Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Tăng cường hiệu quả quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp

Thứ Sáu, 12/07/2024 21:21 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn cho biết, việc ban hành Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhằm cụ thể hóa chủ trương, đường lối chính sách của Đảng tại Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 khóa XII, các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết về quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp; giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi Luật số 69/2014/QH13.

 Hình ảnh tại Hội thảo (Ảnh: HT).

Ngày 12/7, tại Hà Nội, Bộ Tài chính (Cục Tài chính doanh nghiệp) phối hợp với Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tổ chức Hội thảo lấy ý kiến về “Dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp”.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Cao Anh Tuấn cho biết, về việc sửa đổi Luật Quản lý sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật số 69/2014/QH13), Bộ Tài chính đã chủ trì tổ chức tổng kết đánh giá, xây dựng Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật, báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét, cho phép đưa dự án Luật vào Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2024.

Trên cơ sở đó, tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đã thông qua và ban hành Nghị quyết số 129/2024/QH15 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024; trong đó, thống nhất bổ sung dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.

Theo đó, tiến độ dự kiến của dự thảo Luật sẽ được Quốc hội cho ý kiến lần thứ nhất tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024), thông qua tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025), dự kiến Luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2026.

Thực hiện chủ trương của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 1337/QĐ-BTC ngày 12/6/2024 thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập phân công các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện xây dựng dự thảo Luật.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn phát biểu tại Hội thảo (Ảnh: HT).

Thứ trưởng Cao Anh Tuấn thông tin, vừa qua, Bộ Tài chính đã chủ trì tổ chức họp Ban soạn thảo, Tổ biên tập. Trên cơ sở góp ý của các chuyên gia, bộ ngành, đại biểu tham dự, Bộ Tài chính đã hoàn thiện dự thảo Luật và có công văn gửi lấy ý kiến các bộ ngành, cơ quan trung ương, các địa phương, doanh nghiệp. Đồng thời đăng tải lấy ý kiến rộng rãi trên Cổng TTĐT Chính phủ và Cổng TTĐT Bộ Tài chính. Hồ sơ Luật được xây dựng trên cơ sở bám sát nội dung 06 chính sách đã được Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Quốc hội thông qua, dự thảo Luật có 9 Chương và 92 Điều.

“Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội theo quy định, Bộ Tài chính phối hợp với Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tổ chức cuộc Hội thảo hôm nay để xin ý kiến các bộ, ngành, chuyên gia và 12 Tập đoàn, Tổng công ty trực thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp là các doanh nghiệp nắm giữ phần lớn tổng vốn chủ sở hữu cũng như tổng tài sản của doanh nghiệp nhà nước trong cả nước, có vai trò chủ lực trong các ngành, lĩnh vực kinh tế quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội” - Thứ trưởng Cao Anh Tuấn cho biết.

Tại hội thảo, các đại biểu đều đánh giá cao các nguyên tắc, nội dung tại dự thảo Luật đã thể hiện tính “đổi mới”, “cởi trói”, trao nhiều quyền hơn cho các doanh nghiệp. Theo đó, Nhà nước không thực hiện quản lý pháp nhân doanh nghiệp mà Nhà nước chỉ là chủ sở hữu vốn, quản lý dòng vốn theo phần vốn đầu tư tại doanh nghiệp mà không can thiệp hành chính vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Bên cạnh đó để tách bạch, phân định rõ chức năng chủ sở hữu vốn với chức năng quản lý nhà nước, phân công rõ, phân cấp mạnh trong đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, dự thảo Luật đã quy định rõ: Nhà nước, Chính phủ chỉ quản lý đối với cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn, cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn quản lý theo phần vốn tại doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp, doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp chịu trách nhiệm quản lý theo phần vốn tại doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư khác.

Chia sẻ tại hội thảo, TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đánh giá, dự thảo Luật thực sự là “cuộc cách mạng” trong quản lý, đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, tuy nhiên để sửa Luật sẽ là một quá trình rất phức tạp, gian nan. Cách tiếp cận, tinh thần sửa Luật có rất nhiều điểm tích cực. Điểm mới đầu tiên của dự thảo Luật là làm rõ vai trò của Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp, là một nhà đầu tư chuyên nghiệp trong thị trường cạnh tranh, hội nhập, Nhà nước không còn quản lý, can thiệp trực tiếp vào quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Hay nói theo cách khác là quản lý doanh nghiệp theo dòng vốn đầu tư, không quản lý theo pháp nhân. Thứ hai, tăng tính minh bạch, quyền hạn, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Thứ ba, dự thảo Luật thể hiện sự linh hoạt, thích ứng với thị trường, trong quá trình sắp xếp, chuyển đổi lại vốn nhà nước. Điểm mới nữa trong cách tiếp cận là cố gắng xử lý các “ách tắc” hiện nay của doanh nghiệp như vấn đề quản trị, quản lý doanh nghiệp F1, F2, đầu tư, thúc đẩy đổi mới sáng tạo…

Tại hội thảo, các đại biểu quan tâm tới nội dung nâng tỷ lệ trích lập Quỹ Đầu tư phát triển để tại doanh nghiệp từ lợi nhuận sau thuế. Đại diện các doanh nghiệp nhà nước tại hội thảo đều nhận định rằng, việc tăng tỷ lệ trích lập Quỹ này sẽ tạo điều kiện tốt hơn cho doanh nghiệp mở rộng đầu tư, phát triển hoạt động sản xuất.

Dự thảo Luật, Bộ Tài chính đang đề xuất 3 phương án về tỷ lệ trích lập Quỹ Đầu tư phát triển để tại doanh nghiệp hoặc cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn. Cụ thể: Tối đa 50%, tối đa 80% và 100% lợi nhuận sau thuế. So với luật hiện hành, 3 phương án đề xuất này đều cao hơn so với mức 30% như tại Luật số 69/2014/QH13 về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và tại tờ trình trước đó của Bộ Tài chính. Trên cơ sở nghiên cứu, Bộ Tài chính đề xuất trình Chính phủ xem xét, quyết định thực hiện theo phương án trích tối đa 80% lợi nhuận sau thuế vào Quỹ Đầu tư phát triển để tại doanh nghiệp.

Nêu ý kiến về nội dung này, ông Nguyễn Văn Mậu - Thành viên HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) bày tỏ băn khoăn về vấn đề về việc sử dụng Quỹ, quyền sử dụng Quỹ vì dự thảo có quy định là Quỹ Đầu tư phát triển để tại doanh nghiệp là vốn nhà nước để tại doanh nghiệp, để bù lỗ cho các dự án, chia lương cho người đại diện, thuê kiểm toán độc lập… hoặc là nguồn để Nhà nước thu về trong trường hợp cần thiết…

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Hữu Tú - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) khẳng định, nếu việc trích lập Quỹ ở mức tối đa 80% được thực hiện thì sẽ tháo gỡ khó khăn cho một loạt đơn vị của Tập đoàn đang có nhu cầu vay vốn lớn, bởi nếu ở mức 30% như hiện hành thì sẽ phải tích luỹ rất lâu để đủ vốn đối ứng, gây khó khăn trong vay vốn ngân hàng, từ đó giúp các doanh nghiệp được tạo điều kiện bảo toàn và phát triển phần vốn Nhà nước được giao. Tuy nhiên, theo Phó Tổng giám đốc Vinachem, việc sử dụng cần linh hoạt, căn cứ vào kế hoạch và chiến lược hoạt động của từng doanh nghiệp.

Phát biểu kết luận hội thảo, Thứ trưởng Cao Anh Tuấn cho biết, việc ban hành Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhằm cụ thể hóa chủ trương, đường lối chính sách của Đảng tại Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa Đảng khóa XII, các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết về quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp; giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi Luật số 69/2014/QH13. Đồng thời hoàn thiện thể chế, ổn định môi trường pháp lý, nâng cao quyền tự chủ, vai trò và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước tương xứng với nguồn vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp, đảm bảo doanh nghiệp có vốn đầu tư của nhà nước giữ vai trò chủ đạo, giữ vị trí then chốt trong nền kinh tế.

Hội thảo đã lắng nghe nhiều ý kiến đóng góp quý báu của các đại biểu tham dự về các nội dung của dự thảo Luật. Thứ trưởng đề nghị Ban soạn thảo, Tổ biên tập, nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ các ý kiến đóng góp để tiếp tục hoàn thiện hồ sơ dự thảo Luật, trình cấp có thẩm quyền theo quy định, đảm bảo chất lượng và tiến độ về thời gian./.

M.P

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN