Tận dụng thời cơ để Bắc Giang bứt phá
(ĐCSVN) – Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương cho rằng, sau khi kiểm soát được dịch bệnh, đây là thời cơ cho Bắc Giang bứt phá, phải tận dụng tốt thời gian còn lại trong năm để hoàn thành mục tiêu phát triển KT-XH ở mức cao nhất.
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang yêu cầu, mỗi cán bộ, công chức, viên chức cần thay đổi tư duy, dám đặt ra mục tiêu và quyết tâm cao hơn, mang tính đột phá nắm bắt, đón nhận cơ hội.
Đồng chí Lê Ánh Dương phát biểu kết luận Hội nghị. |
Đó là một trong những yêu cầu trọng tâm tại Hội nghị thường kỳ tháng 9 của UBND tỉnh Bắc Giang, ngày 21/9, dưới sự chủ trì của đồng chí Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh.
Tổng thu ngân sách nội địa vượt 4,1% dự toán
Theo báo cáo của của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Giang, 9 tháng qua, kinh tế phục hồi nhanh, tăng trưởng dù thấp hơn các năm gần đây song vẫn là kết quả khả quan trong bối cảnh bị ảnh hưởng nghiêm trọng do đại dịch; Bắc Giang là điển hình của cả nước trong thực hiện tốt “mục tiêu kép”.
Tăng trưởng kinh tế (GRDP) vẫn duy trì đà phục hồi khá; GRDP quý III tăng 6,7% đã bù đắp sự sụt giảm 6,8% của quý II, góp phần đưa GRDP 9 tháng lên mức 5,5% (6 tháng chỉ đạt 4,3%).
Hiện hầu hết các DN trong các khu, cụm công nghiệp (KCCN) đã hoạt động trở lại, tổng số lao động làm việc thậm chí còn tăng cao hơn so với thời điểm trước dịch. Tính đến ngày 15/9, có 377 DN trong 6 KCN hoạt động với 169.786 lao động đã đi làm, tăng 19.286 lao động so với thời điểm trước bùng phát dịch Covid-19.
Sản xuất nông nghiệp và tiêu thụ nông sản đạt được nhiều kết quả nổi bật, UBND tỉnh đã triển khai đồng bộ, kịp thời nhiều giải pháp khắc phục khó khăn, chú trọng bảo vệ vùng sản xuất, chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng cho hoạt động tiêu thụ nông sản, triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ sản xuất...
Hầu hết các chợ trên địa bàn tỉnh đã hoạt động trở lại bình thường bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch trong trạng thái bình thường mới (129/132 chợ). Giá cả thị trường cơ bản ổn định, không có hiện tượng thiếu hàng, tăng giá đột biến gây bất ổn. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ sản xuất tháng 9 ước đạt 2.799 tỷ đồng, tăng 4,0% so với tháng trước; 9 tháng đạt 24.410 tỷ đồng, bằng 75,1% so với kế hoạch.
Tổng thu ngân sách nội địa 9 tháng đạt 9.035 tỷ đồng, tăng 53,5% cùng kỳ, vượt 4,1% dự toán.
Công tác phòng, chống dịch bệnh COVID- 19 được triển khai chủ động, linh hoạt, ứng biến kịp thời nhất là từ khi xuất hiện ca dương tính đầu tiên. Đến nay, tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh đã được kiểm soát hoàn toàn.
Các chính sách bảo đảm an sinh xã hội, chính sách đối với người có công, chính sách giảm nghèo được thực hiện kịp thời, hiệu quả. Bắc Giang là tỉnh đầu tiên trong cả nước phê duyệt kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ.
Cải cách hành chính, xây dựng chính quyền và phòng chống tham nhũng đạt kết quả khả quan; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, tai nạn giao thông giảm so với cùng kỳ...
Cũng tại phiên họp, UBND tỉnh Bắc Giang đã cho ý kiến vào các nội dung: Quy hoạch tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (lần 2); Đề án đề nghị công nhận huyện Việt Yên đạt tiêu chí đô thị loại IV; dự thảo Kế hoạch về xây dựng và phát triển TP Bắc Giang giai đoạn 2021-2030; dự thảo Quyết định quy định một số nội dung về đấu giá quyền sử dụng đất để lựa chọn nhà đầu tư khi Nhà nước cho thuê đất thực hiện dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh…
Chuẩn bị các điều kiện cần thiết để nới lỏng một số hoạt động
Thảo luận tại phiên họp, Giám đốc Sở Y tế Bắc Giang Từ Quốc Hiệu cho biết, công tác phòng chống, dịch bệnh được thực hiện quyết liệt, hiệu quả; ngành Y tế đang tập trung tiêm vắc-xin cho công nhân các khu, cụm công nghiệp; những người hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ, tiếp xúc với nhiều người. Đây là cơ sở để đề xuất nới lỏng một số dịch vụ (ăn uống trong nhà, làm đẹp, tư vấn du học…) với điều kiện hạn chế số lượng người tham gia, thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch.
Ủng hộ phương án này, đồng chí Mai Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho rằng, việc mở cửa lại một số loại hình dịch vụ, giải quyết khó khăn cho những hoạt động này là yêu cầu cần thiết. Đồng chí Mai Sơn cũng yêu cầu ngành Y tế khẩn trương hoàn thành tiêm vắc-xin mũi 1 cho công nhân trong tháng 9 và mũi 2 trong tháng 10 để tiếp tục thực hiện các mục tiêu kinh tế đã đề ra, đồng thời bám sát tình hình, quyết tâm giữ vững thành quả phòng, chống dịch.
Đồng chí Mai Sơn đề nghị các sở, ngành, địa phương tiếp tục rà soát, đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo thuận lợi hơn nữa cho người dân, doanh nghiệp và cấp cơ sở. Bố trí ngân sách phù hợp để đầu tư cho công nghệ thông tin, phục vụ chuyển đổi số và cải cách hành chính. Cố gắng giải quyết thủ tục hành chính trước hạn, rút ngắn thời gian nhưng vẫn bảo đảm chất lượng, chính xác.
Đại diện các chủ đầu tư nêu ý kiến, các dự án trọng điểm đã giải ngân được hơn 80% số vốn (một số dự án giải ngân 60%), chủ yếu chi cho giải phóng mặt bằng. Phần chi phí xây lắp đang gặp nhiều khó khăn do thiếu vốn, đề nghị UBND tỉnh bố trí, cân đối để bảo đảm tiến độ thi công.
Thay đổi tư duy, nắm bắt cơ hội, bứt phá về đích
Kết luận phiên họp, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương nhất trí nghiên cứu, xem xét việc mở cửa trở lại một số lĩnh vực, dịch vụ, hoạt động văn hóa và yêu cầu cần xây dựng lộ trình trên cơ sở tình hình thực tế và đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch. Từng bước tháo gỡ nới lỏng các hoạt động dịch vụ trên địa bàn, vừa đảm bảo an toàn phòng chống dịch, vừa tháo gỡ khó khăn cho các tiểu thương, cho người làm dịch vụ. Đồng thời có các biện pháp ổn định đời sống Nhân dân, nắm chắc tình hình người dân, người lao động để kịp thời giải quyết. Thực hiện tốt vấn đề an sinh xã hội, quan tâm đến các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh đảm bảo không người dân nào "bị bỏ lại phía sau".
Hình ảnh tại Hội nghị. |
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cũng giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, tham mưu với UBND tỉnh phương án giải quyết khó khăn về vốn cho các công trình, dự án, đẩy nhanh tiến độ những tháng cuối năm.
Về nhiệm vụ trong quý IV, đồng chí Lê Ánh Dương nhấn mạnh: “Sau khi kiểm soát được dịch bệnh, đây là thời cơ cho Bắc Giang bứt phá, phải tận dụng tốt thời gian còn lại trong năm để hoàn thành mục tiêu phát triển KT-XH ở mức cao nhất. Mỗi cán bộ, công chức, viên chức cần thay đổi tư duy, dám đặt ra mục tiêu và quyết tâm cao hơn, mang tính đột phá nắm bắt, đón nhận cơ hội”.
Quyết tâm giữ vững thành quả phòng, chống dịch, bảo đảm an toàn tính mạng, sức khoẻ của nhân dân, trọng tâm là trong các KCCN, lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thị trường, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; đẩy mạnh giải phóng mặt bằng các dự án, công trình trọng điểm, phát triển KCCN, khu đô thị, khu dân cư.
Tập trung rà soát, tháo gỡ mọi khó khăn vướng mắc cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp, đặc biệt khó khăn trong sản xuất công nghiệp; quan tâm tháo gỡ khó khăn đối với các vấn đề về xuất nhập hàng hóa tại các KCN của tỉnh, khai thác tuyến đường sắt vận chuyện hàng hóa… Ngoài ra, các ngành, huyện, thành phố tập trung tháo gỡ khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng đối với các công trình dự án trọng điểm, khu đô thị, du dân cư; đẩy nhanh tiến độ các công trình triển khai vốn đầu tư công,...
Đồng chí cũng yêu cầu rà soát tổng thể cơ chế, chính sách để trình HĐND chỉnh sửa, bổ sung những vấn đề chưa phù hợp, lạc hậu hoặc còn thiếu sót, loại bỏ những vướng mắc, cản trở.
Đẩy mạnh cải cách hành chính theo hướng ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, quyết tâm đưa Bắc Giang vào nhóm những tỉnh dẫn đầu cả nước. Xây dựng nền hành chính phục vụ nhân dân, dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, có năng lực kiến tạo phát triển; lấy người dân làm trung tâm, lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo đánh giá chất lượng hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước.
Đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân kế hoạch đầu tư công, sớm đưa các dự án lớn, trọng điểm vào khai thác, sử dụng thúc đẩy phát triển KT-XH, nâng cao đời sống nhân dân.
Thực hiện hiệu quả đợt thi đua cao điểm, nước rút cuối năm để hoàn thành thắng lợi mục tiêu kép; các ngành, địa phương rà soát lại chỉ tiêu từ đầu năm để có giải pháp, tập trung thực hiện trong những tháng còn lại. Chủ động đánh giá, phân tích giám sát chặt chẽ các nguồn thu hiện tại; khai thác triệt để các nguồn thu mới và các nguồn còn thất thu; phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ, chỉ tiêu về tài chính, ngân sách nhà nước, nhiệm vụ thu, chi năm 2021…/.