Sửa đổi Luật BHXH cần quan tâm đề xuất chính đáng của người lao động
(ĐCSVN) – Phát biểu tại Hội trường Quốc hội, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân - đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương đề nghị sửa đổi Luật cần quan tâm tới đề xuất chính đáng của người lao động.
Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân - đoàn Bình Dương cho ý kiến về quan điểm chỉ đạo xây dựng Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Ảnh: QH |
Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XV mới đây, Quốc hội tiến hành thảo luận về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).
Phát biểu tại Hội trường, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân - đoàn Bình Dương cho ý kiến về quan điểm chỉ đạo xây dựng Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) tại Tờ trình số 527 của Chính phủ tại quan điểm chỉ đạo thứ ba về bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia bảo hiểm xã hội, tạo điều kiện thuận lợi để mọi người lao động được tham gia và thụ hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội.
Đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm, lưu ý đề xuất chính đáng của người lao động là không làm suy giảm hoặc mất đi các quyền lợi về bảo hiểm xã hội mà người lao động đang được thụ hưởng, để người lao động không cảm thấy chịu phần thiệt sau nhiều thay đổi về chính sách gần đây như việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu, tăng thời gian tham gia bảo hiểm xã hội để người tham gia được hưởng mức lương hưu tối đa 75%.
Bên cạnh đó, các chính sách phải phản ánh được tính lịch sử, tâm lý xã hội của các bên tham gia bảo hiểm xã hội, sức khỏe lao động phải dựa trên những căn cứ khoa học và tính thực tiễn, đánh giá kỹ lưỡng, tính toán chi tiết. Phải có dự tính, dự báo để đảm bảo tính khả thi trong thực hiện chính sách và quá trình tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội. Cần thận trọng, xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng các chính sách có ảnh hưởng lớn tới đời sống kinh tế - xã hội như bảo hiểm xã hội một lần, cách tính, mức hưởng, thời gian hưởng các chế độ đối với người lao động chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.
Về các hành vi bị nghiêm cấm, đại biểu cho rằng, bên cạnh 9 nhóm hành vi được quy định tại Điều 8 các hành vi bị nghiêm cấm của dự thảo luật cần bổ sung từ "chiếm đoạt là hành vi bị nghiêm cấm" vào khoản 1 Điều 8 vì thực tế cho thấy một bộ phận người sử dụng lao động đã có hành vi chiếm đoạt tiền đóng bảo hiểm xã hội của người lao động.
Hàng tháng người sử dụng lao động vẫn trích lại phần tỷ lệ mà người lao động phải đóng nhưng lại không đóng cho cơ quan bảo hiểm xã hội, gây ảnh hưởng đến quyền lợi về bảo hiểm xã hội của người lao động.
Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị bổ sung quy định cấm hành vi chậm nộp hồ sơ tham gia, chậm điều chỉnh thông tin tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, không điều chỉnh mức lương đóng bảo hiểm xã hội. Quy định này nhằm bảo vệ người lao động thuộc diện đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc giúp họ tiếp cận, sử dụng các dịch vụ công để có thể biết và giám sát người sử dụng lao động đã đóng bảo hiểm xã hội cho họ hay chưa, mức lương đóng bảo hiểm xã hội có được điều chỉnh theo thời gian hay không.
Về giải pháp giải quyết tình trạng mượn hồ sơ tư pháp của người khác đi làm và tham gia bảo hiểm xã hội, đại biểu cho hay: Vấn đề mượn hồ sơ tư pháp của người khác trước đây khi chưa số hóa dữ liệu dân cư và bảo hiểm xã hội để đi làm và tham gia bảo hiểm xã hội hiện nay chưa được khắc phục triệt để, mặc dù được cơ quan bảo hiểm xã hội ban hành rất nhiều văn bản cảnh báo, lưu ý và thông báo hướng dẫn thủ tục, hồ sơ điều chỉnh.
Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, vì việc làm, vì cuộc sống mà người lao động không điều chỉnh lại hồ sơ thật, vì hồ sơ thật không đủ tuổi, không đủ điều kiện tuyển dụng, sợ bị công ty phát hiện cho thôi việc. Do đó, vẫn còn tồn tại tình trạng trùng lắp và không thể giải quyết chế độ cho người lao động mặc dù họ thực sự là người đóng bảo hiểm xã hội.
Từ ngày 31/5/2022 Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành Công văn số 1767 về việc người lao động mượn hồ sơ người khác để giao kết hợp đồng lao động, theo đó, người lao động mượn hồ sơ của người khác để giao kết hợp đồng lao động là hành vi vi phạm nguyên tắc trung thực, là trường hợp hợp đồng lao động vô hiệu hoàn toàn và thẩm quyền tuyên bố là do tòa án nhân dân. Từ đó đến nay, những trường hợp này bị vướng lại rất nhiều, làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động làm việc và đóng bảo hiểm xã hội.
Từ những thực trạng trên, đại biểu kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo có giải pháp nhân văn hướng dẫn tháo gỡ kịp thời theo hướng đảm bảo quyền lợi và đúng theo nguyên tắc có đóng, có hưởng. Ai đóng người đó hưởng.
Về trợ cấp một lần khi nghỉ hưu, đại biểu phân tích, Khoản 2 Điều 68 dự thảo luật sửa đổi quy định "mức trợ cấp một lần được tính theo số năm đóng bảo hiểm cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ lương hưu 75%, cứ mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội thì được tính bằng 0,5 lần mức lương bình quân đóng bảo hiểm xã hội"; trong khi đó mức hưởng một lần được tính bằng 1,5 tháng bình quân tiền tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng trước 2014 và 2 tháng bình quân tiền đóng bảo hiểm cho những tháng đóng từ năm 2014 trở đi.
Quốc hội tiến hành thảo luận về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Ảnh: QH |
Đại biểu phân tích, thực tế tại Bình Dương cũng như cả nước hiện nay thì số người hưởng lương hưu với tỷ lệ 75% rất ít, chủ yếu là những người làm việc trong các cơ quan nhà nước. Để khuyến khích người lao động gắn bó lâu dài với hệ thống bảo hiểm xã hội, giảm thiểu tình trạng người lao động rút bảo hiểm một lần, đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ nghiên cứu, xem xét nâng mức trợ cấp một lần đối với người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ lương hưu 75%, bằng hai lần mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng bảo hiểm xã hội cao hơn, thay vì 0,5 lần như Luật Bảo hiểm xã hội 2014 và dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đang quy định.
Tranh luận về vấn đề tỷ lệ lương hưu, đại biểu Trần Văn Tuấn - đoàn Bắc Giang cho rằng, quy định như tại dự thảo luật, tỷ lệ tối đa là 75% là hợp lý, phù hợp với thực tiễn cũng như tính chất của lương hưu. Thực tế hiện nay, Việt Nam đang nằm trong nhóm có tỷ lệ lương hưu khá cao.
Tuy nhiên, đại biểu cũng đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu để có quy định bổ sung theo hướng khuyến khích những người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đã đủ điều kiện để hưởng 75% lương hưu nhưng chưa đến tuổi nghỉ hưu, thời gian còn lại nếu tiếp tục tham gia đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện thì sẽ có chính sách ưu đãi, khuyến khích phù hợp.