Tân Cảng Sài Gòn chia sẻ kinh nghiệm chuyển đổi số và chuyển đổi xanh
(ĐCSVN) - Ngày 21/9, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn (TCT TCSG) đã tham dự Hội nghị thường niên năm 2023 do Hiệp hội Cảng biển Việt Nam (VPA) tổ chức tại khách sạn Pullman (TP. Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu). Hội nghị thường niên của VPA năm nay do cảng Đồng Nai đăng cai tổ chức.
Bà Phạm Thị Thúy Vân - P.GĐ Marketing TCT TCSG trình bày tham luận “Chuyển đổi số để phát triển cảng bền vững” tại hội nghị. |
Hội nghị thường niên VPA 2023 - đẩy mạnh hợp tác để phát triển bền vững
Tham dự hội nghị lần này có ông Lê Đỗ Mười - Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, ông Bùi Thiên Thu - Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa, bà Nguyễn Thị Hoàng - Phó Chủ tịch UBND Tỉnh Đồng Nai, ông Trần Thượng Chí - Giám đốc Sở giao thông vận tải Bà Rịa Vũng Tàu, Nguyễn Cao Lục - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cùng khoảng hơn 500 đại biểu là giám đốc, quản lý cấp cao đến từ 81 cảng thành viên và đại diện từ hiệp hội, các doanh nghiệp cung cấp thiết bị ngành khai thác cảng.
Hội nghị thường niên là dịp để các thành viên Hiệp hội trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, đưa ra các giải pháp khắc phục những hạn chế còn tồn tại trong hoạt động cảng biển đồng thời nêu kiến nghị, đề xuất đối với các cơ quan chức năng của Trung ương, địa phương. Tại hội nghị VPA 2023, các cảng thành viên đã cùng nhau đánh giá cơ hội và thách thức của ngành cảng biển Việt Nam trong năm tiếp theo, trao đổi kinh nghiệm, đưa ra những ý kiến về các vấn đề cấp thiết của ngành cảng biển như quy hoạch, đầu tư, hợp tác để phát triển cảng bền vững, quản lý cảng, chuyển đổi số, vận hành an toàn và bảo mật hệ thống công nghệ thông tin.
Tân Cảng Sài Gòn tập trung chuyển đổi số, chuyển đổi xanh
Quang cảnh hội nghị. |
Xu hướng phát triển năng lượng sạch, giảm phát thải, bảo vệ môi trường là xu hướng tất yếu, nhằm hướng tới một nền kinh tế hài hòa, thân thiện với môi trường, đảm bảo an sinh cho mọi đối tượng trong xã hội. Tại Việt Nam, Chính phủ cũng rất quyết tâm triển khai các hành động nhằm hiện thực hóa cam kết mức phát thải ròng bằng “0” tại COP26, cũng như phê duyệt “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050”, “Đề án phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam với mục tiêu chung là hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa carbon và đóng góp vào hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu”. Ngành logistics nói chung và cảng biển nói riêng cũng đã có những chiến lược hành động chung tay vào quá trình xanh hóa ngành, với các chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, đề án phát triển cảng xanh... Trong đó, chuyển đổi số và tự động hóa đang là những xu hướng thúc đẩy quá trình xanh hóa, phát triển bền vững không chỉ của ngành logistics, cảng biển mà còn của cả nền kinh tế. Dự kiến đến sau năm 2030, tiêu chí "cảng xanh" trong quy hoạch, đầu tư xây dựng và kinh doanh khai thác cảng biển tại Việt Nam được áp dụng bắt buộc.
Với vị thế là nhà khai thác cảng hàng đầu tại Việt Nam, TCSG đã và đang triển khai rất nhiều giải pháp chuyển đổi số, chuyển đổi xanh tại 16 cơ sở cảng trải dài tại các vùng kinh tế trọng điểm của Việt Nam cùng hệ thống 7 ICD hỗ trợ kết nối. Tân Cảng - Cát Lái và Cảng Quốc tế Tân Cảng - Cái Mép (TCIT) là một trong những cảng đầu tiên tại Việt Nam đạt danh hiệu Cảng xanh của Hội đồng mạng lưới dịch vụ cảng APEC. Trong năm 2023, TCSG cũng đã vinh dự đón nhận giả thưởng Top Công nghiệp 4.0 Việt Nam - giải thưởng vinh danh các doanh nghiệp tiêu biểu trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số hướng đến phát triển kinh tế số tại Việt Nam.
TCSG không ngừng khẳng định vị thế tại khu vực Cái Mép - Thị Vải
Các nhà tài trợ Hội nghị thường niên VPA 2023 nhận kỷ niệm chương từ BTC. |
Cụm cảng Cái Mép của Việt Nam nằm trong TOP 12 cảng biển hoạt động hiệu quả nhất thế giới. Với sứ mệnh kết nối lưu thông hàng hóa, phát triển kinh tế biển, TCSG sở hữu ba cảng nước sâu với ba lợi thế khác nhau tại Cái Mép - Thị Vải.
●Cảng Quốc tế Tân Cảng – Cái Mép (TCIT) là đối tác hàng đầu của hãng tàu và liên minh hãng tàu. TCIT hiện đang nắm giữ 35% thị phần tại khu vực Cái Mép - Thị Vải , với 10 tuyến dịch vụ quốc tế hàng tuần kết nối với các cảng ở Bắc Mỹ, Canada, châu Âu và Nội Á.
●Cảng Tân Cảng - Cái Mép (TCCT) khẳng định năng lực vượt trội trong tiếp nhận tàu hàng điện gió. Là cảng nước sâu đầu tiên của Việt Nam, có khả năng tiếp nhận các tàu biển có trọng tải tới 160.000 DWT, TCCT đã trở thành đơn vị đi đầu trong dịch vụ logistics chuyên biệt về hàng siêu trường siêu trọng tại khu vực phía Nam nói riêng và các nước trong khu vực nói chung.
●Cảng Tân Cảng - Cái Mép Thị Vải (TCTT) đẩy mạnh hợp tác, không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ, mở rộng kết nối, phối hợp cùng các cơ quan ban ngành đơn giản hóa thủ tục…để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, hãng tàu, nhằm góp phần xây dựng cụm cảng nước sâu Cái Mép không chỉ là Cảng quan trọng đối với hàng hóa XNK Việt nam mà còn là điểm trung chuyển Quốc tế hấp dẫn của khu vực.
Bên cạnh hệ thống cảng biển trải dài khắp cả nước, TCSG cũng đã mở rộng sự hiện diện chiến lược thương hiệu của mình ở nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm dịch vụ logistics, vận tải biển và các ngành kinh tế biển, cũng như giáo dục - đào tạo. TCSG cam kết tích hợp công nghệ thông tin vào tất cả các dịch vụ của mình, đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số, tập trung cho các chiến lược phát triển bền vững trong tương lai, khẳng định vị thế là nhà khai thác cảng hàng đầu trong khu vực đồng thời là doanh nghiệp tiên phong chuyển đổi số trong ngành khai thác cảng./.