Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Sudan trước tương lai bất định

Thứ Ba, 02/01/2024 14:36 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Năm 2023, người dân Sudan kỳ vọng thoát khỏi tình trạng bất ổn kinh tế dai dẳng trong nhiều năm. Tuy nhiên, cuộc xung đột bùng phát hồi tháng 4/2023 không những khiến mục tiêu vực dậy kinh tế trở nên xa vời mà còn khiến tương lai của người dân nơi đây thêm bất trắc.

 

 Xung đột tiếp tục leo thang nguy hiểm ở Sudan. Ảnh: Reuters

“Năm 2023 là một cơn ác mộng với người dân Sudan”

Rạng sáng 15/4/2023, người dân Khartoum bàng hoàng thức giấc vì tiếng súng và tiếng nổ dữ dội trong các cuộc giao tranh giữa Lực lượng vũ trang Sudan (SAF) và nhóm bán quân sự Lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF).

Giờ đây, cuộc xung đột đã bước sang tháng thứ 9 liên tiếp, trong khi các cơ hội hòa bình cho quốc gia Bắc Phi cũng đang dần khép lại giữa lúc các bên tham chiến vẫn chưa thể đưa lập trường xích lại gần nhau hơn. Những bất đồng và hỗn loạn kéo dài đang dần làm tiêu tan hy vọng về một tương lai đất nước Sudan có thể sớm khôi phục lại trật tự theo hiến pháp.

Theo đánh giá của ông Abboud Jabir, một chính trị gia người Sudan, cựu thành viên Quốc hội Sudan thì năm 2023 là một cơn ác mộng đối với người dân Sudan khi sự chia rẽ chính trị và các quan điểm xung đột bùng nổ đã khiến quốc gia Bắc Phi phải đối mặt với một cuộc nội chiến đẫm máu.

Trong khi đó, Liên hợp quốc mới đây cũng cảnh báo về hậu quả thảm khốc của xung đột và Sudan hiện đang chứng kiến làn sóng người dân di dời trong nước lớn nhất thế giới.

Cuối tháng 12/2023, Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) cho biết, xung đột tiếp diễn trong nhiều tháng qua đã khiến hơn 7,1 triệu người Sudan phải di dời trong và ngoài nước, với khoảng 1,4 triệu người Sudan đang sống tị nạn ở các nước láng giềng gồm Ai Cập, Chad, Ethiopia, Eritrea và Nam Sudan.

Theo số liệu thống kê mới nhất từ tổ chức Dự án Dữ liệu Sự kiện và Vị trí Xung đột Vũ trang (ACLED), số dân thường thiệt mạng do giao tranh ở Sudan hiện đã vượt quá con số 12.190, với nhiều người khác bị thương.

Báo cáo cập nhật của Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) cũng cho thấy gần 18 triệu người trên khắp Sudan đang phải đối mặt với nạn đói trầm trọng. Trong khi đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo tỷ lệ bùng phát các dịch bệnh như dịch tả, sốt xuất huyết và sốt rét ngày càng gia tăng tại quốc gia Bắc Phi.

Kinh tế sụp đổ

Người dân đang bị mắc kẹt trong cuộc xung đột giữa hai lực lượng đối lập ở Sudan. (Ảnh: Reuters)

Cuộc xung đột sắp bước sang năm thứ 2 liên tiếp đã khiến nền kinh tế vốn trì trệ của Sudan sụp đổ khi doanh thu công giảm mạnh và đồng nội tệ mất giá khoảng 80% giá trị thị trường.

Một nhà phân tích kinh tế người Sudan - ông Abdul-Khaliq Mahjoub cho biết: “Thực tế là hơn 2,7 triệu công dân mất việc làm trong khu vực tư nhân và tác động của điều mà chúng tôi gọi là tình trạng thất nghiệp không tự nguyện nghiêm trọng đã khiến tổng sản phẩm quốc nội (GDP) sụt giảm khoảng 20%”.

“Các khoản thu từ thuế của ngân sách chung cũng bị sụt giảm do chính phủ không có khả năng thu. Điều này dẫn đến thâm hụt lớn trong thu nhập quốc dân khoảng 25%” - ông Mahjoub nói.

Chuyên gia này lưu ý, sự sụp đổ của tỷ giá hối đoái quốc gia là nguyên nhân chính khiến lạm phát ngày càng tồi tệ. Điều này cũng hạn chế sức mua của người dân và làm suy yếu năng lực sản xuất của các tổ chức vẫn đang hoạt động cầm cự mà không có sự hỗ trợ của chính phủ.

Theo một báo cáo gần đây của Cục Thống kê Trung ương Sudan, tỷ lệ lạm phát tại quốc gia này đã vượt quá 300%, dẫn đến giá cả các nguyên liệu cơ bản, chi phí vận tải và liên lạc tăng vọt.

Ngân hàng Trung ương Sudan cho biết, sản lượng vàng - vốn giữ vị trí là mặt hàng xuất khẩu phi dầu mỏ cao nhất của đất nước, đã giảm từ 18 tấn xuống chỉ còn 2 tấn trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 12/2023. Trong năm 2022, các hoạt động xuất khẩu vàng chiếm đến 46,3% tổng kim ngạch xuất khẩu của đất nước.

Bên cạnh đó, ông Mahjoub cũng chỉ ra rằng, vụ nông nghiệp mùa đông hiện nay đã thất bại do thiếu nước tưới, không có phân bón và thuốc trừ sâu cũng như các ngân hàng không có khả năng cung cấp nguồn vốn cần thiết cho người dân.

Trước bối cảnh trên, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ước tính nợ của Sudan sẽ tăng từ 127% GDP vào năm 2022 lên 151% GDP vào cuối năm 2023.

Tương lai bất định

 Một chiến binh nhảy khỏi phương tiện đang di chuyển đến Cảng Sudan, tháng 8/2023. (Ảnh: AFP/GETTY)

Năm 2024 đã bắt đầu khi mà các cuộc giao tranh ở Sudan vẫn đang trở thành nỗi ám ảnh với người dân nơi đây, giữa lúc những nỗ lực ngoại giao nhằm chấm dứt chiến tranh vẫn chưa thể mang lại kết quả như mong đợi.

Báo cáo ngày 14/12/2023 của Ủy ban Cứu trợ Quốc tế (IRC) cảnh báo, biến đổi khí hậu, xung đột vũ trang ngày càng trầm trọng, nợ nần ngày càng tăng và sự hỗ trợ quốc tế giảm sút sẽ đẩy nhanh các cuộc khủng hoảng nhân đạo trên toàn thế giới vào năm 2024.

Trong Danh sách theo dõi khẩn cấp năm 2024, IRC đã chỉ ra 20 quốc gia, chủ yếu ở châu Phi, có nguy cơ cao nhất về tình hình nhân đạo ngày càng tồi tệ vào năm tới. Trong đó, Sudan - quốc gia không được đưa vào danh sách năm ngoái, hiện tại lại đứng đầu danh sách theo dõi khẩn cấp của IRG vì những xung đột trong nước quy mô lớn thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế, tiếp đến là các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng của Palestine và Nam Sudan.

Bộ Ngoại giao Sudan cho biết cuộc họp giữa các nhà lãnh đạo của SAF và RSF dự kiến diễn ra tại Djibouti vào ngày 28/12/2023 đã bị hoãn lại đến tháng 1/2024 vì "lý do kỹ thuật".

Vào tháng 12/2023, Washington chuyển từ ủng hộ sang việc thúc đẩy các nguyên thủ quốc gia châu Phi đưa các phe phái xung đột ở Sudan tiến gần hơn một lệnh ngừng bắn. Đại diện của RSF và SAF đã bày tỏ sẵn sàng gặp nhau, nhưng liệu các cuộc gặp đó có trở thành hiện thực hay không thì thì vẫn còn chưa rõ sau khi cuộc đàm phán dự kiến diễn ra vào ngày 28/12/2023 sụp đổ.

Ông Abdul-Rahim Al-Sunni, một nhà phân tích chính trị người Sudan lý giải rằng "có những lo ngại nghiêm trọng rằng việc tiếp tục xung đột cũng như sự kiểm soát của RSF đối với hầu hết các khu vực phía Tây Sudan cuối cùng sẽ dẫn đến sự chia cắt đất nước". Nhà phân tích này cảnh báo nếu các phe phái xung đột tại Sudan không thể đạt được thỏa thuận trong thời gian sớm nhất thì sự thống nhất của đất nước sẽ bị đe dọa./.

T.Lan (Theo báo chí nước ngoài)

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN