Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Sửa Luật Đất đai: Làm rõ trường hợp đền bù bằng nhà ở khi thu hồi đất nông nghiệp

Thứ Sáu, 07/04/2023 14:49 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Đại biểu Nguyễn Quang Huân (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương) đề nghị giải trình lý do bồi thường bằng nhà ở khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân được đề xuất tại dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Tiếp tục chương trình làm việc, sáng 07/4, tại Nhà Quốc hội, Hội nghị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) chuyên trách tiếp tục xem xét, cho ý kiến về một số vấn đề lớn cần xin ý kiến của dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Vì sao đền bù bằng nhà ở khi thu hồi đất nông nghiệp?

Đại biểu Nguyễn Quang Huân (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương)  

Đại biểu Nguyễn Quang Huân (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương) đánh giá cao ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra đã tiếp thu hơn 11,6 triệu ý kiến của nhân dân. Tuy nhiên, theo đại biểu nhìn nhận có một số điểm tại trong phiên bản cũ rất tốt mà dự thảo mới nhất đã bỏ. 

Đại biểu chỉ rõ, tại dự luật trước về nguyên tắc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất có nguyên tắc người bị thu hồi phải có cuộc sống bằng, tốt hơn trước khi di dời. Đại biểu cho rằng, điều này rất nhân văn, và hoàn toàn khả thi, bởi để đánh giá cuộc sống tốt hơn không chỉ dựa vào thu nhập, mà còn dựa trên nhiều tiêu chí. “Có người sống ở ven sông, thu nhập đang tốt nhưng di dời vào đất liền làm vườn nuôi trồng có thể thu nhập không bằng nhưng cuộc sống lại ổn định hơn, con cái được đi học…” - đại biểu ví dụ.

Vấn đề khác, theo đại biểu là về nguyên tắc đền bù theo giá thị trường. Đại biểu cho biết, khi mang ra tranh luận có rất nhiều ý kiến vì dùng từ đền bù theo giá thị trường nên rất khó xác định. Đại biểu chỉ rõ, “Nghị quyết 18 xác định đền bù theo nguyên tắc thị trường, cái này khác với giá thị trường, và cũng rất phù hợp một số tổ chức quốc tế dùng cách đền bù tiếp cận giá thị trường, chứ cũng không nói chính xác theo giá thị trường”.

Đại biểu cho rằng hai điểm này rất tốt, hoàn toàn khả thi, đã có cơ sở thực tiễn nhiều năm và Nghị quyết 18 đã lý luận hoá. “Nhiệm vụ của chúng ta là thể chế hoá lý luận này để quay trở lại với thực tiễn, không nên vì nhiều ý kiến tranh luận mà bỏ khỏi luật” - đại biểu đề nghị.

Bên cạnh đó, đại biểu nêu rõ, Điều 91 trong dự thảo luật có quy định về việc bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân. Theo đó, có 4 cách bồi thường khi thu hồi đất nông nghiệp bao gồm: Bồi thường bằng đất nông nghiệp, hoặc bằng tiền, hoặc bằng đất có mục đích sử dụng khác với loại đất thu hồi, hoặc bằng nhà ở nếu người có đất bị thu hồi có nhu cầu và địa phương có điều kiện về quỹ đất, quỹ nhà ở. Đại biểu cho rằng cần giải trình rõ lý do bồi thường đất nông nghiệp bằng nhà ở. 

Đối với quy định bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp của tổ chức kinh tế, cộng đồng dân cư, tổ chức tôn giáo quy định, cộng đồng dân cư, tổ chức tôn giáo đang sử dụng đất nông nghiệp khi Nhà nước thu hồi đất mà có đủ điều kiện được bồi thường quy định thì được bồi thường về đất theo quy định của Chính phủ. Đại biểu cho rằng, cần bổ sung nội dung về hỗ trợ sinh kế để đảm bảo nguyên tắc giá thị trường, đồng thời lưu ý nơi ở phải được nhận, được đền bù trước khi di dời. Ngoài ra, cần có điều khoản quy định hợp lý, khả thi để tránh hiện tượng nhà quá mỏng trên mặt phố.

Giá đất ghi trên các hợp đồng chuyển nhượng chênh lệch giá trị bảng giá đất được ban hành
 Đại biểu Tạ Thị Yên (Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên)

Góp ý tại hội nghị, đại biểu Tạ Thị Yên (Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên) bày tỏ đồng tình và đánh giá cao nỗ lực, cố gắng của Ban soạn thảo trong việc nghiên cứu tiếp thu ý kiến của cơ quan thẩm tra, ý kiến đại biểu Quốc hội, các ý kiến góp ý của chuyên gia và Nhân dân để chỉnh lý dự thảo luật lần này. Đại biểu ghi nhận dự thảo Luật thực sự đã có nhiều thay đổi nhằm khắc phục những hạn chế vướng mắc trong thực tiễn, để phát huy nguồn lực đất đai cho phát triển. 

Tuy nhiên vấn đề chính sách, đại biểu Tạ Thị Yên đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu tại Chương 11 về tài chính đất đai, giá đất. Đây là vấn để khó, phức tạp để có thể xác định giá đất sát với giá thị trường do bản thân yếu tố thị trường luôn biến động. Đại biểu bày tỏ cơ bản đồng tình với các nguyên tắc xác định trong luật song vẫn còn có những băn khoăn.

Đại biểu Tạ Thị Yên nêu rõ, nếu coi giá đất được ghi trong hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đã được công chứng, chứng thực là một trong những thông tin đầu vào để xác định giá đất theo các phương pháp định giá đất quy định tại khoản 3 thì khó có thể chính xác đảm bảo nguyên tắc là xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường. Thực tế cho thấy, giá đất ghi trên các hợp đồng chuyển nhượng, kể cả công chứng thường có sự chênh lệch bằng hoặc là thấp hơn giá trị bảng giá đất được ban hành. Do đó, đại biểu Tạ Thị Yên đề nghị nên coi kết quả xác định giá đất do tổ chức tư vấn định giá đất thực hiện là một trong những căn cứ để cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xem xét quyết định giá đất quy định tại khoản 4 Điều 150. Đây cũng là một trong những thông tin đầu vào của việc xác định giá đất.

Mặt khác, với việc dự thảo Luật có đề cập đến cụm từ tập trung hay tích tụ đất nông nghiệp, đại biểu Tạ Thị Yên cho rằng đây là vấn đề lớn, cần có sự phân tích, làm rõ sự khác biệt giữa hai khái niệm. Theo đại biểu, chỉ nên dùng một khái niệm bởi mục đích hướng đến đều nhằm tăng quy mô diện tích đất sử dụng cho mục đích nông nghiệp. 

Về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, đại biểu Tạ Thị Yên bày tỏ thống nhất với quy định của dự thảo Luật và đề nghị làm rõ việc sử dụng ngân sách nhà nước như một phương thức hỗ trợ người dân sau khi di dời, tái định cư có việc làm thu nhập, điều kiện sống tốt hơn trước. Bởi đại biểu cho rằng, Nhà nước sẽ còn thu được ngân sách trong suốt vòng đời của dự án sử dụng diện tích đất đó từ doanh nghiệp phát triển dự án hay doanh nghiệp sử dụng đất.

Về đất sử dụng vào mục đích kinh doanh thương mại được hình thành từ việc lấn biển, đại biểu Tạ Thị Yên cho biết thực tế hiện nay đã có một số địa phương cho phép doanh nghiệp lấn biển làm các công trình cảng, kho chứa, hình thành các khu đô thị du lịch và dự báo xu thế này có thể gia tăng trong thời gian tới do lợi ích của việc lấn biển mang lại. Do đó đại biểu cho rằng nên hình thành quy định chặt chẽ về vấn đề này.

Ngoài ra, đại biểu Tạ Thị Yên cũng đề nghị quy định đối với đất có nguồn gốc nông lâm trường cần phải xác định đây là đất công thuộc diện dự trữ quốc gia nên ưu tiên để dành cho các mục đích công cộng.

Đại biểu Tạ Thị Yên cũng lưu ý trong nguyên tắc áp dụng pháp luật để có thể vận hành thông suốt trong thực tiễn, cần chú ý tới tính thống nhất đồng bộ khả thi của Luật Đất đai, sửa đổi với hệ thống pháp luật có liên quan như Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, pháp luật về xây dựng, quy hoạch, đấu thầu, kết cấu hạ tầng quản lý công sản.

Chưa có quy định riêng về đất di tích, di sản

Hội nghị ĐBQH chuyên trách sáng 07/4. 

Góp ý về đất di tích, di sản, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình) cho biết đất di tích, di sản có giá trị vô cùng quý giá vì là nơi tọa lạc các di tích, di sản mang tầm quốc tế, khu vực và quốc gia. Đây là những viên ngọc quý trong kho tàng văn hóa truyền thống của dân tộc cần được bảo tồn, giữ gìn, phát huy giá trị trong công cuộc phát triển đất nước đặt trong bối cảnh toàn cầu hóa mạnh mẽ. Muốn vậy, việc quản lý và sử dụng đất di tích, di sản phải được thực hiện dựa trên hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ, thống nhất mà trước hết là Luật Đất đai. Tuy nhiên, trong Luật Đất đai hiện hành, loại đất này chưa được định danh giải nghĩa riêng chính thức mà được xếp vào nhóm đất phi nông nghiệp. Luật hiện hành cũng không có quy định riêng về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất này. 

“Với hiện trạng quy định này thì khung pháp lý về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất có di tích chưa chi tiết cụ thể, chưa tạo cơ sở pháp ý đầy đủ vững chắc đầy đủ cho việc sử dụng loại đất này” - đại biểu phát biểu.

Tại dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này cũng không có định nghĩa về loại đất di tích, di sản và cũng không có quy định riêng về quy hoạch, kế hoạch sử dụng loại đất đặc thù này, mà mới chỉ đặt ra yêu cầu bảo vệ, tôn tạo di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh.

Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh đề nghị bổ sung vào Điều 3 về giải thích từ ngữ trong dự thảo luật, khái niệm về đất có di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, di sản thiên nhiên. Bên cạnh đó, cần có quy định riêng về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đối với loại đất này. Việc quy hoạch sử dụng đất cần xác định rõ vùng lõi, vùng phụ cận lõi và vùng bao quanh bên ngoài di tích, di sản để có quy định chế độ bảo vệ di tích, di sản tích hợp lồng ghép trong việc quản lý và sử dụng loại đất này. Cụ thể, đối với vùng lõi của di tích, di sản và vùng phụ cận lõi di tích, di sản nghiêm cấm mọi hành vi xâm phạm sử dụng đất sai mục đích vùng bao quanh, bên ngoài di tích, di sản được sử dụng đất nhưng không được làm ảnh hưởng đến việc bảo vệ di tích, di sản.

Đại biểu cũng nêu thực tế ở Ninh Bình hiện nay có Tràng An là di sản được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thiên nhiên thế giới. Đây là di sản hỗn hợp, vừa là di sản văn hóa, vừa là di sản thiên nhiên thế giới đầu tiên của khu vực Đông Nam Á. Hiện nay người dân trong khu vực vùng lõi di tích, di sản gặp khó khăn về nhà, đặc biệt là những hộ dân cần tách hộ cho các thế hệ sau. Từ thực tiễn, đại biểu đề nghị trong Luật Đất đai sửa đổi cần có quy định cụ thể hơn về sử dụng đất của các hộ gia đình, cá nhân trong khu vực di sản, cho phép chuyển đổi một số diện tích nhất định, đất vườn, ao sang đất ở trong khu dân cư tập trung của di sản...

Ngoài ra, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh cũng đề nghị có quy định riêng về đất khu du lịch, di sản để có chế độ quản lý, sử dụng đất đai riêng phù hợp với đặc thù của loại đất này./.

Minh Thư

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN