Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Sudan: Bất ổn tiếp diễn, khủng hoảng nhân đạo leo thang

Thứ Ba, 09/05/2023 14:09 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Bất chấp việc các bên đối địch quân sự ở Sudan đã đạt được một số thỏa thuận ngừng bắn, các cuộc giao tranh gây nhiều thương vong vẫn tiếp tục diễn ra ở thủ đô Khartoum và các khu vực khác.

Cuộc tranh giành quyền lực giữa hai phe trong chính quyền quân sự Sudan khiến cộng đồng quốc tế lo ngại khi ngày càng đẩy quốc gia Bắc Phi dấn sâu vào vòng xoáy bất ổn của một cuộc nội chiến.

Bức ảnh chụp vào ngày 15/4/2023 cho thấy khói bốc lên ở Khartoum, thủ đô của Sudan. (Ảnh: Mohamed Khidir/Tân Hoa xã) 

Ngày 8/5, tiếng súng và tiếng nổ vẫn có thể được nghe thấy ở thủ đô Khartoum khi đại diện của quân đội Chính phủ và Lực lượng hỗ trợ giao tranh (RSF) tham gia vào các cuộc hòa đàm ở Ả rập Xê út, với hy vọng chấm dứt cuộc giao tranh kéo dài hơn 3 tuần qua đã khiến hàng trăm người thiệt mạng và buộc hàng nghìn người phải rời nhà cửa.

Trước bối cảnh trên, Bộ Y tế Sudan đã ngừng cập nhật số thương vong vào ngày 2/5, khi số người bị thương vong do xung đột bùng phát ở quốc gia Bắc Phi này từ ngày 15/4 cho đến nay đã ở mức 550 thiệt mạng và 4.926 người bị thương.

Xung đột cũng khiến hàng trăm nghìn người Sudan phải chạy tị nạn sang các nước láng giềng. Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) cho biết gần 450.000 thường dân đã rời bỏ nhà cửa kể từ khi giao tranh nổ ra ở Sudan, trong đó có hơn 115.000 người tìm nơi ẩn náu ở các nước láng giềng.

Còn theo số liệu thống kê của Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR), tổng cộng 123.110 người tị nạn Sudan đã chạy sang Nam Sudan, Ai Cập, Chad, Ethiopia và Cộng hòa Trung Phi kể từ khi xung đột nổ ra vào giữa tháng 4. Cơ quan Liên hợp quốc dự báo con số này có thể tăng lên 860.000 người trong sáu tháng tới.

Các thỏa thuận ngừng bắn bị phá vỡ

Theo thông báo từ quân đội Sudan và RSF, trong vài tuần qua, hai phe xung đột đã đạt được một số thỏa thuận ngừng bắn song đã bị vi phạm bởi bên còn lại.

Trước bối cảnh trên, cả hai phe đã cử phái viên tới thành phố Jeddah của Ả rập Xê út để tham gia các cuộc đàm phán hòa bình do Ả Rập Xê út và Mỹ làm trung gian. Tuy nhiên, triển vọng hòa giải xem ra vẫn còn mờ nhạt khi cả hai đều nói rõ rằng họ sẽ chỉ thảo luận về một thỏa thuận ngừng bắn nhân đạo chứ không phải chấm dứt xung đột.

Trên thực tế, căng thẳng giữa quân đội Sudan và lực lượng RSF đã tồn tại dai dẳng trong những tháng gần đây trước khi bùng phát thành xung đột vào trung tuần tháng 4/2023.

Quân đội Chính phủ Sudan và RSF từng là đồng minh cùng tham gia nhiệm vụ lật đổ cựu Tổng thống Sudan Omar al-Bashir vào năm 2019 đã bất đồng về việc RSF sáp nhập vào quân đội – vốn là một điều kiện quan trọng trong quá trình hòa giải chính trị để nối lại chế độ dân sự ở Sudan.

Hai bên đã bất đồng về cách thức RSF sẽ được sáp nhập vào quân đội và lực lượng nào sẽ nắm quyền kiểm soát cuối cùng đối với máy bay chiến đấu và vũ khí của Sudan.

Căng thẳng âm ỉ đã bị thổi bùng thành xung đột vào ngày 15/4, khi giao tranh nổ ra tại một căn cứ quân sự ở phía Nam thủ đô Khartoum, cùng với mỗi bên đều đổ lỗi cho đối phương là nguyên nhân khơi mào bạo lực. Các cuộc giao tranh giữa quân đội Chính phủ Sudan và RSF cứ thế tiếp diễn, thậm chí được huy động cả vũ khí hạng nặng và nhắm vào các khu vực đông dân cư của Khartoum cùng các thành phố lân cận.

Trước bối cảnh trên, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres vào tuần trước đã bày tỏ rằng ông bị bất ngờ trước diễn biến xung đột ở Sudan vì Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế khác vốn đã trông đợi vào các cuộc đàm phán sẽ thúc đẩy quá trình chuyển đổi dân sự ở quốc gia Bắc Phi này.

Khủng hoảng nhân đạo thêm trầm trọng

Người dân Sudan nghỉ ngơi bên ngoài một nhà thờ Hồi giáo khi đang trên đường đến Ai Cập qua tuyến đường biên giới Qustul, ngày 1/5/2023. (Ảnh: Reuters)

Sudan, quốc gia 48 triệu dân nằm ở đông bắc châu Phi, giáp với Biển Đỏ, vốn bị bạo lực tàn phá trong nhiều thập kỷ. Đất nước trải qua nhiều cuộc nội chiến và xung đột kể từ khi giành được độc lập vào năm 1956. Những cuộc xung đột liên quan tôn giáo và tranh đấu quyền lực suốt chiều dài lịch sử đã đẩy đất nước Sudan vào tình cảnh hỗn loạn.

Theo số liệu thống kê, giao tranh kéo dài giữa quân đội chính phủ và RSF bùng phát từ hôm 15/4, khiến hơn 500 người thiệt mạng, hàng nghìn người bị thương. Khoảng 50.000 - 70.000 người đã chạy trốn khỏi đất nước trong khi 5 triệu người di tản trong nước. Giao tranh vẫn tiếp tục dù hai phe đã thống nhất về lệnh ngừng bắn đã khiến cho nhiều người không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc bị mắc kẹt ở lại và sinh sống tạm bợ qua ngày trong tình trạng thiếu thốn các dịch vụ cơ bản.

Nhiều cư dân ở các thành phố Khartoum, Omdurman và Bahri đang phải đối mặt với những khó khăn nghiêm trọng do thiếu hụt bánh mì, nước và điện. Trong khi đó, nhiều bệnh viện cũng phải ngừng hoạt động do thiếu thuốc. Theo Hiệp hội Bác sĩ Sudan, nhân viên y tế không thể tiếp cận bệnh viện và các cơ sở y tế đã bị phá hủy hoặc tịch thu để biến thành doanh trại quân đội.

Ngoài ra, người dân Khartoum cũng khó tiếp cận được các dịch vụ Internet và bị cản trở liên lạc thông qua các mạng viễn thông chính.

Cuối tuần trước, nhà cung cấp dịch vụ viễn thông MTN Communication Sudan đã thông báo tạm dừng tất cả các dịch vụ cung cấp cho các thuê bao ở Khartoum do mất điện.

Trong khi đó, việc thiếu hành lang nhân đạo ở Sudan cũng đã khiến các hoạt động hỗ trợ của các tổ chức quốc tế bị gián đoạn. Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) cho biết sáu trong số các xe tải của họ hướng tới Darfur đã bị cướp bóc vào ngày 3/5 bất chấp những đảm bảo về an toàn và an ninh đã được đưa ra trước đó.

Trước bối cảnh trên, ngày 5/5, Văn phòng điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) đã cảnh báo về kịch bản 19 triệu người sẽ bị thiếu lương thực trầm trọng ở Sudan trong vòng 3 đến 6 tháng tới nếu xung đột tiếp diễn.

Cao uỷ Liên hợp quốc về Người tị nạn (UNHCR) mới đây cũng cho biết cơ quan này và các đối tác sẽ cần 445 triệu USD để hỗ trợ dòng người tị nạn từ Sudan, đồng thời đề nghị các nước láng giềng mở cửa biên giới tiếp nhận người dân Sudan chạy trốn bạo lực.

Trước tình hình bất ổn nhân đạo nghiêm trọng, cộng đồng quốc tế đã tăng cường nỗ lực để làm trung gian cho một lệnh ngừng bắn giữa quân đội Chính phủ Sudan và RSF.

Trong cuộc họp cấp cao diễn ra ngày 20/4, Liên hợp quốc và các tổ chức khu vực bao gồm Liên minh châu Phi (AU), Liên đoàn Ả Rập và các nước láng giềng của Sudan đã đồng ý hành động để buộc các phe phái đối địch quân sự ở Sudan phải ngừng tiếng súng.

Theo thông cáo báo chí của AU, các bên nhất trí hỗ trợ các bên liên quan tại Sudan thông qua cơ chế chung giữa AU và Liên hợp quốc nhằm phối hợp hành động quốc tế, hướng tới dứt bạo lực và tình trạng bất ổn tại Sudan.

Ngày 7/5, Hội đồng AL đã ban hành một nghị quyết thành lập một nhóm liên lạc cấp bộ trưởng Ả Rập nhằm tiến hành các hoạt động liên lạc với các bên xung đột ở Sudan và các quốc gia có ảnh hưởng ở Sudan để tiến tới một giải pháp tháo gỡ cuộc khủng hoảng ở quốc gia Bắc Phi này./.

T.Lan (Theo Xinhua, The Hindu)

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN