Tân Phong khắc ghi lời Bác
(ĐCSVN) - Ngày 12/2/1956 là ngày có ý nghĩa đặc biệt đối với nhân dân xã Tân Phong, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc khi được đón Bác Hồ về thăm và chúc Tết. Có thể nói tình cảm, lời dạy của Người ngày ấy luôn là ngọn đuốc sáng soi đường để các thế hệ cán bộ, đảng viên và nhân dân xã Tân Phong nỗ lực chung tay, góp sức, vượt lên gian khó, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Lãnh đạo Phòng Văn hóa, Thông tin huyện Bình Xuyên; lãnh đạo xã Tân Phong và cán bộ văn hóa xã, thị trấn trước Nhà tưởng niệm Bác Hồ. |
Những ký ức đẹp
Hình ảnh Bác Hồ thăm thôn Yên Định, xã Tân Phong, huyện Bình Xuyên vào ngày mùng Một Tết Bính Thân (1956) tới nay đã gần 70 năm nhưng vẫn vẹn nguyên trong ký ức của nhiều người dân nơi đây. Trò chuyện với những người được gặp Bác vào ngày xuân năm đó, ai cũng bảo: Đó là thực, mà chúng tôi cứ ngỡ như mơ…
Chuyện kể rằng: Ngày 28 tháng Chạp năm 1955, cấp trên cử một số đồng chí cán bộ về cùng lãnh đạo xã Tân Phong chuẩn bị địa điểm và vận động nhân dân ngày mùng Một Tết Bính Thân (1956) tập trung mít tinh chào mừng phái đoàn Trung ương về chúc Tết. Công tác chuẩn bị, điểm đón, nơi mít tinh và một số gia đình để đoàn tới thăm được bố trí chu đáo, nhưng lãnh đạo xã và mọi người không hề biết, họ sẽ được đón Bác Hồ kính yêu.
10h sáng ngày mùng Một Tết, trời mưa rét, lãnh đạo xã và một số bà con tập trung tại nhà anh Thêm - một cố nông ở thôn Yên Định. Nơi này, lãnh đạo xã dự định đón phái đoàn Trung ương tạm nghỉ chân rồi sẽ dẫn tới chỗ nhân dân đang tập trung dự mít tinh ở một địa điểm khác. Khi lãnh đạo địa phương đang bàn thêm về chương trình cuộc mít tinh thì nghe tiếng xe ô tô ngoài đường. Mọi người cùng chạy ra. Trên xe bước xuống là Bác Hồ trong trang phục giản dị với áo kaki, dép cao su. Ra khỏi xe, Bác cười, vẫy tay chào mọi người rồi đi nhanh vào cổng nhà anh Thêm.
Thấy Bác vào nhà anh Thêm, bà con có mặt cũng theo vào trong nhà. Một lúc sau nhân dân đang ở nơi tập trung mít tinh cùng các cháu thiếu nhi nghe tin Bác về đã kéo đến đứng kín cả sân, cả thềm hè nhà anh Thêm. Bác giơ tay cười rất tươi chào mọi người. Bác hỏi chuyện gia đình anh Thêm, chuyện ruộng vườn, chuyện Tết này gói được mấy cái bánh chưng…
Quay về phía mọi người, Bác căn dặn: Bây giờ bà con đã được Đảng, Nhà nước chia ruộng đất rồi, như vậy bà con đã làm chủ, nhưng như thế chưa đủ, bà con phải hăng hái tăng gia sản xuất để được ấm no hơn nữa. Muốn sản xuất tốt thì phải đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, phải lập tổ đổi công để giúp nhau vượt khó khăn mà sản xuất. Bác trìu mến dặn dò các cháu thiếu niên, nhi đồng phải chăm chỉ học hành, ngoan ngoãn, giúp việc cha mẹ, rồi Bác chia kẹo cho từng cháu và bắt nhịp cùng các cháu hát vang bài “Kết đoàn”.
Lãnh đạo Huyện ủy huyện Bình Xuyên tặng hoa chúc mừng Đại hội Đảng bộ xã tân Phong nhiệm kỳ 2020 – 2025. |
Sau khi nói chuyện với nhân dân và các cháu thiếu nhi, Bác cùng lãnh đạo xã tới thăm gia đình bà Đặng - là cơ sở kháng chiến, từng nuôi giấu chiến sĩ cách mạng hồi đánh Pháp.
Gần một tiếng đồng hồ thăm Tân Phong, Bác vẫy tay chào mọi người rồi lên xe về Hà Nội. Xe đưa Bác rời đi đã lâu, nhưng nhân dân Tân Phong ai cũng lưu luyến vì vừa được quây quần bên Bác như người cha, người ông hiền từ, rất đỗi thân thương... và tiếc rằng, Bác không ở lâu hơn nữa để mọi người được hưởng lộc xuân bên Bác kính yêu.
Nỗ lực làm theo lời Bác dạy
Từ trụ sở UBND xã Tân Phong, tôi cùng ông Hoàng Quang Quyền - Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thông tin - Thể thao huyện Bình Xuyên được lãnh đạo địa phương dẫn đi tham quan Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở thôn Yên Định. Trên đường đi, ông Đỗ Thắng - Bí thư Đảng ủy xã Tân Phong cho hay: “Hôm nay là tròn 67 năm ngày Bác Hồ về thăm Tân Phong. Dù Người đã đi xa, nhưng trong lòng hơn 7.000 người dân Tân Phong luôn khắc ghi lời căn dặn và sự quan tâm của Người lúc sinh thời…”.
Tại thôn Yên Định, Nhà tưởng niệm Bác Hồ được xây dựng khang trang với diện tích 400m2, tọa lạc trên khu đất rộng 1.400m2. Phía trước khoảng sân được đổ bê-tông và lát gạch sạch sẽ là ao cá mà người dân địa phương quen gọi là “Ao cá Bác Hồ”. Nhà lưu niệm lợp ngói đỏ, nổi bật với dòng chữ vàng ở cửa chính: “Đời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Chính nơi này năm xưa Bác đã nói chuyện với nhân dân Tân Phong. Qua cửa chính, bước vào bên trong là không gian đậm chất lịch sử, từ những bức ảnh, hiện vật, tư liệu về Bác.
Ông Hoàng Quang Quyền chia sẻ:Thắp nén tâm hương kính cẩn dâng lên Người, chúng tôi ai cũng xúc động, rưng rưng…Năm nào cũng vậy, tới Tết Nguyên đán, lãnh đạo huyện Bình Xuyên, xã Tân Phong cùng các tổ chức, đoàn thể trên địa bàn đều tới Nhà tưởng niệm thắp hương tưởng nhớ Bác. Nơi đây vừa là kỷ niệm, vừa là nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ xã Tân Phong nói riêng và huyện Bình Xuyên nói chung…”.
Dẫn chúng tôi thăm nhà văn hóa thôn Yên Định (kề sát Nhà tưởng niệm Bác Hồ) ông Thắng cho biết: Thực hiện phong trào “Vĩnh Phúc chung tay xây dựng nông thôn mới”, nhiều gia đình ở Yên Định tự nguyện hiến đất, phá tường rào, đóng góp tiền của, ngày công tham gia làm đường giao thông, đổ rãnh thoát nước, nạo vét kênh mương... Nhờ đó, Yên Định hôm nay được mang trên mình “tấm áo” mới với đường làng xóm ngõ sạch đẹp; nhà cửa khang trang. Màu xanh mỡ màng của những vườn cây ăn quả, của những cánh đồng ngô, lúa, khoai tây… là minh chứng cho một Yên Định trù phú đang trên đà phát triển.
“Có được thành quả này, người dân Yên Định luôn nhớ ơn Bác Hồ. Vâng theo lời Bác dặn cả hệ thống chính trị, người dân nơi đây đã chung sức, đồng lòng thực hiện hiệu quả những chủ trương, quyết sách đúng đắn của Đảng bộ chính quyền các cấp. Theo đó, mỗi ngày một cuộc sống ấm no, hạnh phúc đang hiện hữu trên quê hương Yên Định, Tân Phong”, ông Nguyễn Văn Chiêm - Phó Bí thư Đảng ủy xã Tân Phong chia sẻ.
Nhớ lời Bác dặn, bước vào thời kỳ đổi mới, cán bộ, đảng viên và nhân dân Tân Phong luôn đoàn kết, đẩy mạnh thi đua lao động, sản xuất, gặt hái được nhiều thành quả rất đáng tự hào. Trong đó, chỉ riêng năm 2022, Tân Phong đã chuyển đổi toàn bộ diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang trồng khoai tây, khoai lang và ngô; mở rộng sản xuất nhiều giống lúa mới cho năng suất cao, hạt gạo thơm, dẻo; nhân rộng nhiều mô hình phát triển kinh tế trang trại, gia trại chăn nuôi, trồng trọt theo hướng hữu cơ, từng bước thực hiện sản xuất nông sản sạch, đồng thời cho doanh thu cao.
Phụ nữ thôn Tân An, xã Tân Phong tổng vệ sinh môi trường. |
Như để giúp chúng tôi tận mắt thấy những minh chứng cụ thể, sinh động, ông Đỗ Thắng đưa chúng tôi tới thăm một số nông trại, gia trại của Tân Phong.
Thăm trang trại nuôi giun quế của gia đình ông Trần Bá Bình, thôn Nam Bản xã Tân Phong, tôi không khỏi ngạc nhiên bởi quy mô sản xuất khá hiện đại. Dẫn chúng tôi tham quan trang trại, ông Bình kể: Sau khi tìm hiểu, nghiên cứu cách làm ăn mới, được gia đình động viên, tôi mạnh dạn xin dồn thửa đổi ruộng để có mặt bằng xây dựng chuồng trại nuôi giun quế theo hướng hữu cơ. Hằng ngày, tôi thu gom, ủ rác hữu cơ cùng phân trâu, bò… làm thức ăn cho giun. Tới kỳ thu hoạch, tôi xuất bán giun thương phẩm làm thức ăn chăn nuôi lợn, vịt, gà, chim… cho các đầu mối, khách hàng có nhu cầu. Ngoài ra, tôi còn tận dụng phân giun để trồng rau sạch, trồng cây ăn quả... Với mô hình sản xuất giun quế làm thức ăn chăn nuôi kể trên, trừ chi phí, năm 2022, ông Bình thu lãi 240 triệu đồng.
Được Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh Vĩnh Phúc cho vay tiền với lãi suất ưu đãi, từ năm 2018 tới nay, gia đình ông Lê Văn Toàn, thôn Tiền Phong, xã Tân Phong quyết vươn lên theo lời Bác dạy vượt khó, xóa nghèo từ mô hình nuôi vịt trời.
Trang trại nuôi vịt trời của ông Toàn rộng gần 3 ha. Mỗi năm ông nuôi khoảng 1.700 con vịt trời thương phẩm, 300 con vịt trời bố, mẹ. Theo ông Toàn, nuôi vịt trời không khó, thức ăn chủ yếu là thóc, ngô, cám, các loại rau... Thịt vịt trời ngon, được nhiều người chuộng nên gia đình không phải tìm “đầu ra” cho sản phẩm. Tới kỳ “xuất chuồng” thương lái đến tận nhà thu mua. Mô hình kinh tế nuôi con bay trên trời này mỗi năm mang lại cho gia đình ông Toàn khoảng 200 - 230 triệu đồng tiền lãi.
Cùng với trồng trọt, chăn nuôi, từ khi có tuyến đường liên huyện 32 Hương Canh - Thanh Lãng chạy qua, nhân dân Tân Phong tập trung phát triển thương mại, dịch vụ để tăng thu nhập. Nhờ đó, đã đưa thu nhập bình quân đầu người ở Tân Phong tăng đều, năm sau cao hơn năm trước; số hộ gia đình nghèo giảm còn 0,5%.
Sau khi Tân Phong “cán đích” nông thôn mới năm 2013, để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, Đảng ủy, chính quyền xã tiếp tục huy động mọi nguồn lực đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, điện - đường - trường - trạm; tu sửa, mua mới trang thiết bị cho 8/8 nhà văn hóa thôn, đáp ứng nhu cầu giao lưu, hội họp, sinh hoạt… của nhân dân.
Không chỉ đẩy mạnh phát triển kinh tế, các lĩnh vực y tế, giáo dục, từ thiện, nhân đạo… ở Tân Phong luôn có những bước phát triển mới. Theo đó, hằng năm, tỷ lệ học sinh trong xã đến lớp, chuyển lớp, chuyển cấp, trúng tuyển vào các trường cao đẳng, đại học đều tăng.
Thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị, Đảng ủy xã Tân Phong đã đẩy mạnh tuyên truyền việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh bằng nhiều hình thức. Nhờ đó, từ năm 2019 - 2022, 11/11 Chi bộ thuộc Đảng ủy xã đều hoàn thành tốt nhiệm vụ; hơn 90% đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ, trong đó có 15 - 20% hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; Đảng ủy Tân Phong 4 năm liền đạt danh hiệu “trong sạch, vững mạnh”.
Trước thềm xuân mới 2023, những thời cơ và thuận lợi mới đan xen, không ít thách thức, với cán bộ, đảng viên Tân Phong việc học tập và làm theo lời Bác để tự rèn luyện, tu dưỡng, phấn đấu càng có ý nghĩa thiết thực, to lớn. Những lời căn dặn của Người khi về thăm, chúc tết nhân dân Tân Phong năm xưa là tài sản tinh thần vô giá để mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân Tân Phong lấy đó làm động lực phấn đấu, góp sức đưa quê hương ngày càng phát triển./.