Sương muối tiếp tục phủ trắng đỉnh Fansipan
(ĐCSVN) - Sương muối tiếp tục phủ trắng đỉnh Fansipan; Khởi tố bổ sung bị can Lưu Bình Nhưỡng về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi; Cháy cơ sở dịch vụ lưu trú ở Romania, nhiều người thiệt mạng và mất tích; Nhật Bản cấm 6 chất có cấu trúc tương tự HHCH sau vụ ngộ độc kẹo dẻo nghi chứa cần sa… là những tin đáng chú ý trong ngày hôm nay (26/12).
Sương muối tiếp tục phủ trắng đỉnh Fansipan
Sáng 26/12, những du khách đầu tiên lên thăm "Nóc nhà Đông Dương" bất ngờ được chiêm ngưỡng quang cảnh kỳ thú như ở châu Âu do sương muối phủ trắng đỉnh Fansipan, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai. Trước đó, từ rạng sáng 26/12, do nhiệt độ giảm xuống âm 3 độ C, đỉnh Fansipan đã xuất hiện sương muối ở độ cao từ trên 2.000 đến hơn 3.000m so với mực nước biển.
Sương muối phủ trắng đỉnh Fansipan. Ảnh: Hương Thu/TTXVN |
Theo các chuyên gia lĩnh vực khí tượng, nguyên nhân của hiện tượng này là do từ đêm 25/12 về sáng 26/12, không khí lạnh ảnh hưởng đến dãy núi Hoàng Liên Sơn biến tính, gây hiện tượng bầu trời ít mây khiến bức xạ nhiệt mặt đất lớn, làm nhiệt độ giảm sâu. Toàn bộ khu vực đỉnh Fansipan nhiệt độ xuống dưới 0 độ C và sương muối hình thành.
Những người có mặt trên núi Fansipan trực tiếp quan sát cho biết, sương muối xảy ra với cường độ trung bình và phủ trắng mọi vật, có nơi sương muối đọng thành một lớp dày tạo nên hình ảnh trông rất đẹp. Đây là đợt sương muối thứ 5 xuất hiện trên núi Fansipan tính từ đầu tháng 11 đến nay.
Dự báo đêm về sáng ngày 27/12, nhiệt độ khu vực đỉnh Fansipan vẫn ở mức thấp, khả năng sương muối tiếp tục xảy ra.
Sương muối tạo ra quang cảnh kỳ thú đối với du khách thăm quan Sa Pa nhưng lại là hiện tượng thời tiết cực đoan gây hại không nhỏ tới sản xuất nông nghiệp của người dân vùng cao tỉnh Lào Cai. Do đó, các cơ quan chức năng tỉnh Lào Cai khuyến cáo người dân cần chủ động phòng, chống rét hại cho cây trồng vật nuôi, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng xấu do sương muối gây ra.
Khởi tố bổ sung bị can Lưu Bình Nhưỡng về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi
Ngày 26/12, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an tỉnh Thái Bình) đã ra quyết định bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự số 13/QĐ-CSĐT, bổ sung quyết định khởi tố bị can số 05/QĐ-CSĐT đối với Lưu Bình Nhưỡng về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi, quy định tại khoản 4, Điều 358 Bộ luật Hình sự. Quyết định trên đã được Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình phê chuẩn.
Ngày 14/11/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình đã khởi tố bị can đối với Lưu Bình Nhưỡng. Ảnh: TL |
Đây là diễn biến mới trong quá trình mở rộng điều tra vụ án Cưỡng đoạt tài sản xảy ra tại huyện Thái Thụy (tỉnh Thái Bình) do Cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an tỉnh Thái Bình) thụ lý.
Kết quả điều tra cho thấy, ngoài hành vi Cưỡng đoạt tài sản, trong thời gian giữ chức vụ Đại biểu Quốc hội, Phó Trưởng ban Dân nguyện, Lưu Bình Nhưỡng đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi. Bước đầu Cơ quan điều tra đã xác định được số tiền trục lợi này lên đến hàng trăm nghìn USD.
Cơ quan Cảnh sát điều tra đang đẩy nhanh tiến độ điều tra, thu thập tài liệu, chứng cứ phục vụ việc giải quyết vụ án; đồng thời mở rộng điều tra vụ án, đảm bảo xử lý toàn diện, triệt để, đúng quy định của pháp luật.
Trước đó, ngày 14/11/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an tỉnh Thái Bình) đã ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét nơi ở, nơi làm việc đối với Lưu Bình Nhưỡng (sinh năm 1963, quê quán tại xã Hùng Dũng, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình; trú tại quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội) để điều tra về tội Cưỡng đoạt tài sản quy định tại Điều 170, Bộ luật Hình sự.
Đây là kết quả điều tra mở rộng vụ án Phạm Minh Cường (sinh năm 1986, trú tại xã Thụy Xuân, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình; thường gọi là Cường “quắt”), là đối tượng hình sự, có ba tiền án về tội Cưỡng đoạt tài sản quy định tại Khoản 4, Điều 170 Bộ luật Hình sự...
Cháy cơ sở dịch vụ lưu trú ở Romania, nhiều người thiệt mạng và mất tích
Ngày 26/12, hỏa hoạn đã bùng phát tại một cơ sở dịch vụ lưu trú ở vùng Prahova của Romania khiến 5 người thiệt mạng, trong đó có 1 trẻ em.
Nhà chức trách Romania cho biết đám cháy bùng phát tại cơ sở lưu trú và phục vụ ăn sáng rộng 1.000 m2 ở làng Tohani, cách thủ đô Bucharest khoảng 100 km về phía Đông. Vụ việc cũng khiến 2 người bị thương và 3 người mất tích. Vào thời điểm xảy ra hỏa hoạn, tại cơ sở này có 26 người.
Vụ cháy khiến ít nhất 5 người tử vong. Ảnh: kdhnews.com |
Hình ảnh đăng trên truyền thông xã hội cho thấy tòa nhà chìm trong biển lửa trong khi lực lượng cứu hỏa đang nỗ lực chữa cháy.
Theo điều tra ban đầu, chủ sở hữu cơ sở này đã không trang bị đầy đủ thiết bị phòng cháy chữa cháy. Kết quả kiểm tra an toàn phòng cháy chữa cháy vào năm 2019 cũng cho thấy cơ sở này không đảm bảo phòng chống cháy nổ. Hiện nguyên nhân vụ hỏa hoạn đang được điều tra làm rõ.
Nhật Bản cấm 6 chất có cấu trúc tương tự HHCH sau vụ ngộ độc kẹo dẻo nghi chứa cần sa
Ngày 26/12, hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản quyết định cấm sản xuất, sở hữu, sử dụng và phân phối 6 hợp chất có cấu trúc tương tự hexahydrocannabihexol (HHCH). Gần đây, bộ này quyết định bổ sung HHCH vào danh mục các loại chất bị cấm tại Nhật Bản sau khi nhiều người ăn kẹo dẻo có chứa hợp chất này đã phải nhập viện. Lệnh cấm này có hiệu lực từ ngày 6/1/2024.
Lệnh cấm áp dụng đối với 6 chất, bao gồm chất hexahydrocannabiphorol (HHCP). Tuy nhiên, lệnh cấm không áp dụng với các trường hợp sản xuất, sử dụng, phân phối vì mục đích y tế.
Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản ở Tokyo. Ảnh: KYODO |
HHCH là hợp chất nhân tạo có cấu trúc tương tự thành phần tetrahydrocannabinol (THC) của cây gai dầu được dùng để sản xuất cần sa. Ngay cả sau khi HHCH bị cấm, các sản phẩm có chứa HHCP và những hợp chất hóa học tương tự khác vẫn tiếp tục được lưu hành trên thị trường và gây ra một số vấn đề đáng quan ngại về sức khỏe cộng đồng. Hồi tuần trước, sau công tác thanh tra, bộ trên đã buộc phải chỉ thị các cửa hàng ngừng bán trực tiếp và trực tuyến 38 mặt hàng có chứa HHCP và những hợp chất tương tự.
Trước đó, ngày 4/11 vừa qua, 5 người trong độ tuổi từ 10 đến 50, đã gặp vấn đề về sức khỏe sau khi ăn kẹo dẻo nghi chứa cần sa bán tại lễ hội diễn ra ở phía Tây thủ đô Tokyo. Sau khi ghi nhận những trường hợp tương tự, Cục Kiểm soát Ma túy thuộc Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản đã thanh tra cơ sở sản xuất kẹo dẻo và nhiều cửa hàng kinh doanh sản phẩm này ở thủ đô Tokyo và Osaka, qua đó phát hiện một số sản phẩm có chứa hợp chất HHCH./.