Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Tăng cường kết nối giao thương giữa doanh nghiệp Việt Nam và Ấn Độ

Thứ Sáu, 19/07/2024 00:25 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Ngày 18/7, tại TP. Hồ Chí Minh, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh (ITPC) phối hợp với Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ tại TP. Hồ Chí Minh, Liên đoàn Công nghiệp Ấn Độ (CII) và Hội Doanh nghiệp cơ khí - điện TP. Hồ Chí Minh (HAMEE) tổ chức Hội nghị kết nối giao thương giữa doanh nghiệp Ấn Độ và Việt Nam ngành cơ khí, điện, điện tử, công nghệ số và năng lượng.

 Doanh nghiệp Ấn Độ tham quan gian hàng cơ khí tại khu trưng bày triển lãm. (Ảnh: CM)

Hội nghị nhằm tập trung kết nối giao thương vào các ngành hàng bao gồm: sơn màu và hóa chất, nông nghiệp và dịch vụ, quản lý chất thải, thiết bị bê tông; cung cấp giải pháp hoàn thiện thiết bị bê tông, hạ tầng; năng lượng; năng lượng mặt trời; đường sắt; xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng; và vận tải đường sắt.

Phát biểu tại hội nghị, ông Đào Minh Chánh, Phó Giám đốc Trung tâm  Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố (ITPC) cho biết, trong những năm gần đây, quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Ấn Độ đã đạt được những kết quả ấn tượng trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là thương mại. Ấn Độ hiện là một trong 10 đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam.

Theo thống kê của Tổng Cục Hải quan Việt Nam, trao đổi thương mại giữa hai nước đã tăng hơn 60 lần, từ 200 triệu USD (năm 2000) lên trên 14,36 tỷ USD (năm 2023) đưa Ấn Độ trở thành đối tác thương mại lớn thứ 8 của Việt Nam. Kim ngạch xuất nhập khẩu 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 7,18 tỷ USD trong đó kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang Ấn Độ ước đạt 4,37 tỷ USD. Trong đó các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn bao gồm điện thoại các loại và linh kiện (924 triệu), máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (817 triệu USD), Máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác (409 triệu USD), hóa chất (162 triệu USD), cà phê (31 triệu USD)... Ở chiều ngược lại, Việt Nam nhập khẩu từ Ấn Độ nhiều nhất là sắt thép các loại (124 triệu USD), dược phẩm (164 triệu USD)...

Ở cấp độ địa phương, quan hệ thương mại giữa TP. Hồ Chí Minh và Ấn Độ đã có những bước phát triển đáng khích lệ. Kim ngạch xuất khẩu TP. Hồ Chí Minh sang Ấn Độ 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 240 triệu USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2023. TP. Hồ Chí Minh là một trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, văn hoá, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, giáo dục - đào tạo của Việt Nam; đóng góp khoảng 22% trong tổng GDP và 28% ngân sách cả nước. Thành phố định hướng tập trung phát triển kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại kinh tế dựa trên nền tảng kinh tế tri thức, ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và năng suất lao động cao. Mục tiêu đến năm 2030, TP. Hồ Chí Minh sẽ trở thành đô thị thông minh, là thành phố dịch vụ - công nghiệp hiện đại, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, văn hoá, giáo dục, khoa học, công nghệ và có vị thế nổi trội trong khu vực Đông Nam Á.

Ông Đào Minh Chánh nhấn mạnh,  Ấn Độ luôn là đối tác chiến lược về thương mại của Việt Nam và hai bên còn rất nhiều tiềm năng để khai thác. Ngành cơ khí, điện, điện tử, công nghệ số và năng lượng là một trong những ngành có kim ngạch xuất nhập khẩu lớn nhất của hai nước. Hai nước Việt Nam và Ấn Độ đều đang chú trọng phát triển ngành này và đây là thời điểm rất tốt để thúc đẩy hợp tác theo hướng hiệu quả hơn.

Ông Trần Hoài Nam, Phó Chủ tịch Hội doanh nghiệp cơ khí – điện TP. Hồ Chí Minh (HAMEE) phân tích, HAMEE có hơn 300 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cơ khí, điện, tự động hóa và năng lượng tại TP. Hồ Chí Minh và các khu vực lân cận. Với những thuận lợi như có vị trí chiến lược ở châu Á, lực lượng lao động trẻ, thị trường lớn, nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh, hai nước có thể thúc đẩy hợp tác trên các các lĩnh vực sản xuất, cơ khí chế tạo, xây dựng kết cấu hạ tầng, năng lượng tái tạo, công nghệ thông tin, phát triển nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ mới tạo ra nhiều cơ hội hợp tác, đầu tư, kinh doanh cho doanh nghiệp hai nước./.

CM

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN