Tăng cường hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống rửa tiền, tham nhũng, tiêu cực
(ĐCSVN) - Sửa đổi Luật Phòng, chống rửa tiền phải bảo đảm sự độc lập, tự chủ về kinh tế cũng như bảo đảm an ninh tiền tệ, an toàn tài chính quốc gia; góp phần tăng cường hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống rửa tiền, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt trong thời gian tới.
Tiếp tục chương trình Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, chiều 07/9, tại Nhà Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đã báo cáo một số vấn đề lớn liên quan đến dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi).
Cần thiết sửa đổi Luật Phòng, chống rửa tiền
Báo cáo một số vấn đề lớn liên quan đến dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ, Thường trực Ủy ban Kinh tế tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Phòng, chống rửa tiền, đề nghị Cơ quan soạn thảo thuyết minh, phân tích kỹ hơn về tính cấp bách, các điều kiện cần và đủ để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến và thông qua dự án Luật theo quy trình tại một kỳ họp. Đồng thời, Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, cần nhấn mạnh sự cần thiết và quan điểm sửa đổi Luật Phòng, chống rửa tiền phải bảo đảm sự độc lập, tự chủ về kinh tế cũng như bảo đảm an ninh tiền tệ, an toàn tài chính quốc gia; bám sát tình hình thực tiễn của đất nước, phù hợp với các Hiệp định đã ký kết, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; góp phần tăng cường hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống rửa tiền, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt trong thời gian tới.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh báo cáo tại phiên họp. Ảnh: QH |
Về hồ sơ và bố cục của dự thảo Luật, Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng hồ sơ dự án Luật được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, cơ bản đầy đủ, đáp ứng quy định tại khoản 1 Điều 64 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Bố cục của dự thảo Luật sau khi tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Báo cáo thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Kinh tế đã hợp lý hơn. Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát các quy định của dự thảo Luật; luật hóa tối đa những nội dung đã được kiểm nghiệm và áp dụng ổn định trong thực tiễn, nhất là các quy định trong các nghị định, bảo đảm hiệu lực thi hành của Luật; quy định rõ các nguyên tắc tại các điều, khoản giao Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định chi tiết, bảo đảm tính thống nhất và tính khả thi của Luật.
Đi vào một số nội dung cụ thể, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị tiếp tục rà soát các quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 4 quy định về đối tượng báo cáo, vì một số hoạt động của đối tượng báo cáo sau khi sửa đổi tên gọi có thể bị thu hẹp so với quy định của Luật hiện hành hoặc việc xác định một số hoạt động của tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính có liên quan có thể gặp khó khăn do chưa phù hợp với các ngành nghề khi đăng ký kinh doanh theo quy định của Luật Doanh nghiệp, như: dịch vụ pháp lý của luật sư, dịch vụ thành lập, quản lý, điều hành doanh nghiệp; dịch vụ giám đốc, thư ký của doanh nghiệp cho bên thứ ba.
Về cá nhân nước ngoài có ảnh hưởng chính trị, Dự thảo Luật đã bổ sung thêm quy định về cá nhân nước ngoài có ảnh hưởng chính trị là người giữ chức vụ cao trong tổ chức quốc tế. Tuy nhiên, đề nghị Cơ quan soạn thảo cần có quy định hướng dẫn, hỗ trợ về nguồn dữ liệu, cách thức để các đối tượng báo cáo có thể nhận biết được nguồn tài sản, nguồn tiền của khách hàng do đây là đối tượng khách hàng khó tiếp cận để thu thập thông tin. Có ý kiến cho rằng việc quy định Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thông báo danh sách cá nhân nước ngoài có ảnh hưởng chính trị cho các đối tượng báo cáo là không phù hợp mà nên giao cho Chính phủ quy định việc xác định khách hàng nào là cá nhân nước ngoài có ảnh hưởng chính trị và phải trên cơ sở tiêu chí được quy định công khai minh bạch; căn cứ quy định không chỉ dựa trên khuyến nghị của tổ chức quốc tế mà còn dựa trên các căn cứ khác, trong đó có chính sách đối ngoại của Việt Nam.
Cá nhân, doanh nghiệp siêu nhỏ phải ban hành quy định nội bộ về phòng, chống rửa tiền
Về quy định nội bộ về phòng, chống rửa tiền, Dự thảo Luật yêu cầu cá nhân, doanh nghiệp siêu nhỏ ban hành quy định nội bộ về phòng, chống rửa tiền gồm một số nội dung chính như: chính sách nhận biết khách hàng; quy trình, thủ tục nhận biết, cập nhật, xác minh thông tin nhận biết khách hàng; quy trình rà soát, phát hiện, xử lý và báo cáo giao dịch đáng ngờ; chế độ báo cáo, lưu trữ thông tin. Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị tiếp tục rà soát kỹ lưỡng các quy định và gắn với thực tiễn thi hành Luật hiện hành, không chỉ giảm bớt yêu cầu về nội dung tại quy định nội bộ mà còn với các quy trình, thủ tục khác tại dự thảo Luật áp dụng đối với đối tượng báo cáo là cá nhân, tổ chức kinh doanh ngành nghề phi tài chính có liên quan, bảo đảm tính khả thi, tránh hình thức, không hiệu quả, tốn kém chi phí xã hội trong thực thi Luật.
Có ý kiến cho rằng các cơ quan nhà nước có thẩm quyền (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các Bộ, ngành quản lý nhà nước theo từng lĩnh vực) cần cân nhắc ban hành Quy định mẫu về Quy định nội bộ liên quan đến phòng, chống rửa tiền, đặc biệt cho các cá nhân, tổ chức kinh doanh ngành nghề phi tài chính liên quan để tham khảo khi thực thi.
Về các biện pháp trì hoãn giao dịch, Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, so với Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012, tại điều, khoản về biện pháp trì hoãn giao dịch, dự thảo Luật đã thiết kế khá rõ ràng 02 trường hợp đối tượng báo cáo áp dụng biện pháp trì hoãn giao dịch, gồm: Khi nghi ngờ hoặc phát hiện các bên liên quan tới giao dịch thuộc danh sách đen hoặc có lý do để tin rằng giao dịch được yêu cầu thực hiện có liên quan đến hoạt động phạm tội; Khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật có liên quan. Tuy nhiên, việc áp dụng biện pháp trì hoãn giao dịch sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền sở hữu, quyền định đoạt của chủ sở hữu đối với tài sản của họ được quy định tại Hiến pháp năm 2013, Bộ luật Dân sự năm 2015, do vậy, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị Cơ quan soạn thảo rà soát kỹ lưỡng, nhất là đối với trường hợp trì hoãn giao dịch khi mới nghi ngờ, đồng thời cần quy định cụ thể ngay trong Luật mà không quy định tại văn bản hướng dẫn thi hành về trường hợp nào áp dụng biện pháp trì hoãn giao dịch cũng như chủ thể nào có quyền yêu cầu áp dụng biện pháp trì hoãn giao dịch để bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp của các quy định .
Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: QH |
10 Bộ, ngành chịu trách nhiệm trong phòng, chống rửa tiền
Liên quan đến trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong phòng, chống rửa tiền, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Dự thảo Luật đã quy định trách nhiệm của 10 Bộ, ngành cụ thể và trách nhiệm của các bộ, ngành khác cũng như Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân và Ủy ban nhân dân các cấp.
“Quy định này là cần thiết để nâng cao tính hiệu lực, hiệu quả của công tác phòng, chống rửa tiền và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tuy nhiên một số quy định còn chung chung, mang tính nguyên tắc; trách nhiệm quản lý về phòng chống rửa tiền giữa các bộ, ngành chưa đồng nhất về mặt tiêu chí nội dung hay lĩnh vực; quy định thiếu rõ ràng, cụ thể về trách nhiệm quản lý, chủ trì, phối hợp.
Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, nghiên cứu, cụ thể hóa trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong công tác quản lý, giám sát về phòng, chống rửa tiền theo khuyến nghị của FATF; rà soát, bổ sung trách nhiệm của các Bộ, ngành liên quan như Bộ Quốc phòng để bảo đảm tính thống nhất trong dự thảo Luật, phù hợp với các quy định của pháp luật có liên quan, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan cũng như nâng cao tính hiệu quả trong công tác phòng, chống rửa tiền”- Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh.
Trước đó, phát biểu khai mạc Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách sáng 7/9, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) là dự án khó, phức tạp, nội dung sửa đổi nhiều, nhưng dự kiến được xem xét, thông qua theo quy trình 01 kỳ họp nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng; nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác phòng, chống rửa tiền, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và phòng, chống tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt trên cơ sở bảo đảm phù hợp với bối cảnh, điều kiện của Việt Nam, bảo đảm an ninh tiền tệ, an toàn tài chính quốc gia và phù hợp với các Hiệp định đã ký kết, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, trong đó có các khuyến nghị của Lực lượng đặc nhiệm tài chính quốc tế (FATF).
Với tinh thần thận trọng, cầu thị, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các vị đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận về: Một là, các điều kiện cần và đủ để trình Quốc hội xem xét, thông qua dự án Luật theo quy trình 01 kỳ họp; Hai là, tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của dự thảo Luật với hệ thống pháp luật và tương thích với các cam kết, điều ước quốc tế; tính khả thi khi triển khai thực hiện; Ba là, các quy định về đối tượng báo cáo; quy định nội bộ về phòng, chống rửa tiền; báo cáo giao dịch đáng ngờ, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong phòng, chống rửa tiền…/.