Tái cơ cấu nền kinh tế cần sự đồng thuận, chung tay
(ĐCSVN) - Tái cơ cấu nền kinh tế là việc cần làm để tạo ra tăng trưởng cao hơn, phát triển bền vững hơn, thích nghi được với sự thay đổi của nền kinh tế quốc tế. Tuy nhiên, vấn đề mà nhiều chuyên gia kinh tế và dư luận quan ngại là khả năng thu hút các nguồn lực để thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế.
Mới đây, báo cáo với Quốc hội về Đề án tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, dự kiến cần khoảng 10,567 triệu tỉ đồng (tương đương 480 tỉ USD) để tái cơ cấu nền kinh tế.
Năm 2015, GDP Việt Nam ước đạt khoảng 204 tỉ USD. 480 tỉ USD, tức là gấp hơn hai lần GDP của nước ta vào năm 2015. Vậy nguồn lực nào sẽ được huy động để thực hiện Đề án tái cơ cấu nền kinh tế?
Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã thông tin với báo chí, dự kiến cơ cấu có thể ngân sách sẽ gánh 1/3, còn lại 2/3 sẽ huy động từ các nguồn lực xã hội khác.
Nhìn từ nguồn lực Nhà nước, dù GDP năm 2015 tăng so với những năm trước, nhưng vẫn còn không ít thách thức: Nợ công của nước ta sắp chạm trần; nợ xấu vẫn ngân hàng vẫn chưa giải quyết xong; cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước chưa đạt mục tiêu đề ra và tỷ lệ vốn Nhà nước tại các công ty cổ phần vẫn còn cao; các tập đoàn, tổng công ty, nợ vay từ các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng là 355.819 tỷ đồng, tăng 3%, còn nợ nước ngoài là 348.189 tỷ đồng ( số liệu tính đến thời điểm kết thúc năm tài chính 2015)...
Tái cơ cấu nền kinh tế dựa trên nguồn lực trong dân, doanh nghiệp là hướng đi hợp lý giống như xã hội hóa đầu tư công. Nhưng ở góc độ thực tế, phải lượng hóa đúng sức dân và doanh nghiệp. Dù thu nhập bình quân đầu người đã tăng so với những năm trước, nhưng đa số nông dân vẫn khó khăn, sản xuất nhỏ nhưng hay bị “ông trời” giáng mưa bão, lũ lụt, hạn hán...
Nước ta hiện có gần 600 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động. Riêng 9 tháng năm 2016, đã có thêm 91 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới. Chúng ta kỳ vọng đến năm 2020, sẽ có sẽ trên 1 triệu doanh nghiệp. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới ngày một tăng. Điều đó thể hiện môi trường kinh doanh của nước ta ngày càng tốt hơn, nhưng xét tổng thể, Việt Nam chưa có nhiều doanh nghiệp tầm cỡ quốc tế. Đa phần vẫn là doanh nghiệp vừa và nhỏ, vẫn cần sự hỗ trợ của Nhà nước. Nếu Nhà nước duy trì sự hỗ trợ nhiều cho doanh nghiệp, thì nguồn lực để tái cơ cấu nền kinh tế sẽ giảm dần.
Tái cơ cấu nền kinh tế không thể không trông đợi vào nguồn lực bên ngoài, nói đúng hơn là nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Việt Nam đã và đang là quốc gia đứng đầu danh sách các thị trường mới nổi về thu hút FDI trong các dự án đầu tư mới (theo đánh giá của Văn phòng thống kê FDI Intelligence, thuộc tờ Thời báo Tài chính Mỹ). Điều đó cho thấy môi trường kinh doanh của nước ta rất thông thoáng và hấp dẫn.
Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 9 tháng năm 2016, cả nước thu hút được hơn 16,43 tỷ USD vốn FDI (kể cả đăng ký cấp mới và tăng thêm), bằng 95,8% so với cùng kỳ năm 2015. Vốn FDI về nhiều sẽ góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển, tạo ra giá trị gia tăng cho nền kinh tế, tăng thu cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, nếu vốn FDI không được phân bổ đúng địa chỉ, đúng lĩnh vực và ngành nghề mà Việt Nam đang cần, thì doanh nghiệp trong nước khó cạnh tranh sòng phẳng, dễ dẫn đến nguy cơ thua ngay trên “sân nhà”. Một lo ngại nữa, nếu doanh nghiệp FDI không sử dụng công nghệ, thiết bị tiên tiến sẽ là thách thức lớn với việc bảo đảm an toàn môi trường...
Tìm kiếm nguồn lực để thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng là việc khó, nhưng không phải không làm được. Vấn đề là sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị, sự chung tay của người dân và doanh nghiệp.../.