Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Sửa đổi Luật Dầu khí, góp phần phát triển kinh tế và bảo vệ Tổ quốc

Thứ Sáu, 12/11/2021 17:10 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Hiện bối cảnh quốc tế và trong nước đã có nhiều thay đổi, tác động lớn đến sự phát triển của ngành Dầu khí Việt Nam. Việc sửa đổi Luật Dầu khí cho phù hợp với bối cảnh mới là cần thiết.

 Toạ đàm về chủ đề “Sửa đổi Luật Dầu khí để góp phần phát triển kinh tế và bảo vệ Tổ quốc”

Sáng 12/11, tại Hà Nội, Hội Cựu Chiến binh Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) tổ chức toạ đàm về chủ đề “Sửa đổi Luật Dầu khí để góp phần phát triển kinh tế và bảo vệ Tổ quốc”.

Theo Chủ tịch Hội Cựu chiến binh PVN Phạm Quang Dũng, nhân kỷ niệm 60 năm Ngày Truyền thống ngành Dầu khí Việt Nam (27/11/1961-27/11/2021), tọa đàm được tổ chức với mong muốn tuyên truyền, giới thiệu, những nội dung cơ bản về dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi), ghi nhận những đóng góp đối với dự thảo luật, để sau khi ban hành Luật Dầu khí sửa đổi có thể đi vào đời sống kinh tế-xã hội một cách hữu ích và hiệu quả nhất, góp phần quan trọng cho sự nghiệp phát triển kinh tế và bảo vệ Tổ quốc.

Phát biểu đề dẫn Toạ đàm, đồng chí Lê Ngọc Sơn, Phó Tổng giám đốc PVN nêu rõ, trải qua 60 năm hình thành và phát triển, đến nay, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã xây dựng được hệ thống công nghiệp dầu khí hoàn chỉnh, đồng bộ từ tìm kiếm thăm dò khai thác – phát triển công nghiệp khí – điện - chế biến và dịch vụ dầu khí, góp phần quan trọng đảm bảo an ninh năng lượng đất nước. Tập đoàn đã hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả, đóng góp to lớn cho ngân sách, cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tích cực phát huy và thực hiện hiệu quả vai trò là đầu tàu kinh tế của đất nước, là công cụ điều tiết kinh tế vĩ mô của Chính phủ, góp phần quan trọng trong việc bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia trên Biển Đông.

Trong những năm qua đặc biệt là năm 2020, do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 và giá dầu suy giảm đã tác động tiêu cực đến nền kinh tế thế giới cũng như trong nước. Trong bối cảnh hàng loạt các công ty dầu khí lớn trên thế giới đã thua lỗ, phá sản, sa thải công nhân... thì Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tăng trưởng dương và 10 tháng đầu năm 2021, PVN hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, kế hoạch được giao. Phó Tổng giám đốc PVN Lê Ngọc Sơn cho biết.

Phó Tổng giám đốc PVN Lê Ngọc Sơn phát biểu đề dẫn tại tọa đàm 

Cũng theo Phó Tổng giám đốc PVN Lê Ngọc Sơn, thời gian qua, trên cơ sở các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo Đảng, Chính phủ, Bộ Công Thương đã chủ trì, phối đánh giá thực trạng quy định pháp luật và tổng kết thi hành Luật Dầu khí ban hành năm 1993, được sửa đổi, bổ sung vào các năm 2000 và năm 2008. Trong đó, với nguyên tắc xây dựng, sửa đổi bổ sung Luật Dầu khí trên cơ sở 6 nhóm chính sách lớn mà Bộ Công Thương trình Chính phủ, trên cơ sở nhận diện các bất cập, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi Luật Dầu khí hiện hành, ngày 19/10/2021 Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã gửi ý kiến cho Bộ Công Thương về Dự thảo Luật Dầu khí sửa đổi với các mục tiêu: Đề xuất các sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện khung pháp lý phù hợp cho hoạt động dầu khí; khôi phục tính hấp dẫn cho môi trường đầu tư trong lĩnh vực dầu khí để thu hút được nguồn vốn đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài; đảm bảo tính logic, đồng bộ, thống nhất giữa các nội dung của Dự thảo Luật Dầu khí sửa đổi.

“Nguyên tắc đặt ra là các nội dung luật pháp về dầu khí giúp cho hoạt động dầu khí trên phạm vi lãnh thổ Việt Nam nói chung và hoạt động của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam nói riêng mang đầy đủ đặc trưng, đặc thù của ngành dầu khí theo thông lệ Quốc tế”, Phó Tổng giám đốc PVN nhấn mạnh.

Phó Tổng giám đốc PVN Lê Ngọc Sơn cho biết, dự thảo Tờ trình Chính phủ đã được đã đăng tải trên website của Chính phủ để xin ý kiến rộng rãi để người dân đóng góp ý kiến theo quy định của pháp luật trong đó có các cơ quan bộ ban ngành đoàn thể trung ương nói chung và Hội CCB nói riêng góp phần phát triển kinh tế đất nước và bảo vệ tổ quốc Việt Nam. Phó Tổng giám đốc PVN Lê Ngọc Sơn mong muốn, qua buổi tọa đàm, Tập đoàn đón nhận nhiều ý kiến, quan điểm xây dựng của các nhà khoa học, các chuyên gia, đại biểu của các bộ ngành Trung ương, quan tâm đến các hoạt động Dầu khí để hiểu hơn về tính đặc thù của hoạt động dầu khí, có đánh giá khách quan, góp ý xác đáng để sau khi ban hành Luật Dầu khí sửa đổi đi vào đời sống kinh tế - xã hội góp phần quan trọng cho sự nghiệp phát triển kinh tế và bảo vệ Tổ quốc.

 TS Lê Xuân Thành, nguyên Vụ trưởng Vụ Công nghiệp, Ban Kinh tế Trung ương, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Hội đồng lý luận Trung ương chia sẻ tại tọa đàm

Trao đổi, thảo luận tại tọa đàm, các đại biểu đều cho rằng, Luật Dầu khí ra đời năm 1993 là mốc quan trọng đánh dấu sự hình thành của hệ thống các văn bản pháp lý về dầu khí và được bổ sung, sửa đổi vào năm 2000 và năm 2008 để từng bước hoàn thiện. Tuy nhiên, bối cảnh quốc tế và trong nước đã có nhiều thay đổi, tác động lớn đến sự phát triển của ngành dầu khí Việt Nam.

Trong quá trình thực hiện hoạt động dầu khí đã phát sinh một số bất cập, vướng mắc chưa được điều chỉnh bởi Luật Dầu khí và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn luật hoặc quy định chưa phù hợp hoặc chưa đồng bộ, chồng chéo với các quy định pháp luật khác. Đáng chú ý, cơ chế triển khai dự án điều hành phi lợi nhuận của ngành Dầu khí… Vì lý do trên, việc xây dựng Luật Dầu khí (sửa đổi) cho phù hợp với bối cảnh mới để loại bỏ các bất cập, vướng mắc phát sinh, đồng thời tạo hành lang pháp lý thuận lợi hơn cho nhà đầu tư, góp phần cải thiện môi trường đầu tư trong lĩnh vực dầu khí là cần thiết.

Chia sẻ tại tọa đàm, TS Lê Xuân Thành, nguyên Vụ trưởng Vụ Công nghiệp, Ban Kinh tế Trung ương, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Hội đồng lý luận Trung ương cho rằng, quá trình phát triển, ngành dầu khí đã xây dựng được hệ thống công nghiệp dầu khí hoàn chỉnh, đồng bộ từ tìm kiếm thăm dò khai thác - phát triển công nghiệp khí - điện - chế biến và dịch vụ dầu khí. Đến nay, ngành dầu khí đã khai thác được 420 triệu tấn dầu và trên 160 tỷ m3 khí đóng góp quan trọng vào ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, ở trong nước một số dầu khí đã qua giai đoạn khai thác đỉnh cao đang trong đà suy giảm sản lượng; các lô dầu khí có tiềm năng thuộc vùng nước sâu, xa bờ hoặc có tính chất phức tạp... Vì vậy, TS Lê Xuân Thành kiến nghị, quá trình Sửa đổi Luật Dầu khí cần chú trọng nghiên cứu đến những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong tất cả các phân ngành, lĩnh vực của dầu khí, đặc biệt là lĩnh vực chuyển đổi số, từng bước làm chủ công nghệ hiện đại, tiến tới tự chủ sản xuất các thiết bị năng lượng. Cùng với đó, xây dựng cơ chế, chính sách đồng bộ, chế tài đủ mạnh và khả thi để khuyến khích đầu tư, sử dụng công nghệ, trang thiết bị tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường. TS Lê Xuân Thành đề xuất có các quy định, kế hoạch dự trữ năng lượng quốc gia kết hợp với các mỏ dầu khí, nhập khẩu năng lượng….

Góp ý tại tại toạ đàm, TS Nguyễn Công Dũng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội CCB Việt Nam, Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh Ban Tuyên giáo Trung ương, Phó Tổng Biên tập Thường trực Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam nhấn mạnh sự cần thiết phải sửa đổi Luật Dầu khí, để tạo hành lang pháp lý phát triển ngành dầu khí vững mạnh. “Phát triển ngành dầu khí vững mạnh đồng nghĩa là vì sự hùng cường của quốc gia, dân tộc” đồng chí Nguyễn Công Dũng khẳng định.

TS Nguyễn Công Dũng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội CCB Việt Nam, Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh Ban Tuyên giáo Trung ương góp ý tại tọa đàm 

Theo TS Nguyễn Công Dũng, Luật Dầu khí hiện tại chỉ quy định giới hạn hoạt động dầu khí ở các khâu tìm kiếm, thăm dò, phát triển mỏ và khai thác dầu khí, đối với các giai đoạn khác như vận chuyển, chế biến, lọc hóa dầu hay liên quan đến công tác mua sắm vật tư thiết bị, thuê dịch vụ phục vụ các hoạt động trên hầu như được điều chỉnh bởi các luật khác. Trong văn bản dưới luật chưa có quy định cụ thể về các lĩnh phi dầu khí… Chính vì vậy, cần có hướng sửa đổi Luật Dầu khí nhằm tăng tính khả thi, hiệu quả khi thực hiện, đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật.

Góp ý dưới góc độ tuyên truyền về dự án Sửa đổi Luật, TS Nguyễn Công Dũng đề xuất Tập đoàn PVN cần có văn bản, báo cáo liên quan đến Sửa đổi Luật Dầu khí để chia sẻ tại hội nghị giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức hàng tuần để các cơ quan báo chí cùng tham gia tuyên truyền sâu đậm, rõ nét về Luật Dầu khí với tinh thần phát triển dầu khí là lợi ích quốc gia dân tộc chứ không phải riêng của ngành dầu khí; cùng với việc thông qua một số cơ quan báo chí để lấy ý đóng góp rộng rãi của các tầng lớp nhân dân, các chuyên gia trong và ngoài nước, thế hệ cán bộ của ngành dầu khí góp ý vào dự thảo Luật Dầu khí…/.

Tin, ảnh: Phạm Cường

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN