Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Tác phẩm "Đất nước" vào đề thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ văn

Thứ Năm, 27/06/2024 11:21 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Đề thi tốt nghiệp THPT 2024 môn ngữ văn năm nay đề cập đến tác phẩm "Đất nước" của tác giả Nguyễn Khoa Điềm cùng câu hỏi về ý nghĩa của việc tôn trọng cá tính.

Sáng 27/6, các thí sinh đã hoàn tất bài thi môn Ngữ Văn kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 theo hình thức tự luận, thời gian làm bài 120 phút. Theo các thí sinh, đề thi năm nay sát với thực tế, nghị luận xã hội khá hay.

Ra khỏi điểm thi Trường THCS Thành Công, Ba Đình, Hà Nội, trong tâm trạng phấn khởi, thí sinh Nguyễn Hoàng Linh (học sinh THPT Nguyễn Trãi - Ba Đình) chia sẻ: Đối với em đề thi Văn năm nay khá vừa sức, đối với những bạn học kĩ theo khối C, khối D thì chắc chắn sẽ làm tốt.

“Ấn tượng nhất với em trong đề văn năm nay là câu Nghị luận xã hội, câu hỏi bám sát thực tế, cần có cái nhìn bao quát thì mới có thể làm tốt bài Nghị luận xã hội năm nay”, thí sinh bày tỏ.

Các thí sinh hào hứng bước ra khỏi phòng thi. Ảnh: KH. 

Thí sinh Trịnh Khải Lân (học sinh THPT Phan Đình Phùng, Hà Nội) cho hay: Đề thi năm nay theo sức học của em thì em thấy vừa sức. Riêng phần làm văn, Khải Lân cho biết bài thơ Đất nước của tác giả Nguyễn Khoa Điềm rất quen thuộc. Em và các bạn đã đã ôn luyện kỹ lưỡng nên yên tâm về phần thi này.

“Em thích nhất là nội dung tôn trọng cá tính. Câu này chiếm 5 điểm nên em tập trung làm bài thi thật chu đáo, đúng trọng tâm để đạt được điểm cao. Em kỳ vọng sẽ được 8 điểm”, thí sinh nói.

Theo cô Nguyễn Thị Thư, giáo viên Trường TH - THCS - THPT Ngôi Sao Hà Nội - Hoàng Mai (Hà Nội), đề Ngữ văn Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 nhìn chung khá “dễ thở”, cấu trúc đề cơ bản giống đề minh họa của Bộ GD&ĐT đã công bố; song mức độ phân hoá của đề chưa cao.

Nếu học sinh cẩn thận, đọc kĩ ngữ liệu thì không quá khó để giải quyết các câu hỏi ở mức 3, mức 4. Về phần làm văn, đối với câu nghị luận xã hội, yêu cầu của đề được nêu rõ “ý nghĩa của việc tôn trọng cá tính”, cùng với kĩ năng làm văn nghị luận xã hội đã được rèn luyện, các bạn sẽ không bị lúng túng khi bắt gặp đề bài này.

“Tổng quan đề văn hay, học sinh không khó để đạt được mức 6 – 7,5 điểm. Tuy nhiên để đạt điểm cao, học sinh sẽ phải có những phần phân tích, bàn luận sâu cũng như liên hệ, mở rộng nâng cao, tô sáng bài làm của mình giữa muôn vàn bài thi như thế”, cô Thư nhận định.

Các thí sinh trao đổi về đề thi Ngữ văn. Ảnh: KH. 

TS. Trịnh Thu Tuyết – Giáo viên Ngữ văn - Hệ thống giáo dục HOCMAI đánh giá, đề thi chính thức môn Ngữ văn bám sát cấu trúc của đề thi tham khảo do Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố. Các câu hỏi đọc hiểu rất vừa sức với học sinh, đảm bảo đúng các mức độ nhận thức, có ý nghĩa thực tế với cách sống của các em sau này.

Về phần Làm văn, yêu cầu của câu viết đoạn văn nghị luận xã hội ít nhiều có thể tạo bất ngờ và hứng thú cho thí sinh khi làm bài, khi yêu cầu các em luận bàn về “ý nghĩa của sự tôn trọng cá tính”.

Câu nghị luận văn học vẫn sử dụng cấu trúc đề quen thuộc, trong đó câu lệnh thứ nhất là nội dung chính của bài nghị luận yêu cầu thí sinh phân tích. Kiến thức và kĩ năng phân tích, cảm nhận, đánh giá… trong câu nghị luận văn học không hề khó với học trò, sau khi các em đã có cả một chặng đường học tập, ôn và luyện.

Theo số liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, tổng số thí sinh đăng ký dự thi môn Ngữ Văn là 1.054.601, trong đó tổng số thí sinh dự thi là 1.050.622 đạt tỷ lệ 99.62%. Tổng số điểm thi là 2323 với 45.149 phòng thi.

Số thí sinh vi phạm quy chế thi là 7 thí sinh bị đình chỉ thi (03 thí sinh mang tài liệu và 04 thí sinh sử dụng điện thoại di động).

Theo đánh giá chung của Bộ GD&ĐT, buổi thi Ngữ Văn diễn ra an toàn, trật tự, nghiêm túc, đúng Quy chế. Số lượng thí sinh vi phạm quy chế thi giảm so với năm 2023 (năm 2023 buổi thi môn Ngữ Văn có 12 thí sinh vi phạm quy chế thi).

Chiều nay, các thí sinh dự thi môn Toán. Giờ bắt đầu làm bài 14h30 (thời gian làm bài 90 phút).

Đề thi tốt nghiệp THPT môn ngữ văn năm 2024 có 2 phần:

Phần I đọc hiểu (3 điểm) rơi vào đoạn trích tác phẩm "Dòng sông và những thế hệ của nước" của tác giả Nguyễn Quang Thiều với 4 câu hỏi.

Phần II làm văn (7 điểm) có 2 câu hỏi. Câu hỏi 1 yêu cầu viết đoạn văn khoảng 200 chữ trình bày suy nghĩ về ý nghĩa của việc tôn trọng cá tính. Câu 2 yêu cầu phân tích đoạn thơ trong tác phẩm "Đất nước", từ đó nhận xét về sự kết hợp giữa cảm xúc và suy tư của tác giả Nguyễn Khoa Điềm được thể hiện trong đoạn thơ.

Vy Anh- Khánh Hương

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN