Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Sửa đổi Luật Giao dịch điện tử phù hợp chủ trương của Đảng, Nhà nước

Thứ Hai, 19/09/2022 16:34 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Theo Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh nhất trí với việc sửa đổi Luật Giao dịch điện tử bởi phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước, góp phần thúc đẩy sự phát triển giao dịch điện tử đồng thời tạo tiền đề quan trọng trong việc thúc đẩy Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

 Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh phát biểu tại phiên họp. Ảnh: QH

Tại Phiên họp pháp luật tháng 9/2022 diễn ra sáng ngày 19/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến vào dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi).

Thảo luận tại Phiên họp, đa số các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với việc sửa đổi Luật Giao dịch điện tử năm 2005 và tập trung cho ý kiến các nội dung: Mở rộng phạm vi điều chỉnh, áp dụng của hoạt động giao dịch điện tử tới tất cả các hoạt động của đời sống xã hội; sự tương thích của dự án Luật với các đạo luật khác...

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh nhất trí với việc sửa đổi Luật Giao dịch điện tử bởi phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước, Chính phủ về việc Luật đi vào cuộc sống sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển giao dịch điện tử đồng thời tạo tiền đề quan trọng trong việc thúc đẩy Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

Tuy nhiên, theo Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh, tại thời điểm Luật Giao dịch điện tử năm 2005 được ban hành, do nhiều yếu tố khác nhau, trong đó chủ yếu là do công nghệ chưa sẵn sàng, chưa phổ biến, chưa đáp ứng được yêu cầu đảm bảo an toàn, tin cậy, nên một số loại giao dịch bị loại khỏi phạm vi điều chỉnh của Luật này (bao gồm việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và các bất động sản khác, văn bản về thừa kế, giấy đăng ký kết hôn, quyết định ly hôn, giấy khai sinh, giấy khai tử, hối phiếu và các giấy tờ có giá khác). Việc loại trừ này làm hạn chế việc triển khai ứng dụng giao dịch điện tử, thực hiện chuyển đổi số trong các lĩnh vực thuộc phạm vi kể trên.

Còn dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) mở rộng phạm vi áp dụng của hoạt động giao dịch điện tử tới tất cả các hoạt động của đời sống xã hội đối với các loại giấy tờ, văn bản trên. Để đảm bảo tính khả thi khi Luật có hiệu lực thi hành, Ban soạn thảo dự án Luật cần có thêm đánh giá tác động đến đời sống xã hội khi mở rộng phạm vi điều chỉnh xem có vướng mắc gì không. Việc này là góp phần để khi Luật áp dụng vào thực tiễn cuộc sống thì có thể thực hiện được ngay tới tất cả các vùng miền, đối tượng. Ngoài ra, cũng là tránh trường hợp nếu khi Luật có hiệu lực mà không thực hiện trong thực tiễn thì hệ quả pháp lý và tốn kém về mặt kinh tế rất lớn.

Đóng góp ý kiến về mở rộng phạm vi áp dụng của hoạt động giao dịch điện tử tới tất cả các hoạt động của đời sống xã hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng, khi mở rộng phạm vi thực hiện được những giao dịch điện tử yêu cầu cần có sự đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, công nghệ. Nếu mở rộng phạm vi áp dụng mà hạ tầng công nghệ, kỹ thuật không đồng bộ thì khi áp dụng Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) vào cuộc sống rất khó khả thi.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, ở nhiều nước phát triển không mở rộng hết giao dịch điện tử hết ở các lĩnh vực, trong đó có vấn đề các giao dịch liên quan đất đai. Nếu mở rộng phạm vi thì mở rộng đến đâu, trong thời gian là bao nhiêu năm và phải đảm bảo tính khả thi khi Luật được áp dụng vào thực tiễn cuộc sống. Vì vậy, Ban soạn thảo và thẩm tra dự án Luật cần tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng việc mở rộng phạm vi áp dụng của hoạt động giao dịch điện tử tới tất cả các hoạt động của đời sống xã hội.

Phát biểu tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao Chính phủ, cơ quan thẩm tra đã rất công phu trong việc biên soạn, thẩm định dự án Luật. Vì vậy, dự án Luật đủ điều kiện để tình Quốc hội xem xét, cho ý trong Kỳ họp tới. Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo và thẩm tra cần đề cập rõ hơn về mục đích, quan điểm, sự cần thiết của việc ban hành dự án Luật cũng như cụ thể hóa Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 17/4/2020 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Mặt khác, nhằm đảm bảo chất lượng tốt hơn cho dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), cơ quan soạn thảo dự án Luật cần làm rõ hơn về các quy định quốc tế và việc Việt Nam đã học hỏi, tiếp thu được những gì từ các nước trên thế giới. Xu hướng của giao dịch điện tử như thế nào?

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Khi sửa đổi Luật Giao dịch điện tử phải đảm bảo liên quan đến chuyển đổi số, an toàn thông tin, an ninh mạng; quản lý theo không gian thực như thế nào thì Bộ Thông tin và Truyền thông, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cần phải tính toán, xem xét kỹ lưỡng.

Đặc biệt lưu ý về hạ tầng cơ sở kỹ thuật, công nghệ có đáp ứng được khi mở rộng phạm vi áp dụng của hoạt động giao dịch điện tử tới tất cả các hoạt động của đời sống xã hội. Mặt khác, dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) cũng phải đảm bảo an toàn thông tin, quyền công dân, bí mật riêng tư cho người dân. Người dân không muốn công khai thông tin thì phải đảm bảo an toàn cho họ./.

 

 

Khánh Thi

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN