Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Tân Yên xúc tiến tiêu thụ vải thiều sớm

Thứ Hai, 27/05/2024 19:57 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Ngày 27/5, tại nhà văn hóa thôn Cả Am, xã Phúc Hòa, UBND huyện Tân Yên (Bắc Giang) tổ chức hội nghị kết nối, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm vải thiều sớm năm 2024.

Các đơn vị ký kết chương trình hợp tác xúc tiến tiêu thụ vải thiều huyện Tân Yên năm 2024. 

Dự hội nghị có các đồng chí: Lâm Thị Hương Thành, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Đinh Đức Cảnh, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Tân Yên; lãnh đạo một số sở, ngành tỉnh, đơn vị, doanh nghiệp (DN) và các hộ sản xuất vải thiều trên địa bàn huyện.

Sản lượng vải thiều sớm ước đạt 15 nghìn tấn

Năm 2024, tổng diện tích sản xuất vải thiều trên địa bàn huyện Tân Yên là hơn 1,4 nghìn ha (tăng gần 100 ha so với năm trước), sản lượng ước đạt 15,5 nghìn tấn. Trong đó diện tích vải thiều sớm là 1.250 ha, sản lượng ước đạt 15 nghìn tấn.

Huyện tiếp tục duy trì 900 ha diện tích vải thiều sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm; duy trì và mở rộng vùng sản xuất vải thiều đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP là 455 ha. Thời gian thu hoạch bắt đầu từ ngày 22/5, dự kiến kéo dài đến ngày 20/6/2024.

Thời gian qua, UBND huyện Tân Yên làm tốt công tác dự báo tình hình. Chỉ đạo cơ quan chuyên môn, đơn vị, chính quyền cơ sở quản lý, giám sát 27 mã vùng trồng vải thiều nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của các thị trường xuất khẩu. Đồng thời chuẩn hóa mẫu mã, bao bì, truy xuất nguồn gốc, chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện phục vụ tiêu thụ vải thiều trên địa bàn.

Đồng chí Lâm Thị Hương Thành phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. 

UBND huyện phối hợp với Sở Công Thương, các đơn vị liên quan xây dựng phương án tiêu thụ trong và ngoài nước. Cùng đó gặp gỡ một số DN, tập đoàn, chuỗi siêu thị trong nước nắm tình hình thị trường; bàn giải pháp tháo gỡ vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi để các DN, thương nhân vào địa bàn thu mua vải thiều.

Năm 2024, dự kiến khoảng 7,8 nghìn tấn (chiếm 50,3% tổng sản lượng) vải thiều tiêu thụ tại thị trường nội địa; chủ yếu ở các chợ đầu mối, siêu thị, trung tâm thương mại tại các tỉnh, TP lớn như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Hải Phòng, Đà Nẵng. Sản lượng xuất khẩu dự kiến hơn 7 nghìn tấn (chiếm 49,7% tổng sản lượng) chủ yếu sang thị trường: Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, EU, Thái Lan, Campuchia, Hàn Quốc. Với sự chủ động trong kết nối, mời gọi các DN ký liên kết tiêu thụ, đến nay, đã có khoảng 10 DN, đơn vị có kế hoạch ký hợp đồng tiêu thụ vải xuất khẩu với người trồng vải huyện Tân Yên. 

Phát biểu tại đây, lãnh đạo UBND huyện Tân Yên mong muốn các bộ, ngành T.Ư; Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các sở, ban, ngành tỉnh tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo và định hướng kết nối với các DN có năng lực, kinh nghiệm để mở rộng thị trường tiêu thụ tiềm năng, quảng bá, giới thiệu vải thiều sớm Tân Yên và các sản phẩm chủ lực, đặc trưng của huyện đến với người tiêu dùng. Đồng chí đề nghị các DN, thương nhân, các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối tìm hiểu, ký kết hợp đồng liên kết với các DN, hợp tác xã, nhóm hộ sản xuất, bao tiêu sản phẩm, tạo chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông nghiệp khép kín, bền vững.

Đồng thời tích cực phối hợp với các đơn vị lữ hành, hộ gia đình ở vùng cây ăn quả, đặc biệt là vùng vải sớm xã Phúc Hòa cùng tham gia vào chuỗi phát triển du lịch của địa phương. Xây dựng các tour du lịch, tổ chức chương trình kích cầu, ưu đãi, quà tặng tri ân nhằm giới thiệu, quảng bá sản phẩm vải thiều Tân Yên, giúp du khách có những trải nghiệm ý nghĩa.

Tích cực kết nối, đa dạng kênh tiêu thụ

Tại chương trình, các đại biểu đánh giá cao ưu điểm của vải thiều Tân Yên như: Thời gian thu hoạch sớm, quả vải vị ngọt thanh phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng ở nhiều nơi trên thế giới. Đại diện một số DN chia sẻ về kế hoạch tiêu thụ vải thiều Tân Yên tại các thị trường trong và ngoài nước, đưa quả vải thiều lên sàn thương mại điện tử. Cùng đó giới thiệu những tour, tuyến du lịch tham quan trên địa bàn huyện, trong đó có vườn vải thiều ở xã Phúc Hòa, vườn sâm Nam núi Dành ở xã Liên Chung và một số điểm di tích, lịch sử tại địa phương.

Đại diện Tập đoàn Central Retail phát biểu tại hội nghị. 

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Lâm Thị Hương Thành cho biết, tỉnh Bắc Giang hiện đang duy trì và kiểm soát chặt chẽ 223 mã vùng trồng vải thiều phục vụ xuất khẩu với diện tích hơn 17,1 nghìn ha, 39 cơ sở đóng gói quả vải thiều tươi xuất khẩu. Dự báo sản lượng vải thiều toàn tỉnh năm 2024 là 100 nghìn tấn. Vải thiều Bắc Giang đã đến với các thị trường ở hơn 30 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó nhiều thị trường có yêu cầu khắt khe về chỉ tiêu chất lượng sản phẩm.

Đồng chí đề nghị UBND huyện Tân Yên tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn bà con thâm canh diện tích vải để giúp cây sinh trưởng, phát triển tốt. Thực hiện đúng quy trình sản xuất, quản lý, bảo đảm chất lượng tốt nhất và an toàn từ khâu sản xuất, thu hái, lưu thông, tiêu thụ. Ứng dụng công nghệ, tem truy xuất nguồn gốc; quản lý mã số vùng trồng và mã cơ sở đóng gói đúng quy chuẩn để xuất khẩu sang các thị trường, bảo đảm an toàn thực phẩm.

Chủ động kết nối, xúc tiến tiêu thụ, đa dạng hóa thị trường trên kênh truyền thống và các sàn thương mại điện tử. Khuyến khích người dân tham gia tiêu thụ trên nền tảng online, mạng xã hội. Chuẩn bị các điều kiện, tạo thuận lợi nhất cho người trồng vải, DN, thương nhân trong và ngoài nước trong công tác thu hoạch, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu vải thiều. Gắn việc quảng bá các sản phẩm chủ lực của huyện như vùng vải, ổi lê, vú sữa, sâm núi Dành với du lịch trải nghiệm, du lịch cộng đồng, du lịch tâm linh trên địa bàn huyện và vùng lân cận. Tăng cường quảng bá, giới thiệu để nhiều người dân trong và ngoài tỉnh cũng như du khách nước ngoài đến tham quan, du lịch.

Phương tiện xuất hành vải thiều sớm Tân Yên sang Thái Lan và thị trường Châu Âu. 

Các sở, ngành chuyên môn của tỉnh tiếp tục làm tốt công tác tham mưu cho UBND tỉnh trong triển khai, thực hiện hiệu quả các văn bản của tỉnh về xúc tiến thương mại. Chú trọng hỗ trợ sản phẩm chủ lực, đặc trưng và tiềm năng, sản phẩm nông nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh. Duy trì, mở rộng mạng lưới phân phối, ổn định thị trường tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài nước. Nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh xuất khẩu.

Các DN, thương nhân kinh doanh vải thiều tích cực khảo sát, kết nối, ký hợp đồng liên kết với DN, hợp tác xã, nhóm hộ sản xuất, bao tiêu sản phẩm vải thiều sớm Tân Yên. Kịp thời kiến nghị với các cơ quan chức năng của tỉnh, huyện về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thu mua, tiêu thụ, xuất khẩu vải thiều để được tháo gỡ, giải quyết kịp thời.

Đồng chí đề nghị các cơ quan truyền thông, báo chí T.Ư, địa phương tích cực đồng hành, tăng cường tuyên truyền, quảng bá giúp thương hiệu vải thiều sớm Tân Yên đến với người tiêu dùng trong và ngoài nước. Qua đó góp phần mở rộng thị trường, tiêu thụ thuận lợi, nâng cao giá trị sản xuất cho người trồng vải trên địa bàn huyện Tân Yên nói riêng, tỉnh Bắc Giang nói chung./.

Nhóm PV

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN