Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Tầm nhìn mới cho Quy hoạch Thủ đô Hà Nội

Thứ Năm, 20/06/2024 10:45 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Theo đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn TP Hà Nội), đây là quy hoạch không chỉ cho riêng Thủ đô mà là quy hoạch cho một miền, thậm chí cả một quốc gia.

Sáng 20/6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.

Để trục sông Hồng thực sự là trung tâm phát triển Thủ đô

Theo đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn TP Hà Nội), 2 văn bản của Chính phủ và thành phố Hà Nội trình để Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp này là 2 văn bản rất trí tuệ, rất trách nhiệm và chứa đựng nhiều khát vọng của nhân dân Thủ đô Hà Nội cũng như của cả nước.

Đi vào một số nội dung cụ thể, đại biểu Nguyễn Anh Trí bày tỏ ấn tượng về phương án phát triển trục sông Hồng, để sông Hồng thực sự là trung tâm phát triển Thủ đô.

Đại biểu lưu ý, vấn đề quy hoạch lại thành phố cần chú ý phải có đường rộng để đi, có đường thoát khi có sự cố cháy nổ, các sự cố nghiêm trọng để sử dụng dứt khoát phải có đường rộng để đi, phải tìm mọi cách để làm.

“Phải giảm và tiến đến không còn nhà ống tại Hà Nội và việc này phải bàn với dân để tìm sự đồng thuận cao”, đại biểu nói.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn TP Hà Nội). Ảnh: Đăng Khoa.

Về quy hoạch hệ thống y tế ở Thủ đô, theo đại biểu, cần phải thấy được rằng đây là quy hoạch y tế không chỉ cho nhân dân Thủ đô mà đây là quy hoạch cho một miền, thậm chí cả một quốc gia, vì hầu hết các bệnh viện lớn, đầu ngành đều đang tập trung ở đây. Theo đó, càng mở rộng càng tốt nhưng nên ra ngoại vi với hệ thống đường xá thật tốt, có sân bay. Hai là, các bệnh viện đa khoa dưới 500 giường phải có ở các quận, huyện. Ba là, các phòng khám đa khoa thì phải có ở khắp các khu dân cư và càng gần dân càng tốt, tạo nên một hệ thống phục vụ trực tiếp cho dân, khi ốm đau dù nhỏ đến mấy lúc cần chỉ khoảng 15 phút là đến nơi.

Về phát triển không gian ngầm, theo đại biểu Nguyễn Anh Trí, nên có đồ án quy hoạch riêng với sự tham gia tư vấn, lập quy hoạch của nhiều chuyên gia giỏi. Nếu nội dung này không thực hiện kịp trong thời điểm này thì nên quy định tại hai đồ án để sẽ tách ra thực hiện riêng, trình Quốc hội ở dịp khác. 

Đại biểu Trần Văn Tiến (Đoàn Vĩnh Phúc) nhấn mạnh sự cần thiết phải lập quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch chung như Tờ trình số 341 và 342 của Chính phủ.

Đại biểu cho rằng, việc lập quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch cơ bản phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và tính thống nhất trong hệ thống pháp luật về quy hoạch.

Đối với Quy hoạch Thủ đô, đại biểu đề nghị cần làm rõ thêm các yếu tố, các điều kiện đặc thù quyết định đến sự phát triển của Thủ đô Hà Nội. Về đánh giá thực trạng đối với nội dung này, đại biểu kiến nghị làm rõ thêm kết quả đạt được về phát triển kinh tế - xã hội, sử dụng đất đai, phát triển hệ thống đô thị và nông thôn so với mục tiêu, chỉ tiêu tại Quyết định số 1081 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô.

Giải quyết “nút thắt” ùn tắc giao thông

Là người được tham gia vào quá trình xây dựng quy hoạch, đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn TP Hà Nội) đề cập đến các vấn đề cần phải quan tâm và trọng tâm trong quá trình triển khai thực hiện quy hoạch này.

Trước tiên, phải tập trung giải quyết vấn đề, nút thắt lớn nhất của Thủ đô Hà Nội hiện này là vấn đề giao thông ùn tắc. Trọng tâm là đầu tư xây dựng được 14 tuyến đường sắt đô thị như trong đề án vạch ra, thành một hệ thống mạng lưới đường sắt đủ khả năng kết nối giao thông cho người dân có thể di chuyển bất kể một địa điểm nào trên khu vực Thủ đô, khi đấy chúng ta sẽ tự động thay thế được các phương tiện giao thông cá nhân và như vậy những vấn đề về ùn tắc hay ô nhiễm môi trường hiện nay sẽ được giải quyết thông qua việc phát triển hệ thống đường sắt này.

Vấn đề thứ hai, đại biểu cho rằng cốt lõi là phải đầu tư xây dựng được một hệ thống thu gom nước thải tách rời khỏi hệ thống nước mưa và xây dựng, bố trí những khu vực xử lý nước thải cục bộ và nước thải tập trung để khi nước thải từ sinh hoạt thành phố ra hệ thống môi trường là nước sạch, không có ô nhiễm nữa. Việc này đồng thời với việc chúng ta cần phải triển khai ngay việc xây dựng 2 đập tràn dâng nước ở trên sông Hồng và trên sông Đuống, việc này đã có trong quy hoạch thủy lợi mà Bộ Nông nghiệp nhiều lần đã đề xuất.

Mặt khác, theo đại biểu Hoàng Văn Cường cần phải có cơ chế để hỗ trợ cho người dân ở khu vực phố cổ.

"Chúng ta muốn cải tạo, chỉnh trang khu vực này thì chúng ta phải hỗ trợ cho họ về nơi ở và phải thực hiện cơ chế không thu hồi nhà của những người dân này, nhưng người ta lại được hỗ trợ về chỗ ở. Như vậy chúng ta sẽ phát triển được không gian về kinh tế đêm cho Hà Nội, không phải chỉ quanh khu vực Bờ Hồ như hiện nay mà cả khu vực phố cổ, cả khu vực Hồ Tây, cả khu vực sông Hồng trở thành một không gian phát triển du lịch và kinh tế đêm", đại biểu bày tỏ.

Quy hoạch đưa ra 8 quan điểm mang tính chiến lược, cốt lõi cho phát triển Thủ đô. Trong đó có quan điểm lấy kinh tế, phát triển không gian đô thị là động lực phát triển chủ yếu. Phát triển sông Hồng là trục xanh, trục cảnh quan trung tâm của Thủ đô, trục văn hoá di sản, du lịch văn hoá kết nối vùng Thủ đô và vùng Đồng bằng sông Hồng.

Phát triển không gian đô thị theo mô hình đô thị trung tâm và các "thành phố trong Thủ đô”, các đô thị vệ tinh, thị trấn sinh thái; kết hợp phát triển nông nghiệp nông thôn sinh thái, văn minh, có bản sắc của nông thôn Đồng bằng Bắc Bộ.

Mục tiêu phát triển đến năm 2030 được xác định, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đạt 8,5 - 9,5%; GRDP bình quân/người (giá hiện hành) đạt khoảng 13.500 - 14.000 USD; tỷ lệ đô thị hóa đạt 65 - 70%; chỉ số phát triển con người (HDI) đạt khoảng 0,88 - 0,90; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội Thủ đô trong mọi tình huống...

Thu Hằng

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN