Sửa quy định rút BHXH một lần: Đảm bảo hài hoà giữa nhu cầu trước mắt và lợi ích lâu dài của người lao động
(ĐCSVN) - Ban soạn thảo Dự án Luật BHXH (sửa đổi) đã lật đi, lật lại vấn đề, xem xét nhiều khía cạnh gắn với thực tiễn tình hình kinh tế, xã hội để đưa ra thêm một phương án quy định người lao động được rút tối đa không quá 50% thời gian tham gia. Đây là phương án hài hòa giữa nhu cầu trước mắt và lợi ích lâu dài của người lao động.
Đây là thông tin được Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Lê Hùng Sơn chia sẻ tại phiên họp toàn thể lần thứ 9 của Ủy ban Xã hội ngày 8/5,.
Tại phiên họp này, bà Nguyễn Thị Thu Hà- Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, các số liệu thống kê cho thấy tỷ lệ lao động nữ chiếm rất cao. Trong các nghiên cứu, người lao động rút tiền để giải quyết những vấn đề tài chính cần thiết, cấp bách. Dưới góc độ chính sách, đây là vấn đề xã hội rất lớn. Vì vậy, Bộ LĐ-TB&XH cần đánh giá tác động về giới một cách thấu đáo; liên quan đến chính sách nên tính cách hỗ trợ để người lao động đảm bảo an ninh thu nhập trong trường hợp cần thiết.
Quang cảnh phiên họp |
Cũng về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thị Như Ý (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai) cho rằng, vấn đề rút BHXH một lần là tình trạng chung trên cả nước cũng như ở Đồng Nai. Chính vì vậy, Đồng Nai tiếp tục tuyên truyền, phân tích cụ thể để người lao động thấy được những thiệt thòi khi rút BHXH một lần so với việc chờ để nhận lương hưu khi hết tuổi lao động. Bên cạnh đó, thời gian qua, người lao động nghe thông tin trong thời gian tới sẽ thay đổi chính sách; người lao động sợ bị ảnh hưởng quyền lợi nên nhiều người đã rút BHXH một lần. Chính vì vậy, thời gian tới, Chính phủ, Quốc hội cũng như các Bộ ngành cần có giải pháp thiết thực hơn cho vấn đề này.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hoàng Mai- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho rằng, quan trọng nhất hiện nay là phải có giải pháp để hạn chế tình trạng người lao động rút BHXH một lần chứ không phải nêu thực trạng vấn đề. Hiện nay, Việt Nam đang thu hút đầu tư, các doanh nghiệp đang thu hút lao động chân tay vào làm việc. Thế nhưng tại sao các nước không có câu chuyện người ở độ tuổi 45 đã rời hệ thống quan hệ lao động chính thức, nhất là lao động ngành da giày, dệt may - nơi thu hút nhiều lao động nữ. “Các đồng chí có thể tuyên truyền, kêu gọi nhưng tôi phải khẳng định 100% công nhân mong muốn rút BHXH một lần vì ở độ tuổi 45 lao động đã bị đẩy ra khỏi hệ thống quan hệ lao động và người lao động muốn có khoản tiền không phải để giải quyết ngay những khó khăn trước mắt mà mong muốn có khoản tiền để làm ăn - đấy là thực tế. Chúng ta phải suy nghĩ về vấn đề này và làm sao để người lao động có sự kết nối, định hướng trong quan hệ lao động chính thức. Nếu để lao động phải nghỉ việc như hiện nay thì chắc chắn người lao động sẽ rời hệ thống BHXH nhiều. Câu chuyện này phải đặt ra từ bây giờ để xử lý trong Luật BHXH (sửa đổi) sắp tới. Tôi tin rằng, người công nhân rất hiểu lợi ích tham gia BHXH, được ở lại hệ thống BHXH trong dài hạn”- ông Mai phân tích.
Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Lê Hùng Sơn |
Thông tin thêm về vấn đề này, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Lê Hùng Sơn cho biết, hiện cả nước có 17,1 triệu người tham gia BHXH, trong đó có 51,2% là lao động nữ. Theo số liệu thống kê từ 2016- 2022, số người rút BHXH một lần là 4,84 triệu người, trong đó có 1,24 triệu người sau khi rút BHXH quay trở lại hệ thống. Như vậy, còn 72,3% người hưởng BHXH một lần nhưng không thấy quay lại đóng BHXH. Đáng chú ý, trong số những người rút BHXH một lần, có 55% là lao động nữ. Điều này do gánh nặng cơm, áo, gạo tiền đè lên vai người phụ nữ nặng hơn. Nhiều doanh nghiệp FDI tìm cách không dùng lao động nữ ngoài 30 tuổi và đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng rút BHXH một lần.
Nêu rõ thực trạng trên phụ thuộc vào tình hình kinh tế, việc làm, thu nhập, song ông Lê Hùng Sơn cho biết, qua nghiên cứu cho thấy một phần nguyên nhân của việc rút BHXH một lần phụ thuộc vào nếp sống, đặc trưng vùng miền. Đơn cử, nếu khu vực Đồng bằng sông Hồng chỉ có 2,23% số người tham gia BHXH rút một lần, thì miền Đông Nam Bộ có 5,01% rút một lần và vùng Đồng bằng sông Cửu Long là 10,76%. Đặc biệt, qua khảo sát, BHXH Việt Nam nhận định, lao động từ 20- 30 tuổi chiếm 41,52% tổng số người rút BHXH một lần và lao động từ 30- 40 tuổi chiếm 38,6%.
"Trong 4 tháng đầu năm 2023, số người rút BHXH một lần là 369.800 người, tăng hơn 20% so với cùng kỷ. Nguyên nhân việc này một phần do áp lực về kinh tế, mất việc, phần khác do tâm lý của người lao động trước thông tin sửa đổi quy định về rút BHXH một lần. Và tiêu biểu của tình trạng này là tại TP Thủ Đức, huyện Hóc Môn (TP. HCM), người lao động xếp hàng chờ rút BHXH một lần”- ông Lê Hùng Sơn thông tin.
Cũng theo Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, Ban soạn thảo Dự án Luật BHXH (sửa đổi) đã lật đi, lật lại vấn đề, xem xét nhiều khía cạnh gắn với thực tiễn tình hình kinh tế, xã hội để đưa ra thêm một phương án quy định người lao động được rút tối đa không quá 50% thời gian tham gia. Đây là phương án hài hòa giữa nhu cầu trước mắt và lợi ích lâu dài của người lao động. Tuy nhiên, người lao động truyền tai nhau, thông tin không đầy đủ dẫn đến tâm lý lo sợ chính sách thay đổi. “Hiện nay, trong 22% tiền lương dùng để đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất hàng tháng, chủ sửa dụng lao động đóng 14%, người lao động chỉ đóng 8%. Theo nguyên lý thiết kế này, 14% chủ sử dụng lao động đóng BHXH đã chiết khấu vào giá thành của sản phẩm hàng hóa; khi tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa, xã hội chấp nhận bỏ tiền trả cho quyền lợi này, một phần vì người lao động, một phần vì an sinh xã hội nói chung”- ông Sơn phân tích thêm./.