Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Tầm soát bệnh cho hơn 1.000 người dân Đà Nẵng

Thứ Bảy, 21/09/2024 14:57 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Chương trình "Careme – Yêu lấy mình, Tầm soát bệnh Tim mạch – Thận – Chuyển hóa" có sự tham gia của hơn 1.000 người dân trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Ngày 21/9, tại Đà Nẵng, Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, AstraZeneca Việt Nam phối hợp cùng Sở Y tế, Hội Thầy thuốc trẻ Đà Nẵng, Bệnh viện Đà Nẵng triển khai chương trình  "Careme – Yêu lấy mình, Tầm soát bệnh Tim mạch – Thận – Chuyển hóa" cho nhân dân thành phố.

Trong khuôn khổ chương trình, hơn 1.000 người dân trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã được khám và tầm soát miễn phí

Đây là hoạt động hướng tới Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2024-2029; Thiết thực triển khai Nghị quyết số 20/NQ-TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.

Theo TS. Hà Anh Đức, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam, Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, chuyển đổi số y tế là xu thế tất yếu và là yêu cầu bắt buộc, đang diễn ra mạnh mẽ, sâu rộng. Bộ Y tế và Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam đang triển khai nhiều chương trình đổi mới sáng tạo như chương trình Chuyển đổi số vì sức khỏe Phổi và Careme – Yêu lấy mình, lấy nền tảng là công nghệ ứng dụng trong sàng lọc bệnh, tầm soát bệnh và hỗ trợ điều trị. Sau cơn bão số 3 với nhiều hậu quả nặng nề, các chương trình khám cộng đồng thời gian tới sẽ đi sâu vào phục hồi sau thiên tai, chăm sóc sức khỏe người dân và nâng cao năng lực y tế cơ sở với ứng dụng mạnh mẽ chuyển đổi số.

Trao quà cho các bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn 

Việc tổ chức các chương trình tầm soát và chăm sóc sức khỏe cộng đồng không chỉ giúp phát hiện sớm các bệnh lý nguy hiểm mà còn tạo điều kiện cho người dân, đặc biệt là những người có hoàn cảnh khó khăn, tiếp cận với các dịch vụ y tế chất lượng. Đây là một hoạt động ý nghĩa, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân thành phố Đà Nẵng, lan tỏa tinh thần "tương thân, tương ái", đoàn kết trong cộng đồng.

Trong khuôn khổ chương trình, hơn 1.000 người dân trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã được khám và tầm soát miễn phí. Ban Tổ chức cũng trao tặng 10 phần quà cho các bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn; thăm, tặng quà cho mẹ Việt Nam anh hùng trên địa bàn; tặng Bệnh viện Đà Nẵng 1 màn hình telehealth di động và hệ thống AI đọc X-quang phổi phát hiện bệnh lao và ung thư phổi.

TS Hà Anh Đức, Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam (phải) trao biển tượng trưng tặng Bệnh viện Đà Nẵng thiết bị khám bệnh công nghệ cao
Careme - Yêu lấy mình" là sáng kiến chuyển đổi số do Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam (VYPA) và AstraZeneca , nhằm giới thiệu và nhân rộng các giải pháp chuyển đổi số, hỗ trợ phát hiện chẩn đoán sớm các bệnh tim mạch, đái tháo đường, bệnh thận mạn, vốn là những bệnh mạn tính phổ biến hàng đầu hiện nay với tỉ lệ mắc và thương tật càng gia tăng, và cũng đứng đầu trong các nguyên nhân tử vong thời gian gần đây. Song song đó, chương trình cũng mong muốn có thể giúp nâng cao khả năng tiếp cận của người bệnh với dịch vụ y tế chất lượng, và nâng cao nhận thức về tầm soát, sàng lọc bệnh sớm và tuân thủ điều trị.

Đây là chương trình nằm trong chuỗi hoạt động “Hành trình thầy thuốc trẻ làm theo lời Bác, tình nguyện vì sức khỏe cộng đồng” được Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam phát động từ tháng 5/2024, đã và đang được triển khai khắp cả nước, với mong muốn tiếp cận hỗ trợ cho hơn 1.000.000 người dân trên cả nước. Đây cũng là hoạt động đầu tiên trong chuỗi chương trình hưởng ứng Ngày tim mạch thế giới 29/9/2024 của Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam.

Ngoài bệnh tim mạch, nguyên nhân gây tử vong chính trên thế giới. Bệnh thận mạn tính là một bệnh không lây nhiễm thường gây ra bởi đái tháo đường và tăng huyết áp đồng thời là một vấn đề sức khỏe cộng đồng nghiêm trọng. Tử vong do bệnh thận mạn tính đã gây ra 4,6% tử vong trên toàn cầu và nguyên nhân tử vong đứng hàng thứ 12 vào năm 2017. 

Tại Việt Nam, có hơn >8,7 triệu người trưởng thành mắc bệnh thận mạn, chiếm 12,8% dân số. Việt Nam hiện có hơn 400 đơn vị chạy thận nhân tạo và cung cấp dịch vụ lọc máu cho khoảng 30.000 bệnh nhân mắc bệnh thận giai đoạn cuối mỗi năm, tuy nhiên mới chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu của bệnh nhân cần lọc máu trên cả nước. 

Theo báo cáo của Bảo hiểm Y tế Việt Nam năm 2022, chi phí thanh toán cho chạy thận nhân tạo hiện đang đứng đầu danh sách chi trả, ước tính lên tới hơn 4.000 tỷ. Vì vậy, việc chẩn đoán và điều trị sớm bệnh thận mạn tính, cũng như làm chậm quá trình suy giảm chức năng thận, điều trị thay thế thận sẽ đem đến đến những lợi ích đáng kể và lâu dài về kinh tế đồng thời làm giảm gánh nặng cho ngành y tế.

 

 

Tiến Đạt

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN