Tăng chế độ chính sách của BHXH để giữ người lao động tham gia
(ĐCSVN) - Đại biểu Chu Thị Hồng Thái - Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn cho rằng, để hạn chế tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần, cần có quy định tăng chế độ chính sách của bảo hiểm xã hội để giữ người lao động tham gia thay vì hạn chế quyền rút bảo hiểm xã hội của người lao động.
Đại biểu Chu Thị Hồng Thái - Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: QH |
Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Chu Thị Hồng Thái - Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn cho rằng, để hạn chế tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần, cần có quy định tăng chế độ chính sách của bảo hiểm xã hội để giữ người lao động tham gia thay vì hạn chế quyền rút bảo hiểm xã hội của người lao động.
Tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 5, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã trả lời chất vấn về nguyên nhân người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần và đánh giá “không có quốc gia nào có cơ chế rút bảo hiểm xã hội dễ dàng như Việt Nam”. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng đây chính là tính ưu việt của Nhà nước ta, nhà nước của dân, do dân và vì dân.
Trong báo cáo tổng kết việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 93/2015/QH13 của Quốc hội khoá XIII về thực hiện chính sách hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần đối với người lao động, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã đánh giá có 05 nguyên nhân dẫn đến tình trạng rút bảo hiểm xã hội 1 lần, trong đó nguyên nhân chủ yếu người hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần đa số là người lao động làm việc trong các khu công nghiệp bị mất việc làm, “tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp gặp khó khăn, đặc biệt là trong giai đoạn 2020-2021 khi mà nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid -19.
Nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp kinh doanh ở các ngành nghề sử dụng nhiều lao động, bị ảnh hưởng lớn như: du lịch, khách sạn, vận tải, giáo dục, may mặc... ngừng hoạt động hoặc sản xuất, kinh doanh cầm chừng”.
Người lao động bị ảnh hưởng tập trung ở độ tuổi từ 20 đến 40 chiếm 77,5%. Ở độ tuổi này, tích lũy không nhiều, trình độ nhận thức và tuổi đời còn chưa cao nên chỉ quan tâm giải quyết vấn đề trước mắt; và trên thực tế tại các khu công nghiệp chỉ tuyển dụng công nhân trong độ tuổi từ 18 - 40, quá tuổi lao động trên hầu hết người lao động phải đi xin việc làm các công việc tự do khác, mặt khác công nhân nhiều tuổi cũng sẽ không thể làm dây chuyền mà phải nghỉ việc và thực tế ở Việt Nam.
Đại biểu cho biết, trong dự thảo Luật lần này đã mở rộng thêm nhiều đối tượng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc ở khu vực không chính thức, điều này làm tăng tỷ lệ bao phủ bảo hiểm xã hội, nhưng cũng có thể làm tăng việc rút bảo hiểm xã hội 1 lần do khu vực không chính thức việc làm không ổn định, nhiều tuổi rất khó tìm việc.
Đại biểu kiến nghị, cơ quan soạn thảo cân nhắc nghiên cứu, quy định đối với lao động ở khu vực tư, khu vực không chính thức nếu có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 30 năm đối với nữ và 35 năm đối với nam nếu nghỉ trước tuổi thì mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi trừ đi 1% (thay vì 2% như dự thảo Luật) và tiếp tục nghiên cứu có thêm những ngành nghề đặc thù nếu số năm đóng bảo hiểm xã hội cao thì cũng được nghỉ hưu sớm hơn so với tuổi quy định ngoài các ngành nghề được nêu tại khoản 2 Điều 64 của Dự thảo Luật./.