Syria: Đặc phái viên Liên hợp quốc sẵn sàng hỗ trợ dân thường
(ĐCSVN) – Đặc phái viên Liên hợp quốc về vấn đề Syria Staffan de Mistura lên tiếng cảnh báo những hậu quả mà chiến dịch quân sự quy mô lớn đang được quân đội chính phủ Syria chuẩn bị có thể gây ra đối với các thường dân tại tỉnh Idlib, phía Tây Bắc nước này.
- Liên hợp quốc kêu gọi bảo vệ dân thường trước nguy cơ thảm họa nhân đạo ở Syria
- Nguy cơ khủng hoảng nhân đạo tại khu vực Tây Bắc Syria
Phát biểu với giới báo chí ngày 30/8 tại Geneva (Thụy Sỹ), ông Mistura đề nghị đích thân song hành cùng người dân Idlib trước bất kỳ cuộc tấn công nào vào khu vực này. Đây cũng là một động thái mà ông từng đề xuất cho Aleppo hồi năm 2016. "Không có Idlib khác. Họ có thể đi đâu?” – ông Mistura nói. "Mỗi lần có một cuộc khủng hoảng... có một nơi mà nhiều người có thể chọn rời đi. Nhưng không có Idlib khác”.
“Số phận” của tỉnh Idlib rất quan trọng bởi vì vấn đề cốt yếu là dân thường di dời hoặc sơ tán khỏi các khu vực xung đột khác trong nước, trong khi các lực lượng chính phủ đã lấy lại quyền kiểm soát một số vùng lãnh thổ. Chỉ riêng trong 6 tháng qua, 500.000 người đã đến Idlib sau khi chạy trốn các cuộc tấn công của chính phủ ở Deraa, miền Đông Ghouta và các khu vực khác do lực lượng đối lập chiếm giữ.
Trong bối cảnh đó, đề xuất của Đặc phái viên về vấn đề Syria Staffan de Mistura được đưa ra theo lời kêu gọi của Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres – người vừa bày tỏ quan ngại về nguy cơ ngày càng tăng có thể xảy ra một “thảm họa nhân đạo” tại Syria trong trường hợp bùng nổ chiến dịch quân sự quy mô lớn giữa quân đội Syria và lực lượng quân nổi dậy nhằm giành lại quyền kiểm soát tỉnh Idlib gồm 3 triệu dân và nằm trên biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ.
Ngoài ra, ông Mistura còn cho biết Idlib cũng "tập trung rất nhiều các chiến binh nước ngoài", và con số này có khoảng 10.000 thành viên của mạng lưới Al Nusra hoặc Al Qaeda, vốn được Liên hợp quốc xem là những kẻ khủng bố.
Theo Đặc phái viên Liên hợp quốc về vấn đề Syria, mặc dù "không ai tranh chấp" quyền của chính phủ Syria để chống lại những kẻ khủng bố, cũng như quyền khôi phục "tất cả lãnh thổ toàn vẹn", song vẫn không thể "biện minh" cho việc sử dụng vũ khí hạng nặng ở các khu vực đông dân cư. Nhấn mạnh một lần nữa tuyên bố của Tổng thư ký Liên hợp quốc, ông Mistura lưu ý rằng việc sử dụng vũ khí bừa bãi ở các khu vực đông dân cư có thể cấu thành tội ác chiến tranh.
Đặc phái viên của Liên hợp quốc cho biết sẵn sàng hộ tống các thường dân của Idlib thông qua một hành lang nhân đạo để tìm nơi ẩn náu ở một nơi an toàn và trở về nhà sau khi trận chiến kết thúc.
Những nỗ lực của Liên hợp quốc để tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột ở Syria dự kiến sẽ tiếp tục với các cuộc họp được lên kế hoạch tại Geneva vào ngày 10 – 11/9 tới đây với các đại diện của Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran. Những cuộc thảo luận này sau đó dự kiến sẽ tiếp tục vào ngày 14/9 thông qua cuộc gặp gỡ với các đoàn đại biểu cấp cao từ 7 nước thành viên khác: Đức, Saudi Arabia, Ai Cập, Mỹ, Pháp, Jordan, và Anh./.