Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Sức khỏe và biến đổi khí hậu: Cảnh báo đỏ vì một tương lai mạnh khỏe

Thứ Sáu, 22/10/2021 01:37 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Báo cáo năm 2021 của The Lancet Countdown về sức khỏe và biến đổi khí hậu "Cảnh báo đỏ vì một tương lai mạnh khỏe", công bố hôm 20/10, đưa ra cảnh báo, cần có những hành động khẩn cấp để kết hợp việc giảm thiểu biến đổi khí hậu với các kế hoạch phục hồi hậu COVID-19, nhằm giải quyết sự bất bình đẳng về sức khỏe trên toàn cầu và xây dựng một tương lai bền vững.

WHO đưa ra 10 lời kêu gọi Hành động vì Khí hậu (Ảnh:suckhoedoisong.vn) 

Báo cáo năm 2021 chỉ ra những rủi ro ngày càng tăng đối với sức khỏe và khí hậu. Những rủi ro này làm trầm trọng thêm các mối nguy về sức khỏe mà nhiều người đã phải đối mặt, đặc biệt là trong các cộng đồng đã trải qua tình trạng mất an ninh lương thực và nước sạch, tình trạng nắng nóng gay gắt kéo dài và sự lây lan của các bệnh truyền nhiễm. Các tác giả kêu gọi cần có hành động khẩn cấp, được phối hợp triển khai trên phạm vi toàn cầu để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và xây dựng một tương lai bền vững, lành mạnh hơn cho tất cả mọi người.

Báo cáo cũng chỉ ra: Nhiều kế hoạch phục hồi hậu COVID-19 hiện tại không phù hợp với Thỏa thuận Paris và do đó sẽ có những tác động lâu dài đến sức khỏe. Bất chấp ảnh hưởng của khí hậu xấu, thế giới vẫn tiếp tục tài trợ cho nhiên liệu hóa thạch. Vào năm 2018, 65 trong số 84 quốc gia được phân tích bởi các nhà nghiên cứu của The Lancet Countdown có tổng giá loại bỏ carbon để đưa phát thải ròng về không tương đương với mức trợ cấp tổng thể cho nhiên liệu hóa thạch. Giá trị trung bình của khoản trợ cấp là 1 tỷ đô la Mỹ, ngoài ra một số quốc gia có mức trợ cấp ròng cho nhiên liệu hóa thạch lên tới hàng chục tỷ đô la mỗi năm. 84 quốc gia được khảo sát chịu trách nhiệm cho khoảng 92% lượng khí thải CO2 toàn cầu.

Vào năm 2020, số ngày bị ảnh hưởng do tiếp xúc với các đợt sóng nhiệt của người trên 65 tuổi đã tăng thêm 3,1 tỷ so với mức trung bình cơ bản năm 1986 - 2005. Người cao tuổi Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ, Nhật Bản và Indonesia bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Biến đổi khí hậu và các tác nhân của nó đang tạo ra những điều kiện lý tưởng cho việc lây truyền bệnh truyền nhiễm, có khả năng làm cản trởnhững kết quả đạt được trong kiểm soát các bệnh như sốt xuất huyết, chikungunya, Zika, sốt rét và dịch tả trong hàng thập kỷ.

Hệ thống chăm sóc sức khỏe không được chuẩn bị kỹ lưỡng cho những cú sốc do biến đổi khí hậu gây ra trong hiện tại và tương lai. Chỉ 45 (49%) trong số 91 quốc gia trong năm 2021 cho biết đã thực hiện đánh giá tình trạng dễ bị tổn thương sức khỏe và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đại dịch COVID-19 đã chứng tỏ nhu cầu tăng cường hợp tác quốc tế khi các nước phải đối mặt với nhiều cuộc khủng hoảng toàn cầu. Các chính trị gia cần phải thể hiện khả năng lãnh đạo bằng hành động, hơn là những lời hùng biện tại Hội nghị thượng đỉnh về Biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (COP26) vào Chủ nhật ngày 31/10/2021 tại Glasgow, Scotland tới đây. Cần phải nhanh chóng cắt giảm phát thải carbon để cải thiện sức khỏe và mang lại một tương lai bền vững, công bằng hơn. Trong bối cảnh các quốc gia cam kết hàng nghìn tỷ đô la để tái khởi động nền kinh tế của họ giữa đại dịch COVID-19, báo cáo kêu gọi các nhà lãnh đạo và các nhà hoạch định chính sách sử dụng khoản chi tiêu công này để giảm thiểu tình trạng bất bình đẳng. Việc thúc đẩy phục hồi môi trường xanh bằng cách tạo ra việc làm xanh mới, cũng như bảo vệ sức khỏe, sẽ giúp cải thiện sức khoẻ người dân trong hiện tại và tương lai.

Phục hồi phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch - bao gồm các khoản trợ cấp lớn cho dầu mỏ, khí đốt, than đá và hỗ trợ tài chính hạn chế cho năng lượng sạch - có thể đáp ứng các mục tiêu kinh tế có quy mô nhỏ và ngắn hạn, nhưng sau đó nó có thể đẩy thế giới đi chệch hướng vĩnh viễn, và sẽ khiến cho việc thực hiện mục tiêu giới hạn mức tăng nhiệt ở ngưỡng 1.5 độ C như đã nêu trong Thỏa thuận Paris trở nên bất khả thi. Điều này gây ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe con người, nhất là những người đang sống ở các quốc gia có thu nhập thấp và tác động rất ít vào quá trình biến đổi của khí hậu. Do các chính phủ chuyển từ chi tiêu khẩn cấp sang phục hồi lâu dài sau đại dịch, điều quan trọng là phải chi nhiều hơn những khoản tiền này vào mục tiêu giảm thiểu biến đổi khí hậu, chẳng hạn như thúc đẩy việc làm trong lĩnh vực năng lượng không phát thải carbon, lĩnh vực đang thiếu đi sự đầu tư cần thiết để giữ mức tăng nhiệt ở ngưỡng 1,5 độ C.

Báo cáo The Lancet Countdown cho thấy nhiều quốc gia chưa có sự chuẩn bị đầy đủ để đối phó với những tác động của biến đổi khí hậu đối với sức khỏe. Trong một cuộc khảo sát của Tổ chức Y tế Thế giới về sức khỏe và biến đổi khí hậu năm 2021, chỉ 45 trong số 91 quốc gia được khảo sát (49%) cho biết họ có kế hoạch hoặc chiến lược về sức khỏe và biến đổi khí hậu quốc gia. Chỉ có 8 trong số 45 quốc gia đó báo cáo rằng đánh giá của họ về tác động của biến đổi khí hậu đối với sức khỏe công dân đã cho thấy sự ảnh hưởng đến phân bố dân cư và phân bổ nguồn tài chính. Cuộc khảo sát cho thấy 69% quốc gia cho biết không có đủ nguồn lực tài chính là một rào cản để thực hiện các kế hoạch này.

Giáo sư Anthony Costello, Giám đốc Điều hành của The Lancet Countdown cho biết: “Biến đổi khí hậu đang diễn ra và chúng ta đã thấy nó gây hại cho sức khỏe nhân loại trên toàn thế giới. “Khi cuộc khủng hoảng COVID-19 tiếp diễn, tất cả các quốc gia cũng đều phải đối mặt với một số vấn đề của cuộc khủng hoảng khí hậu. Báo cáo năm 2021 cho thấy dân số của 134 quốc gia đã trải qua tình trạng cháy rừng ngày càng tăng.

Hàng triệu nông dân và công nhân xây dựng có thể bị mất thu nhập vì họ không thể làm việc vào một số ngày trời quá nóng. Hạn hán đang diễn ra trên quy mô rộng lớn hơn bao giờ hết. Báo cáo của The Lancet Countdown đánh giá hơn 40 chỉ số và có quá nhiều chỉ số đang ở mức cảnh báo đỏ.

“Nhưng tin tốt là những nỗ lực rất lớn để khởi động nền kinh tế của các quốc gia sau đại dịch có thể được định hướng để đồng thời ứng phó với biến đổi khí hậu và COVID. Chúng ta có một sự lựa chọn. Phục hồi sau COVID-19 có thể sẽ là sự phục hồi xanh, giúp chúng ta cải thiện sức khỏe nhân loại và giảm thiểu tình trạng bất bình đẳng, hoặc đây có thể là một sự phục hồi thông thường, khiến tất cả chúng ta gặp rủi ro”.

Báo cáo cũng thể hiện sự đồng thuận của các nhà nghiên cứu hàng đầu từ 38 viện hàn lâm và các cơ quan của Liên hợp quốc. 44 chỉ số trong báo cáo năm 2021 cho thấy sự gia tăng các tác động tới sức khỏe do biến đổi khí hậu gây ra:

Khả năng bùng phát dịch sốt xuất huyết, bệnh do virut chikungunya và Zika đang gia tăng nhanh, nhất là ở các nước có chỉ số phát triển con người rất cao, bao gồm cả các nước Châu Âu. Điều kiện thích hợp làm lây lan các ca nhiễm sốt rét ngày càng tăng ở các vùng cao nguyên mát mẻ hơn của các quốc gia có chỉ số phát triển con người thấp. Các khu vực xung quanh Bắc Âu và Hoa Kỳ đang dần trở thành điều kiện thuận lợi hơn cho vi khuẩn gây viêm dạ dày ruột, nhiễm trùng vết thương và nhiễm trùng máu nghiêm trọng. Ở các quốc gia có tài nguyên hạn chế, những tác động tương tự đang hủy hoại những tiến bộ trong nhiều thập kỷ nhằm kiểm soát hoặc loại bỏ những căn bệnh này.Có 569,6 triệu người sống ở độ cao dưới 5 mét so với mực nước biển hiện tại, những người này có thể đối mặt với nguy cơ lũ lụt, bão dữ dội hơn và nhiễm mặn đất và nước ngày càng tăng. Nhiều người trong số này có thể bị buộc phải rời khỏi những khu vực sinh sống này vĩnh viễn và di cư sâu hơn vào đất liền.

Maria Romanello, tác giả chính của báo cáo The Lancet Countdown, cho biết: “Đây là báo cáo thứ sáu của chúng tôi nhằm theo dõi tiến bộ về sức khỏe và biến đổi khí hậu và rất tiếc là chúng tôi vẫn chưa nhận thấy sự thay đổi nhanh chóng mà chúng tôi cần. Các xu hướng giảm phát thải, phát triển năng lượng tái tạo và xử lý ô nhiễm cũng chỉ được cải thiện chút ít. Năm nay, chúng ta đã chứng kiến mọi người phải hứng chịu những đợt nắng nóng gay gắt, lũ lụt và cháy rừng gây thương vong. Đây là hồi chuông cảnh báo rằng nếu chúng ta trì hoãn việc ứng phó với biến đổi khí hậu mỗi ngàythì tình hình sẽ càng trở nên nghiêm trọng hơn. “Các chính phủ đang chi hàng nghìn tỷ đô la cho việc phục hồi sau đại dịch Covid. Điều này mang lại cho chúng ta cơ hội để lựa chọn một con đường an toàn, lành mạnh, phát thải ít carbon hơn, nhưng chúng ta vẫn chưa làm như vậy. Nếu có 5 đô la sử dụng để phục hồi sau COVID, thì chỉ có ít hơn 1 đô la trong đó được sử dụng để giảm lượng khí thải nhà kính, và tác động tổng thể có thể sẽ tiêu cực. Chúng ta đang phục hồi sau cuộc khủng hoảng sức khỏe, nhưng theo cách khiến chúng ta gặp nguy hiểm hơn.

“Đã đến lúc nhận ra rằng không ai được an toàn trước tác động của biến đổi khí hậu. Khi chúng ta hồi phục sau COVID, chúng ta vẫn còn thời gian để đi một con đường khác và tạo ra một tương lai tốt đẹp và mạnh khỏe hơn cho tất cả chúng ta.”

Một thành viên hội đồng biên tập của The Lancet cho biết thêm: “Thế giới đang dõi theo Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (COP26) - Hội nghị được nhiều người coi là cơ hội cuối cùng và tốt nhất để thiết lập lại kế hoạch đưa mức phát thải ròng về không vào năm 2050 trên toàn thế giới - và mối quan tâm của công chúng đối với biến đổi khí hậu đang cao hơn bao giờ hết, một phần là do tinh thần tích cực và sự tham gia của giới trẻ toàn cầu… Các chỉ số của năm nay cho thấy những viễn cảnh xấu: bất bình đẳng trên phạm vi toàn cầu đang gia tăng, và phương hướng phát triển đang làm sức khỏe nhân loại xấu đi. Dịch vụ y tế ở các nước thu nhập thấp và thu nhập trung bình đang cần được khẩn trương củng cố… Tuy nhiên, tương lai không hẳn là vô vọng…không thể đầu hàng trước tình đáng báo động về khí hậu.”

