được thiên nhiên ưu ái về khí, có nhiều hồ lớn và hệ sinh thái rừng đa dạng thuận lợi cho phát triển du lịch; tài nguyên du lịch sinh thái gắn liền với vườn Quốc gia, khu dự trữ sinh quyển, khu bảo tồn, các khu rừng ngập mặn như: Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai, Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ đã được UNESCO công nhận; hệ thống Vườn quốc gia: Nam Cát Tiên (Đồng Nai), Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu), Bù Gia Mập (Bình Phước), Lò Gò - Xa Mát (Tây Ninh); tài nguyên du lịch gắn liền với cảnh quan núi có ý nghĩa đối với phát triển du lịch như: Núi Bà Đen (Tây Ninh) còn được công nhận là Quần thể di tích lịch sử, văn hóa và danh thắng núi Bà, Núi Bà Rá (Bình Phước), Núi Dinh (Bà Rịa - Vũng Tàu), Núi Chứa Chan (Đồng Nai); tài nguyên du lịch tự nhiên gắn liền với cảnh quan, hệ sinh thái sông, hồ như: sông Sài Gòn, sông Vàm Cỏ Đông, sông Đồng Nai; hồ Dầu Tiếng; hồ Trị An (Đồng Nai); hồ Thác Mơ (Bình Phước).

Với sự đa dạng này, sản phẩm du lịch sinh thái ở Đông Nam Bộ có thể đáp ứng nhu cầu khác nhau của nhiều phân khúc du khách tùy thuộc sở thích, thời gian và cả mức chi tiêu cho mỗi chuyến du lịch.

Có thể nói, vùng Đông Nam Bộ là nơi hội tụ đầy đủ các yếu tố để phát triển du lịch của nhiều vùng, miền. Nghị quyết 24-NQ/TW ngày 7/10/2022 của Bộ Chính trị về Phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã chỉ ra những hạn chế, yếu kém và khó khăn, thách thức; đồng thời, đề ra các mục tiêu và giải pháp. Trong đó có đặt ra nhiệm vụ vùng Đông Nam Bộ phải trở thành trung tâm du lịch khu vực Đông Nam Á; Phát triển thành phố Vũng Tàu thành trung tâm du lịch chất lượng cao, đẳng cấp quốc tế. Nghị quyết đưa ra những giải pháp chủ yếu, trong đó có việc cần hoàn thiện thể chế, chính sách và đẩy mạnh phát triển liên kết vùng; hoàn thiện kết cấu hạ tầng, đô thị. Đây là một trong những giải pháp để các tỉnh rút ngắn khoảng cách, tạo động lực để liên kết phát triển du lịch của vùng.

Liên kết để phát triển

Vùng Đông Nam Bộ có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, văn hóa, quốc phòng - an ninh của cả nước. Mặc dù có tiềm năng rất lớn song phát triển của du lịch còn khiêm tốn, chưa ngang tầm với vị thế và tiềm năng vùng. Chính bởi vậy, các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam bộ đã liên kết, hợp tác nhằm khai thác và phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh từng địa phương trong vùng.

Côn Đảo đang dần trở thành điểm du lịch nghỉ dưỡng-tâm linh nổi tiếng cả nước. (Ảnh: vnexpress.net) 

Thỏa thuận liên kết hợp tác phát triển du lịch vùng Đông Nam Bộ giai đoạn 2020-2025 được lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam Bộ ký kết ngày 28/6/2020, tại Tây Ninh. Đến nay, thỏa thuận đã triển khai thực hiện được 2 năm và đạt nhiều kết quả tích cực. Từ việc ký kết này, giúp các địa phương trong vùng thường xuyên trao đổi thông tin về tình hình hoạt động du lịch; công tác quy hoạch, kế hoạch dài hạn, thông tin về các sản phẩm du lịch; thông tin về thị trường, xu hướng và nhu cầu của khách du lịch nội địa, quốc tế; chia sẻ kinh nghiệm quản lý nhà nước về du lịch nhằm nâng cao nghiệp vụ quản lý trong quá trình thực hiện nhiệm vụ về du lịch của các địa phương.

Đặc biệt, các tỉnh, thành phố trong vùng đã tổ chức được nhiều tour, tuyến du lịch liên kết các điểm đến ở nhiều tỉnh với nhau, tạo ra những sản phẩm du lịch hấp dẫn. Cụ thể, tour TP. Hồ Chí Minh - Hồ Tràm - Bình Châu (Bà Rịa-Vũng Tàu), TP. Hồ Chí Minh - Côn Đảo, TP. Hồ Chí Minh - Củ Chi - núi Bà Đen (Tây Ninh); tuyến du lịch “Hương sắc Tây Ninh” hành trình TP. Hồ Chí Minh - Tây Ninh - núi Bà Đen; tour “Về nguồn” TP. Hồ Chí Minh - Tây Ninh - Trung ương Cục miền Nam; tuyến du lịch “Tình đất đỏ miền Đông” theo hành trình TP. Hồ Chí Minh - Bình Dương - Bình Phước; tour “Thiên nhiên xanh mát - Sắc biển hòa ca” theo hành trình TP. Hồ Chí Minh - Đồng Nai - Bà Rịa - Vũng Tàu…

Nhiều hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch được tổ chức hiệu quả tại các hội chợ, triển lãm do các tỉnh, thành phố tổ chức và trên các phương tiện truyền thông. Công tác đào tạo, nâng chất lượng nguồn nhân lực được quan tâm. Các chuyên đề về hướng dẫn viên du lịch tại điểm; quản lý điểm đến và phát triển sản phẩm du lịch; quản lý mô hình khách sạn nhỏ và homestay được tổ chức, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Trong công tác quản lý nhà nước, các tỉnh, thành thường xuyên trao đổi thông tin về tình hình hoạt động du lịch; công tác quy hoạch, kế hoạch dài hạn, thông tin sản phẩm du lịch; thị trường, xu hướng và nhu cầu của khách du lịch nội địa và quốc tế; chia sẻ kinh nghiệm quản lý nhà nước về du lịch nhằm nâng cao nghiệp vụ quản lý trong quá trình thực hiện nhiệm vụ về du lịch.

Tây Ninh nổi tiếng với đỉnh núi Bà Đen cao nhất Nam Bộ. (Ảnh: TTXVN)

Kết quả từ năm 2020-2022, các tỉnh, thành vùng Đông Nam Bộ đã đón trên 73,5 triệu lượt khách du lịch, trong đó hơn 70,4 triệu khách nội địa, hơn 3 triệu khách quốc tế, tổng doanh thu đạt hơn 260 tỷ đồng.

Phát huy sự năng động, sáng tạo của vùng

Trong thời gian tới, các tỉnh, thành của vùng Đông Nam Bộ thống nhất phát triển và liên kết sản phẩm nổi bật để hình thành tour liên tuyến; tổ chức famtrip khảo sát các điểm đến; tăng cường quảng bá, xúc tiến tại các hội chợ, triển lãm về du lịch lớn; xây dựng gian hàng chung của vùng Đông Nam Bộ tham gia các sự kiện do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức.

Các tỉnh, thành trong khu vực cũng thống nhất tiếp tục bồi dưỡng nghiệp vụ, chuyên môn về du lịch; tổ chức hội nghị mời gọi xúc tiến đầu tư về du lịch vào 6 tỉnh, thành trong vùng; mỗi tỉnh, thành tổ chức 1 sự kiện quảng bá, xúc tiến du lịch để các địa phương khác cùng tham gia; hình thành chương trình kích cầu du lịch chung cho vùng Đông Nam Bộ…

 Du khách tham quan Vườn quốc gia Cát Tiên.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt cho biết, trong 7 vùng du lịch của Việt Nam, Đông Nam Bộ là vùng phát triển kinh tế năng động, nơi hội tụ đa dạng tài nguyên du lịch với lợi thế rừng, biển, sông, hồ; hệ thống di tích văn hóa, lịch sử, làng nghề để phát triển nhiều loại hình du lịch về nguồn, du lịch sinh thái cộng đồng, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch biển… Hoạt động liên kết không chỉ đem lại sự đa dạng hoá sản phẩm mà còn hướng tới khai thác sự nổi trội về sản phẩm du lịch giữa các địa phương, đồng thời tổ chức được nhiều sự kiện du lịch tiêu biểu, hội chợ, ngày hội du lịch, tuần lễ văn hóa du lịch ẩm thực, tuần lễ văn hóa du lịch gắn với làng nghề truyền thống của vùng Đông Nam Bộ.

Với mong muốn liên kết phát triển du lịch vùng Đông Nam Bộ tiếp tục phát huy vai trò, vị thế của mình là đầu tàu du lịch của cả nước, góp phần đưa Việt Nam trở thành một trong những điểm đến có sức hút lớn đối với du khách, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt mong rằng các địa phương, doanh nghiệp cần quan tâm, triển khai có hiệu quả và thực chất các thỏa thuận hợp tác đã được ký kết; đầu tư phát triển sản phẩm, tạo ấn tượng đậm nét về thương hiệu du lịch của vùng, hình thành các chương trình du lịch hấp dẫn; đổi mới mạnh mẽ cả về nội dung và cách thức xúc tiến quảng bá, cần kết hợp quảng bá trực tuyến trên các nền tảng số và mạng xã hội; nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ trong quản lý và liên kết phát triển du lịch; tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người lao động.

Thứ trưởng Đoàn Văn Việt nhấn mạnh trong thời gian tới Bộ sẽ tập trung đổi mới, hoàn thiện cơ chế về liên kết hợp tác phát triển du lịch, đặc biệt thúc đẩy các liên kết hợp tác công-tư; đồng hành cùng các địa phương để tháo gỡ khó khăn, triển khai các hoạt động hỗ trợ, tạo môi trường và điều kiện thông thoáng cho các doanh nghiệp bứt tốc, phát triển hiệu quả, bền vững.

Gia Huy

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN