Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Tai nạn giao thông - cuộc chiến ám ảnh!

Thứ Sáu, 02/03/2018 11:28 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Không bom đạn, không súng ống, nhưng vẫn vô cùng khốc liệt qua con số người tử nạn, bị thương, số sự vụ đáng tiếc. Đó là bối cảnh đầy ám ảnh trên mặt trận giao thông hiện tại và nhiều năm qua…

          

Một vụ tai nạn giao thông xảy ra tại địa bàn huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: Quang Chiến.

Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết, trong tháng 2/2018 (từ ngày 16/01/2017 đến 15/02/2018), toàn quốc xảy ra 1.583 vụ tai nạn giao thông, làm chết 726 người và làm bị thương 1.169 người.

Chỉ tính chung trong 5 ngày nghỉ tết Nguyên đán, từ 14 - 18/2 (tức ngày 28 tháng Chạp năm Đinh Dậu tới mùng 3 Tết Mậu Tuất), toàn quốc xảy ra 202 vụ tai nạn giao thông, làm 155 người chết và 149 người bị thương. Tức trung bình mỗi ngày có khoảng 31 người chết.

Cũng theo số liệu báo cáo Ủy ban ATGT quốc gia, trong năm 2017, cả nước xảy ra hơn 20.000 vụ tai nạn khiến hơn 8.000 người chết, 17.000 người bị thương.

Những con số biết nói trên đang báo động về thực trạng an toàn giao thông hiện nay. Và nó vẫn luôn là vấn đề nóng thường trực, khi mà ngày ngày trên đường, còn đó những nguy cơ tiềm ẩn, khiến lĩnh vực giao thông thực sự là một "cuộc chiến không tiếng súng" như người ta vẫn ví von.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới tai nạn giao thông là do các hành vi vi phạm như: Lái xe sau khi đã uống rượu bia, vi phạm tốc độ, không đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe máy; vượt đèn đỏ; chở quá số người quy định. Các vụ tai nạn phần lớn liên quan đến người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, chủ yếu xảy ra tại khu vực nông thôn, ngoài đô thị; nguyên nhân khác xuất phát từ việc các lực lượng chức năng còn có biểu hiện nể nang, chưa quyết liệt trong xử lý vi phạm. Chế tài xử lý trong lĩnh vực giao thông chưa đủ mạnh, chưa đủ răn đe. Hành vi chống người thi hành công vụ còn xảy ra, không chấp hành pháp luật giao thông là một minh chứng cụ thể cho điều đó.

Thêm nữa, phải kể đến hạ tầng giao thông của nước ta mặc dù liên tục được cải tạo, nâng cấp nhưng vẫn không thoát khỏi sự lạc hậu, thiếu đồng bộ. Cùng với đó là sự gia tăng số lượng phương tiện chóng mặt theo từng năm. Ý thức của một bộ phận người dân tham gia giao thông chưa cao. Hậu quả là tai nạn chết người, ùn tắc giao thông nghiêm trọng không chỉ xảy ra ở các thành phố lớn mà còn phổ biến ở các địa phương.

Đây hẳn là điểu hiển nhiên, không có gì phải bàn.

Những nạn nhân tử vong do tai nạn để lại bao nỗi đau khôn xiết cho gia đình, người thân. Người bị thương ở lại tàn tật suốt đời trở thành gánh nặng cho gia đình, xã hội. Đó là những tổn thất không gì đo đếm được. Còn với người tham gia giao thông hàng ngày trên đường thì vẫn nơm nớp, u ám trong lo sợ, bởi tai nạn vẫn vẩn vơ như những “bóng ma” vô hình.

Trong một phóng sự về an toàn giao thông phát kênh truyền hình An ninh Nhân dân mới đây, thực hiện tại đèo Ô Quy Hồ, vị trí đường đèo nguy hiểm nối giữa Lào Cai và Lai Châu. khi phóng viên phỏng vấn các tài xế đường trường kì cựu rằng: “Qua đèo này các anh có sợ không?”. Kết quả là những cái quay đi lảng tránh, những cái cười trừ... Rõ ràng tất cả chỉ nằm trong hai chữ… “bất an”.

Trong các kì họp Quốc hội, mặt trận giao thông luôn là vấn đề nóng bỏng nghiêm trọng, nhức nhối. Nó là vấn đề bức xúc của toàn xã hội, bởi mức độ nghiêm trọng của hậu quả đã xảy ra và tính cấp thiết của mối đe dọa đến sự an toàn về tính mạng, sức khỏe của mỗi người dân.

Tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông được ví như món “đặc sản” ở các đô thị lớn của nước ta. Và “đặc sản ấy” đang hàng ngày, hàng giờ làm xấu đi hình ảnh của đất nước trong con mắt bạn bè quốc tế.

Thiết nghĩ, từ các vấn đề đã trình bày, để giảm nhiệt trong vấn đề tai nạn, ùn tắc giao thông, thời gian tới, các ban, ngành chuyên trách cần tiếp tục tăng cường biện pháp tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật trong cộng đồng, nâng cao ý thức chấp hành luật cho người tham gia giao thông; đồng thời, tăng cường xử lý mạnh tay hơn nữa đối với các hành vi coi thường pháp luật khi tham gia giao thông.

Quy trách nhiệm, xử lý nghiêm người đứng đầu khi chưa làm tròn nhiệm vụ trong chỉ đạo điều hành. Các ngành chức năng cần tiếp tục nghiên cứu nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông, hạn chế sự gia tăng số lượng phương tiện. Thực hiện nghiêm túc, đồng bộ một số giải pháp mới mong tai nạn giao thông hạ nhiệt trong thời gian tới./. 

Trần Quang Chiến

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN