Sửa Luật Đất đai: Đảm bảo hài hoà lợi ích của nhà nước, người dân và doanh nghiệp
(ĐCSVN) - Các đại biểu Quốc hội đánh giá dự án Luật Đất đai (sửa đổi) là dự án luật rất khó, quan trọng, có tác động đến toàn dân; đồng tình về sự cần thiết sửa đổi Luật với quan điểm xuyên suốt khi sửa Luật là đảm bảo được hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.
Sáng 3/11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
Nhiều đại biểu tán thành sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Đất đai nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, đặc biệt là các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đặt ra trong Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao” (sau đây gọi là Nghị quyết số 18-NQ/TW.
Đồng thời khẳng định đây là một đạo luật quan trọng, phức tạp, giữ vai trò căn bản trong hệ thống pháp luật về đất đai, có mối quan hệ và ảnh hưởng sâu sắc đến việc thực thi các chính sách quy định trong rất nhiều luật khác, tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế-xã hội, tới tất cả các tổ chức và từng người dân.
Làm rõ nội hàm sở hữu toàn dân
Đại biểu Trần Công Phàn (đoàn Bình Dương). Ảnh: Phạm Thắng |
Góp ý vào những vấn đề cụ thể, đại biểu Trần Công Phàn (đoàn Bình Dương) nhấn mạnh, luật liên quan tới 112 bộ luật khác nhau, rất nhiều lĩnh vực trong thực tế hiện nay nên việc thực thi liên quan đến nhiều vấn đề, ngay cả vấn đề tranh chấp xuống cấp đạo đức, các vụ án, các vụ kiện dân sự, kiện về kinh tế trong vụ án dân sự, vụ án kinh tế, hình sự là có nguồn từ đất đai.
Có hai vấn đề theo đại biểu cần làm rõ. Đầu tiên đại biểu đề nghị làm rõ nội hàm sở hữu của toàn dân và quyền đại diện quyền sở hữu nhà nước như thế nào.
Đại biểu phân tích, chúng ta khẳng định đất đai là sở hữu toàn dân nhưng đại diện sở hữu là nhà nước, mà đã nói về sở hữu thì có quyền chiếm hữu, quyền sử dụng, quyền định đoạt là của toàn dân. “Nhưng trong thực tế chúng ta thấy rằng là khó toàn dân, sở hữu nhưng có khi quyết vấn đề bán đất, đổi đất chỉ mấy người quyết” - đại biểu nói.
Đề nghị tính kỹ và phải quy định rõ về sở hữu toàn dân và nhà nước, đại diện quyền sở hữu thì đại diện đến đâu, Nhà nước quyền đến đâu, nhà nước ở trung ương, tỉnh, huyện, hay xã/phường cũng có thể bán đất, thay đổi đất? đại biểu nhấn mạnh, “phải tính kỹ và phải quy định rõ”, chứ bây giờ thực tế nói vậy nhưng đó chỉ là khẩu hiệu.
Vấn đề khác theo đại biểu, khi sửa luật chúng ta có mong muốn đảm bảo công bằng lợi ích giữa người dân, nhà nước và doanh nghiệp thì cần phải tính để đảm bảo hài hoà. Chẳng hạn, hiện nay khi làm đường phố, làm con đường mới thì cần giải toả. Từ đó xảy ra vấn đề, người đang ở mặt đường giá đất cao thì vào chỗ đất tái định cư có giá trị không tương xứng, không bằng người đang có đất ở trong giá trị thấp thì khi giải toả lại ra ngoài mặt đường.
Chỉ ra thực tế, ở nhiều nước người dân đang ở trong muốn ra ngoài sẽ phải nộp tiền chênh lệch, đại biểu cho rằng đây là vấn đề phải tính để đảm bảo cân đối lợi ích của các đối tượng này.
Theo đại biểu, quyền sở hữu, quyền sử dụng, khung giá đất là những vấn đề cần giải quyết ngay từ đầu, nếu không giải quyết được gốc gác thì việc sửa cũng chỉ "dừng lại ở mức nào đó, khó thay đổi".
Phát biểu ý kiến, đại biểu Lương Quốc Đoàn (đoàn An Giang) chỉ ra một số vướng mặt hiện hành như chênh lệch địa tô là một trong những vấn đề bức xúc khá lớn, đặc biệt là đối với người dân trong diện và bị thu hồi đất trong quá trình phát triển xây dựng các đô thị. Chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư có những điểm không nhất quán dẫn đến chênh lệch. Vấn đề bảo đảm kế sinh nhai cho người dân, nhiều vùng tái định cư không bảo đảm đời sống cho người dân; việc đền bù, hỗ trợ để người dân có ở nơi ở mới tương đương hoặc tốt hơn nơi ở cũ là rất khó xác định. Do đó, đại biểu đề nghị quan tâm cụ thể đến khảo sát, đánh giá tạo sinh kế cho những người mà bị mất đất, đặc biệt là trong sản xuất.
Một điểm khác được đại biểu đề nghị cần cân nhắc rất kỹ là việc khuyến khích tích tụ tập trung. Theo đại biểu nếu có chính sách tốt thì hoàn toàn có thể giải quyết được vấn đề tập trung đất đai để đảm bảo quyền lợi cho người dân, đặc biệt là người nông dân, nhưng nếu khuyến khích tích tụ đất đai thì có thể sẽ rơi vào một số người có khả năng về kinh tế và vô hình chung toàn bộ những người nông dân sẽ trở thành người làm thuê.
"5-10 năm nữa khi công nghiệp hoá, hiện đại hoá phát triển, lực lượng công nhân tay nghề thấp không được đào tạo, chủ yếu con em nông dân sẽ quy về nông thôn, không có đất, không có tài sản, không có vốn tích luỹ sẽ gây gáng nặng vô cùng lớn" - đại biểu nói và đề nghị cần tính toán rất kỹ về giới hạn, mức độ được tích tụ.
Lo ngại phát sinh điểm nóng
Với khoảng hơn 30 năm kinh nghiệm về quản lý dự án với vai trò tư vấn cho các dự án Ngân hàng Thế giới, sau này là chủ đầu tư của một số dự án về điện gió, điện mặt trời, cấp thoát nước, đại biểu Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương) cho rằng công tác đền bù giải phóng mặt bằng của Việt Nam là không tốt. Điều này trong báo cáo giám sát của Đoàn giám sát về phòng, chống lãng phí cũng đã nêu nguyên nhân chủ yếu các dự án bị chậm là do giải phóng mặt bằng, có những dự án chậm giải phóng mặt bằng kéo dài 5-10 năm.
Theo đại biểu, cần nghiên cứu xem xét những dự án triển khai trên địa bàn Việt Nam nhưng sử dụng nguồn vốn ODA, nguồn vốn Ngân hàng thế giới thì công tác tái định cư được nghiên cứu ngay từ đầu, chuẩn chỉ trong thời kỳ đầu.
“Chuẩn bị dự án hơi lâu một chút, nếu bình thường chuẩn bị dự án trong 1 năm thì dự án ODA chuẩn bị có thể kéo dài 1,5 năm đến 2 năm nhưng hiện tượng khiếu kiện từ dự án là rất ít vì làm chắc về công tác tái định cư” - đại biểu nói. Đồng thời cho biết, với những dự án của Ngân hàng thế giới, phải có "3 chân kiềng" mới được triển khai gồm báo cáo đánh giá tác động môi trường, báo cáo khả thi và báo cáo tái định cư.
Các đại biểu tại phiên thảo luận tổ (Ảnh: Phạm Thắng) |
Nghiên cứu dự luật, đại biểu nhận thấy có một số chương đề cập đến vấn đề quy hoạch tái định cư. Song, theo đại biểu về quản lý, khai thác sử dụng quỹ đất đã thu hồi – giai đoạn khởi đầu trong quá trình định cư mà thường phát sinh khiếu kiện thì chưa được quy định rõ. "Chúng ta đưa ra luật để mọi người bình đẳng với nhau, các cơ qua công quyền có khuôn pháp lý để dễ dàng thực hiện nhưng lại giao cho Chính phủ quy định chi tiết thì chẳng khác gì với trước" - đại biểu nêu quan điểm và đề nghị phải quy định rõ ngay trong luật.
Đại biểu cũng lo ngại một số quy định về cưỡng chế thực hiện quyết định kiểm đếm bắt buộc và cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất có thể gây bất bình trong nhân dân. Chẳng hạn, theo dự luật, sau 30 ngày phê duyệt quy hoạch thì phải công bố quy hoạch được duyệt nhưng dự luật chưa quy định là từ khi công bố đến bao giờ thì bắt đầu được làm kiểm đếm và tái định cư.
Mặt khác, theo dự luật, tổ chức được giao thực hiện cưỡng chế vận động, thuyết phục, đối thoại với người bị cưỡng chế. Trường hợp người bị cưỡng chế chấp hành quyết định cưỡng chế thì tổ chức được giao thực hiện cưỡng chế lập biên bản ghi nhận sự chấp hành và thực hiện điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm. Cho rằng việc này "rất nguy hiểm", đại biểu lo ngại sẽ có thể phát sinh điểm nóng vì có trường hợp khi vận động nhưng người dân không thể chuyển đến nơi mới vì chưa tìm được công ăn việc làm mới.
Theo đại biểu, dự thảo có quy định về lập, thẩm định, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư nhưng cách thức vẫn theo tư duy từ đầu là "rất vội, gấp, rất nhanh", không đủ thời gian để đánh giá được hết những rủi ro của người dân khi mất đất. Từ đó, đề nghị nên thuê một cơ quan độc lập để tiến hành đánh giá khu vực ảnh hưởng, để đảm bảo thông tin minh bạch, trung thực. Sau đó, báo cáo giải trình với chủ đầu tư, với các cấp chính quyền, lúc đó sẽ tiến hành giải phóng mặt bằng thì sẽ ổn định hơn, tốt hơn.
Ở khía cạnh khác, đại biểu nhận xét quy định về hỗ trợ, đào tạo chuyển đổi nghề còn ghi chung chung. Băn khoăn việc hỗ trợ chuyển đổi nghề có phù hợp với người dân không, đại biểu ví dụ nhiều người dân bị thu hồi đất có thể chỉ học đến lớp 7 nhưng lại đào tạo nghề mà yêu cầu học từ lớp 12 trở lên mà cứ đại trà, ào ào thì sẽ không học được, không làm được. “Điều này tiềm ẩn rủi ro là đưa một lực lượng lớn những người dân bị ảnh hưởng, bị mất đất, mất kế sinh nhai có thể bị nghèo hoá” - đại biểu phát biểu./.