Tăng cường đầu tư giáo dục cho người tị nạn và di cư
(ĐCSVN) – Trong bối cảnh số lượng trẻ em tị nạn và di cư không ngừng gia tăng, Liên hợp quốc đã kêu gọi các quốc gia đẩy mạnh nỗ lực để đưa các em tham gia vào hệ thống giáo dục của các nước sở tại.
Theo báo cáo Giám sát Giáo dục Toàn cầu năm 2019 của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO), số lượng trẻ em tị nạn và di cư trong độ tuổi đi học đã tăng 26% kể từ năm 2000, lên khoảng 18 triệu em. Ước tính, trong thời gian 2 năm kể từ các nhà lãnh đạo thế giới thông qua Tuyên bố New York năm 2016, những người tị nạn và di cư đã bỏ lỡ tới 1,5 tỷ ngày học.
Một nửa trong tổng số những người buộc phải dời bỏ nhà cửa đi tha hương trên toàn cầu là trẻ em dưới 18 tuổi và thường có ít cơ hội để tiếp cận với các hệ thống giáo dục công cộng tại những quốc gia mà họ xin tị nạn. Thậm chí, ngay cả khi họ được tiếp nhận, thì các quốc gia tiếp nhận họ lại thiếu nguồn lực để tổ chức các lớp học về ngôn ngữ và đảm bảo sự hòa nhập của trẻ em tị nạn.
Báo cáo cho biết sự thiếu hụt giáo viên và kinh phí đang cản trở những nỗ lực giúp đỡ trẻ em tị nạn và di cư hòa nhập. Quốc gia giàu có như Đức cũng đang cần đến 42.000 giáo viên mới để có thể dạy trẻ em tị nạn vì một phần chính sách mở cửa của Thủ tướng Đức Angela Merkel ban hành từ năm 2015 đã bị cắt giảm mạnh.
Trong báo cáo, UNESCO đã tuyên dương một số quốc gia có số lượng người tị nạn lớn, đã đạt được một số tiến bộ nhất định trong việc hỗ trợ trẻ em tị nạn tham gia hệ thống giáo dục quốc gia. Trong đó, Li băng và Jordan, hai quốc gia có số lượng người tị nạn bình quân đầu người lớn nhất đến từ nước láng giềng Syria đã tổ chức các lớp học riêng biệt vào buổi sáng cho công dân và buổi chiều cho người tị nạn.
Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay nhấn mạnh vai trò quan trọng của giáo dục góp phần làm cho cộng đồng mạnh mẽ, linh hoạt và gắn kết hơn, đồng thời kêu gọi các nhà tài trợ tăng gấp 3 lần ngân sách giáo dục cho người tị nạn và đảm bảo sự hỗ trợ lâu dài./.