Tác hại của rác thải điện tử đến môi trường
(ĐCSVN)- Rác thải điện tử gây tác hại lớn đối với môi trường bởi vì chúng thường chứa các chất độc hại như chì, thủy ngân và brom, gây ô nhiễm nước và đất. Ngoài ra, việc xử lý rác điện tử thường tạo ra khí thải độc hại và gây ra ô nhiễm không khí, việc chôn hoặc đốt rác điện tử có thể gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe và môi trường.
Lượng rác thải điện tử được dự báo sẽ tăng thêm 33% vào năm 2030 |
Theo báo cáo của Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) và Viện Nghiên cứu và Đào tạo của LHQ (UNITAR) cho biết, kỷ lục 62 triệu tấn rác thải điện tử đã được thải ra vào năm 2022, đánh dấu mức tăng 82% kể từ năm 2010.
Cũng theo báo cáo nói trên, lượng rác thải điện tử được dự báo sẽ tăng thêm 33% vào năm 2030, lên mức 82 triệu tấn mỗi năm. Xu hướng đáng báo động này nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết phải hành động ngay lập tức để giải quyết cuộc khủng hoảng đang gia tăng.
Tại Việt Nam, kết quả nghiên cứu của Viện Khoa học và Công nghệ môi trường cũng chỉ ra, mỗi năm Việt Nam phát sinh khoảng 100.000 tấn rác thải điện tử, chủ yếu là đồ gia dụng điện tử, văn phòng và ước tính đến năm 2025, riêng rác thải ti vi có thể lên tới 250.000 tấn.
Việc xử lý, tái chế chất thải điện tử ở Việt Nam cho thấy, tỷ lệ xử lý chất thải điện tử còn đang ở mức độ. Các công ty được cấp phép phần lớn tập trung tháo dỡ, phá dỡ thủ công, chỉ có một số nhỏ công ty có đủ dây chuyền xử lý được cấp phép xử lý bảng mạch điện tử. Ngoài ra, Việt Nam mới chỉ tái chế được một phần các vật liệu thông thường như sắt, đồng, chì, thiếc, nhựa bằng các công nghệ cũ, thiết bị lạc hậu và chưa thể tái chế được các kim loại quý, vốn có hàm lượng cao trong chất thải điện tử.
Theo các chuyên gia, rác thải điện tử gây ra những tác hại khôn lường đối với môi trường nếu không xử lý rác điện tử đúng cách, các loại rác thải điện tử có thể giải phóng các chất độc hại như: Thủy ngân, chì, niken,... vào môi trường và sức khỏe con người cũng sẽ bị ảnh hưởng từ rác thải điện tử qua các con đường ô nhiễm đất, nước, không khí, lao động có tiếp xúc trực tiếp với rác thải.
Có một số cách để xử lý rác thải điện tử một cách bền vững và an toàn cho môi trường, bao gồm:
1. Tái chế và tái sử dụng: Thúc đẩy việc tái chế và tái sử dụng các thiết bị điện tử cũ để giảm lượng rác thải điện tử tạo ra.
Mỗi người dân cũng cần nâng cao ý thức trách nhiệm trong phân loại rác; bảo quản và sử dụng hợp lý để kéo dài tuổi thọ của các sản phẩm điện tử nhằm giảm bớt rác thải điện tử ra môi trường |
2. Tách và thu gom: Phân loại rác điện tử theo loại và thu gom chúng tại các điểm thu gom chính thức hoặc hệ thống tái chế.
3. Xử lý an toàn: Sử dụng các phương pháp xử lý an toàn như xử lý cơ học, hóa học hoặc nhiệt để loại bỏ các chất độc hại khỏi rác thải điện tử.
4. Thúc đẩy tiêu chuẩn tái chế: Khuyến khích và thúc đẩy việc sử dụng tiêu chuẩn tái chế cho việc xử lý rác thải điện tử để giảm thiểu tác động tiêu cực đối với môi trường và sức khỏe con người.
5. Tìm kiếm các chương trình tái chế và tái sử dụng: Hỗ trợ các chương trình và dự án xã hội nhằm tái sử dụng và tái chế các thiết bị điện tử cũ để giúp giảm thiểu lượng rác thải điện tử.