Tăng cường bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia
(ĐCSVN) - Các đại biểu thống nhất cao với cách tiếp cận xây dựng Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 trên cơ sở tiếp cận hệ sinh thái phục vụ mục tiêu kết hợp hài hòa giữa bảo tồn, phục hồi và phát triển các hệ sinh thái tự nhiên và sử dụng hợp lý đa dạng sinh học trên nền tảng dịch vụ hệ sinh thái nhằm ngăn chặn, tiến tới đẩy lùi đà suy giảm, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học, ứng phó với biến đổi khí hậu và phục vụ phát triển bền vững.
Hội nghị Góp ý dự thảo Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050. (Ảnh: Đinh Văn Hùng) |
Ngày 19/9, tại Hà Nội, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam – Hội đồng Tư vấn khoa học, giáo dục và môi trường đã tổ chức Hội nghị Góp ý dự thảo Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050.
Tham dự Hội nghị có GS.TS Nguyễn Lân Dũng, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn khoa học, giáo dục và môi trường; đại diện Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường; các chuyên gia, nhà khoa học…
Đa dạng sinh học là cơ sở của sự sống, sự thịnh vượng và bền vững của loài người trên trái đất. Đa dạng sinh học mang lại những lợi ích trực tiếp cho con người và đóng góp to lớn cho nền kinh tế quốc gia. Việt Nam là một trong những quốc gia có tính đa dạng sinh học cao trên thế giới. Nhằm bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học, Chính phủ Việt Nam đã ban hành hệ thống văn bản pháp luật và chính sách về bảo tồn đa dạng sinh học. Bảo tồn đa dạng sinh học là một trong những nội dung được nhấn mạnh trong các văn bản của Đảng và Nhà nước. Nhà nước đã ban hành khung pháp lý tương đối đầy đủ liên quan đến bảo tồn đa dạng sinh học. Luật Đa dạng sinh học 2008 quy định việc lập quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học của cả nước. Ngày 8/01/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 45/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học của cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Luật Quy hoạch 2017 và Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07/5/2019 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch đưa ra các quy định điều chỉnh hệ thống quy hoạch của nước ta trong đó quy định việc lập quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia với các nội dung cụ thể, trong đó các đối tượng quy hoạch gồm: khu bảo tồn thiên nhiên, hành lang đa dạng sinh học, cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học và 03 đối tượng mới là khu vực đa dạng sinh học cao, cảnh quan sinh thái quan trọng, vùng đất ngập nước quan trọng.
Thực hiện Quyết định số 995/QĐ-TTg ngày 09/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ cho các Bộ tổ chức lập quy hoạch ngành quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quyết định số 174/QĐ-TTg ngày 03/2/2020 của Thủ tướng Chính phủ, chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Môi trường đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương, cơ quan, tổ chức liên quan xây dựng Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050.
Tại Hội nghị này, các đại biểu đã thống nhất cao với cách tiếp cận xây dựng Quy hoạch trên cơ sở tiếp cận hệ sinh thái phục vụ mục tiêu kết hợp hài hòa giữa bảo tồn, phục hồi và phát triển các hệ sinh thái tự nhiên và sử dụng hợp lý đa dạng sinh học trên nền tảng dịch vụ hệ sinh thái nhằm ngăn chặn, tiến tới đẩy lùi đà suy giảm, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học, ứng phó với biến đổi khí hậu và phục vụ phát triển bền vững; kết hợp bảo tồn tại chỗ với bảo tồn chuyển chỗ và các hình thức bảo tồn khác, phù hợp với điều kiện sinh thái của các vùng trên phạm vi cả nước; tăng cường công tác bảo tồn đa dạng sinh học ngoài phạm vi các khu bảo tồn thiên nhiên. Dự thảo Quy hoạch đã đưa ra các mục tiêu và hệ thống chỉ tiêu cụ thể đối với từng đối tượng quy hoạch theo phạm toàn quốc và các vùng sinh thái phù hợp với các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển bền vững đất nước./.