Báo cáo cho biết: Trong khi thế giới thất bại trong việc cung cấp nguồn cung vắc xin COVID một cách công bằng, dữ liệu trong báo cáo này cho thấy những điều bất bình đẳng tương tự đối với biến đổi khí hậu trên toàn cầu. Nhìn chung, các quốc gia có chỉ số phát triển con người thấp nhất thường ít làm gia tăng phát thải khí nhà kính và đang tụt hậu trong các nỗ lực thích ứng và giảm thiểu biến đổi khí hậu, cũng như trong việc nhận thức các lợi ích sức khỏe liên quan tới quá trình phi cacbon hoá nhanh chóng.

Vào năm 2020, có tới 19% diện tích đất liền trên thế giới bị ảnh hưởng bởi hạn hán khắc nghiệt trong bất kỳ tháng nào, trong khi trong giai đoạn 1950 - 1999 con số này không vượt quá 13%.

Biến đổi khí hậu đang làm gia tăng tần suất, cường độ và thời gian của các đợt hạn hán, đe dọa an ninh nguồn nước, vệ sinh môi trường và năng suất lương thực, đồng thời làm tăng nguy cơ cháy rừng và hiểm hoạ từ các chất gây ô nhiễm. Sau năm 2015 là thời kỳ có nhiều khu vực bị ảnh hưởng bởi hạn hán khắc nghiệt nhất tính theo giai đoạn 5 năm. Khu vực Sừng châu Phi, nơi liên tiếp bị ảnh hưởng bởi hạn hán khắc nghiệt và mất an ninh lương thực, là một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất vào năm 2020.

Biến đổi khí hậu đe dọa làm trầm trọng thêm tình trạng mất an ninh lương thực, vốn đã ảnh hưởng đến 2 tỷ người vào năm 2019. Nhiệt độ tăng cao rút ngắn thời gian sinh trưởng của thực vật, điều này đồng nghĩa với năng suất suy giảm và khiến hệ thống lương thực của chúng ta ngày càng quá tải. Năng suất tiềm năng của ngô giảm 6%, lúa mì giảm 3% và gạo giảm 1,8% so với các mức năng suất tiềm năng giai đoạn 1981 - 2010.

Nhiệt độ bề mặt biển trung bình đã tăng lên ở vùng lãnh hải của gần 70% (95 trên 136) các quốc gia ven biển được phân tích, so với giai đoạn 2003-2005. Điều này phản ánh mối đe dọa ngày càng tăng đối với việc đảm bảo nguồn cung cấp hải sản của các quốc gia này. Trên thế giới có 3,3 tỷ người phụ thuộc vào nguồn thực phẩm từ biển.

Năm 2021, Tổ chức Y tế Thế giới cho biết chỉ có hơn một nửa số quốc gia từng tham gia Khảo sát toàn cầu về Y tế và Biến đổi Khí hậu (37 trên 70 quốc gia), có chiến lược quốc gia về y tế và biến đổi khí hậu, tương tự với tỷ lệ hồi năm 2018. Gần 3/4 trong số các quốc gia được khảo sát cho biết rào cản tài chính đã ngăn cản họ phát triển một chiến lược như vậy, trong khi các quốc gia khác viện lý do rằng họ thiếu những người có kỹ năng, bị hạn chế bởi COVID hoặc thiếu nghiên cứu và bằng chứng.

Trên toàn thế giới, kinh phí đầu tư dành cho các hệ thống y tế nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu chỉ chiếm 0,3% tổng kinh phí dành cho hành động thích ứng với biến đổi khí hậu.

• Báo cáo thường niên lần thứ sáu của The Lancet Countdown theo dõi 44 chỉ số về tác động sức khỏe có liên quan trực tiếp đến biến đổi khí hậu - và cho thấy các xu hướng chính đang trở nên tồi tệ hơn và làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng xã hội và sức khỏe vốn đã tồn tại.

• Các nhà lãnh đạo toàn cầu có cơ hội triển khai các hành động và chính sách nhằm giải quyết những vấn đề bất bình đẳng nghiêm trọng này, cải thiện sức khỏe người dân và đưa ra các kế hoạch phục hồi kinh tế và môi trường bền vững trong đại dịch COVID-19.

• Các quốc gia cần phải cam kết thực hiện các kế hoạch khí hậu tham vọng hơn kết hợp công bằng y tế và bảo trợ xã hội để đảm bảo một tương lai tốt hơn cho tất cả mọi người.

 
Mạnh Hùng

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN