Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Tăng cường kết nối giao thông giữa TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long

Thứ Sáu, 21/07/2023 13:26 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Tại buổi toạ đàm, lãnh đạo Sở GTVT TP.Hồ Chí Minh, TP Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL đã trao đổi, góp ý xoay quanh ba dự án mang tính kết nối, góp phần thúc đẩy vận chuyển, lưu thông hàng hóa. Đó là dự án đường sắt TP.Hồ Chí Minh - Cần Thơ, tuyến đường bộ ven biển phía Nam và các tuyến đường thủy kết nối.

Dự án đường sắt TP. HCM - Cần Thơ có tổng chiều dài hơn 175km, đi qua địa bàn sáu tỉnh, TP. 

Sáng 21/7, bên lề Hội nghị công bố kế hoạch triển khai thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL), Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức buổi tọa đàm về các dự án kết nối.

Tại buổi toạ đàm, lãnh đạo Sở GTVT TP. Hồ Chí Minh, TP Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL đã trao đổi, góp ý xoay quanh ba dự án mang tính kết nối, góp phần thúc đẩy vận chuyển, lưu thông hàng hóa. Đó là dự án đường sắt TP. Hồ Chí Minh - Cần Thơ, tuyến đường bộ ven biển phía Nam và các tuyến đường thủy kết nối. 

 Cụ thể, dự án đường sắt TP. Hồ Chí Minh - Cần Thơ có tổng chiều dài hơn 175km. Điểm đầu tại ga An Bình (TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương), điểm cuối tại ga Cần Thơ (quận Cái Răng, TP Cần Thơ). Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 220.000 tỉ đồng, đi qua địa bàn sáu tỉnh, TP là Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long và TP Cần Thơ.

Theo báo cáo của đơn vị tư vấn, đến nay đã cơ bản hoàn thành báo cáo cuối kỳ, hiện Bộ GTVT đang lấy ý kiến các địa phương liên quan để hoàn thiện báo cáo. Dự kiến trong năm 2025 sẽ trình Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư và triển khai trước năm 2030.

Đối với tuyến đường bộ ven biển phía Nam vào năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch chi tiết đường bộ ven biển. Tuy nhiên, đến nay hầu như tuyến đường ven biển không được đầu tư, nâng cấp. Các đoạn tuyến hiện hữu còn rời rạc, thiếu liên kết nên chưa đóng góp nhiều cho phát triển kinh tế địa phương.

Những năm gần đây, lưu lượng giao thông trên tuyến trục dọc và trục ngang trung tâm của ĐBSCL tăng rất cao. Tuy nhiên, hạ tầng giao thông chưa đồng bộ và chưa đáp ứng được nhu cầu thông thương hàng hóa.

Tuyến đường bộ ven biển phía Nam dự kiến điểm đầu tại TP Vũng Tàu (tỉnh bà Rịa - Vũng Tàu), điểm cuối tại mũi Cà Mau (tỉnh Cà Mau). 

Do đó, cần thiết đề xuất tuyến đường bộ ven biển mang tính chất kết nối liên vùng, tạo thành hành lang kinh tế, trục động lực cho phát triển kinh tế - xã hội của của các địa phương ven biển ĐBSCL nói chung và các tỉnh có tuyến ven biển nói riêng.

Ngoài ra, tuyến đường bộ ven biển kết hợp với các tuyến cao tốc trục ngang, như: Biên Hòa - Vũng Tàu, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng... sẽ góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông toàn bộ khu vực phía Nam. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển vùng công nghiệp phía Đông và các khu du lịch ven biển, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh và toàn vùng.

Về tăng cường kết nối giao thông thủy, Sở GTVT TP. Hồ Chí Minh đề xuất một số tuyến đường thủy để khai thác vận chuyển hàng hóa cũng như đẩy mạnh du lịch cho các tỉnh ĐBSCL.

Tại hội thảo, lãnh đạo Sở GTVT các tỉnh ĐBSCL đều bày tỏ ủng hộ cả ba dự án. Theo đánh giá, đây là những dự án nhằm thúc đẩy cho các địa phương phát triển cả về vận chuyển, logistics và cả du lịch. Do đó, các đại biểu đề nghị đẩy nhanh tiến độ thực hiện để sớm triển khai đưa vào hoạt động.

Ngoài ra, các đại biểu kiến nghị nên kéo dài tuyến đường sắt TP. Hồ Chí Minh - Cần Thơ qua các tỉnh biên giới, như Kiên Giang, An Giang. Từ đó, góp phần kết nối với các cửa khẩu quốc tế, đẩy mạnh hơn nữa lưu thông, xuất khẩu hàng hóa, đặc biệt là hàng nông sản.

Đối với dự án đường bộ ven biển, một số đại biểu đề nghị nghiên cứu, cập nhật thêm hệ thống cảng biển trên tuyến để phát triển logistics. Đồng thời, kéo dài tuyến đến các địa phương ven biển như Kiên Giang...

Về đề xuất kết nối tuyến đường thủy, các đại biểu kiến nghị nên xem xét lại tình trạng bồi lắng ở các sông, cũng như tĩnh không của một số cầu trên tuyến. Để khi dự án đưa vào triển khai sẽ phát huy triệt để hiệu quả như kỳ vọng.

Phát biểu kết thúc toạ đàm, ông Phan Công Bằng, Phó Giám đốc Sở GTVT TP. Hồ Chí Minh đề nghị cần nhanh chóng tổng hợp các ý kiến, đồng thời, bổ sung, cập nhật các thông tin, kiến nghị của đại biểu. Từ đó, sớm có văn bản báo cáo với Bộ GTVT, Chính phủ và xin ý kiến thống nhất để triển khai thực hiện.

Phó Giám đốc Sở GTVT TP. Hồ Chí Minh cũng cam kết sẽ đồng hành, tham gia với các tỉnh, TP vùng ĐBSCL từ giai đoạn báo cáo, xin ý kiến đến khi triển khai các dự án.

Theo Giám đốc Sở GTVT TP Cần Thơ Lê Tiến Dũng: Cần Thơ cũng như các địa phương, mong muốn sớm triển khai dự án đường sắt để đa dạng hóa phương thức vận chuyển hành khách và hàng hóa cho ĐBSCL. Đối với dự án đường bộ ven biển phía Nam, dù Cần Thơ không có biển, nhưng dự án sẽ kết nối vào Quốc lộ Nam Sông Hậu cũng sẽ là điều kiện để địa phương hưởng lợi từ dự án.

PV

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN