Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Sửa đổi Thông tư 36 sẽ tác động xấu đến bất động sản?

Thứ Sáu, 18/03/2016 02:02 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Để thị trường bất động sản phát triển bền vững, không hình thành “bong bóng” và cũng không trầm lắng, “đóng băng” như những năm trước đây, Ngân hàng Nhà nước cần lắng nghe phản biện từ các Bộ, ngành, hiệp hội và các chuyên gia kinh tế khi sửa đổi Thông tư 36, ngày 20/11/2014.

Ảnh minh họa. (Nguồn: vtc.vn)

Thị trường bất động sản Việt Nam đang phụ thuộc rất lớn vào nguồn vốn ngân hàng và nguồn huy động từ khách hàng, trong đó, vốn cho thị trường bất động sản phần nhiều là từ vốn của ngân hàng.

Để bảo đảm an toàn cho hệ thống tín dụng ngân hàng  và vốn cho vay bất động sản nói riêng, Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến đóng góp dự thảo sửa đổi Thông tư 36 quy định về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đề xuất giảm tỷ lệ sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn từ 60% xuống 40% và tăng hệ số rủi ro đối với thị trường bất động sản từ 150% lên 250%.                                          

Sở dĩ phải sửa đổi Thông tư 36, có lẽ, ngoài việc tiếp tục thực hiện các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, thì Ngân hàng Nhà nước không thể không quan ngại khi tín dụng trung, dài hạn cho bất động sản có dấu hiệu tăng rất nhanh.

Việc đề xuất sửa đổi Thông tư 36 đang  xuất hiện nhiều ý kiến lo ngại, nếu “siết” chặt tín dụng bất động sản quá mức sẽ làm cho thị trường vừa phục hồi lại có nguy cơ trầm lắng, “đóng băng”!

Được biết, cả nước hiện có khoảng 3.980 dự án phát triển đô thị, dự án phát triển nhà ở đang triển khai với nhu cầu vốn đầu tư cần trên 4,4 triệu tỉ đồng, trong đó, lượng vốn vay các ngân hàng chiếm tới 50-60%. Dư nợ tín dụng bất động sản tính đến ngày 31/12/2015 là 392.000 tỉ đồng, chiếm dưới 10% tổng dư nợ của toàn hệ thống ngân hàng.

Có quan điểm cho rằng, thị trường bất động sản hiện nay đang hồi phục tích cực và đang được kiểm soát tốt, chưa có dấu hiệu “sốt nóng” hoặc  “bong bóng”... Điều đó cho thấy, nếu Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh giảm tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn từ 60% xuống 40% và nâng hệ số rủi ro từ 150% lên 250% là quá lớn, sẽ gây đột biến, ảnh hưởng xấu tới thị trường.

Theo kinh nghiệm quốc tế, tỷ lệ sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn và dài hạn không nên quá 60%. Nếu quá 60% sẽ dẫn đến mất cân đối nguồn tài chính của tổ chức cho vay. Để đảm bảo an toàn vốn cho vay trong lĩnh vực bất động sản, nhiều quốc gia trên thế giới thường áp dụng hệ số rủi ro từ 150- 200%.

Để thị trường bất động sản phát triển bền vững, không hình thành “bong bóng” và cũng không rơi vào trầm lắng, “đóng băng” như những năm trước đây, thì Ngân hàng Nhà nước cần lắng nghe phản biện từ các Bộ, ngành, hiệp hội và chuyên gia kinh tế khi sửa đổi Thông tư 36.

Thị trường bất động sản ảnh hưởng đến nhiều thị trường khác, nên chính sách tín dụng ngân hàng phải đảm bảo sự linh hoạt, chặt chẽ, với tầm nhìn dài hạn. Điều đó không ai làm thay được các cơ quan tham mưu và hoạch định chính sách!

 

Đăng Dương

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN