“Sửa đổi lối làm việc” - văn kiện quan trọng chỉ đạo công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng
(ĐCSVN) - Tháng 10/1947, tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” được Chủ tịch Hồ Chí Minh viết và hoàn thành. 70 năm từ khi ra đời cho đến nay, “Sửa đổi lối làm việc” vẫn là một trong những văn kiện hết sức quan trọng, có tác dụng làm nền tảng tư tưởng, chỉ đạo công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay.
Tại Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Sửa đổi lối làm việc” – Những vấn đề lý luận và thực tiễn do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương tổ chức vừa qua, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng khẳng định, ra đời cách đây 70 năm, “Sửa đổi lối làm việc” vẫn là một trong những văn kiện hết sức quan trọng, có tác dụng làm nền tảng tư tưởng, chỉ đạo công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay. Nghiên cứu, quán triệt sâu sắc những chỉ dẫn quý báu của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tác phẩm sẽ góp phần thiết thực vào thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ.
Tại Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Sửa đổi lối làm việc” – Những vấn đề lý luận và thực tiễn, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng khẳng định, ra đời cách đây 70 năm, tác phẩm vẫn là một trong những văn kiện hết sức quan trọng, có tác dụng làm nền tảng tư tưởng, chỉ đạo công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay - Ảnh: Minh Châu
Đề cập đến 7 vấn đề về lý luận và thực tiễn của tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” trong đó có vấn đề ngăn chặn, đẩy lùi những sai lầm, khuyết điểm của Đảng, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh, trong quan niệm của Hồ Chí Minh, nhận diện và phòng chống nguy cơ suy thoái của đảng cầm quyền là yêu cầu khách quan của sự nghiệp cách mạng, quy luật tồn tại và phát triển của một đảng. Đó vừa là nhiệm vụ cấp bách, trước mắt, vừa là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài để Đảng luôn giữ được bản chất của một đảng chân chính cách mạng, hoàn thành sứ mệnh vẻ vang và to lớn mà dân tộc đã trao cho.
“Sửa đổi lối làm việc” đã thẳng thắn chỉ ra những sai lầm, khuyết điểm từ khi Đảng trở thành đảng cầm quyền. Những khuyết điểm đó có nhiều loại, từ tổng kết thực tiễn lãnh đạo của Đảng, Hồ Chí Minh chỉ ra rằng, có thể chia thành ba hạng: “Khuyết điểm về tư tưởng, tức là bệnh chủ quan”; “Khuyết điểm về sự quan hệ trong Đảng với ngoài Đảng, tức là bệnh hẹp hòi”, “Khuyết điểm về cách nói và cách viết, tức là ba hoa”. Ba khuyết điểm chủ yếu này được biểu hiện thành hàng chục loại khuyết điểm như: lý luận suông, ích kỷ, nể nang, tham lam, lười biếng, kiêu ngạo, thiếu kỷ luật, hữu danh vô thực, kéo bè kéo cánh, xu nịnh a dua… trong đó, đặc biệt là bệnh chủ nghĩa cá nhân – “một thứ vi trùng rất độc, do nó mà sinh ra các thứ bệnh rất nguy hiểm”.
Người khẳng định: “một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”. Bởi lẽ những khuyết điểm, sai lầm là kẻ địch bên trong, còn nguy hiểm hơn kẻ địch bên ngoài và câu kết cùng kẻ địch bên ngoài để chống phá cách mạng. Mặt khác, nếu các tổ chức đảng và các cán bộ, đảng viên không kiên quyết sửa chữa khuyết điểm thì cũng như người giấu giếm tật bệnh trong mình, không dám uống thuốc để bệnh ngày càng nặng thêm, làm nguy hiểm đến tính mệnh.
Làm rõ hơn vấn đề này, PGS.TS Phạm Ngọc Anh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phân tích, trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Hồ Chí Minh đặt vấn đề cần thiết phải tiến hành xây dựng, chỉnh đốn Đảng về lý tưởng, tổ chức, phong cách, phương pháp công tác, giúp Đảng rút ra nhiều bài học bổ ích, làm cho Đảng lớn mạnh không ngừng; giúp mỗi cán bộ, đảng viên khắc phục những sai lầm, khuyết điểm.
Theo Hồ Chí Minh, phải thường xuyên kết hợp được xây dựng đạo đức mới đi đôi với đấu tranh chống lại những hiện tượng phi đạo đức, Người ý thức sâu sắc rằng cách mạng là cuộc đấu tranh lâu dài, gian khổ, luôn luôn có những thế lực thù địch chống phá quyết liệt. Kẻ địch thường có ba loại: chủ nghĩa đế quốc; thói quen truyền thống lạc hậu, tư tưởng tiểu tư sản; chủ nghĩa cá nhân.
Suy đến cùng, đạo đức cách mạng mà chúng ta xây dựng là đạo đức tập thể, mình vì mọi người, mọi người vì mình; còn cái phi đạo đức nguy hiểm nhất, trở thành “giặc trong lòng”, “giặc nội xâm” cần phải chống là chủ nghĩa cá nhân dưới mọi hình thức. Hồ Chí Minh xác định chủ nghĩa cá nhân là một loại “vi trùng” độc hại, làm tha hóa các quan hệ vốn có của mỗi đảng viên: với mình thì tự cao, tự đại, tự phụ, kiêu ngạo, lo thu vén lợi ích riêng; trong lãnh đạo, quản lý thì độc đoán, chuyên quyền, quan liêu, thích địa vị, quyền hành; đối với quần chúng thì coi thường, coi khinh. Tóm lại, do cá nhân chủ nghĩa mà cán bộ, đảng viên phạm nhiều sai lầm, cần phải kiên quyết sửa chữa, quét sạch. Đó là một nguy cơ đặc biệt nghiêm trọng của đảng cầm quyền cần phải phòng chống triệt để, PGS.TS Phạm Ngọc Anh khẳng định.
Theo PGS.TS Nguyễn Thế Thắng, Học viện Chính trị khu vực I, lúc bấy giờ trong đời sống chính trị nước ta chưa xuất hiện những khái niệm “suy thoái”, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” song việc Người phân tích sâu sắc nguồn gốc, biểu hiện của các căn bệnh, khuyết điểm, sai lầm của cán bộ, đảng viên khi đó đã chỉ ra sự giống nhau về bản chất với các biểu hiện “suy thoái”, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ Đảng hiện nay.
Cùng với việc nhận diện các căn bệnh, khuyết điểm, sai lầm của cán bộ, đảng viên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra những phương pháp “trị bệnh cứu người” với tinh thần nghiêm túc, nhân văn sâu sắc. Người nói: người đời ai cũng có khuyết điểm. Có làm việc thì có sai lầm. Chúng ta không sợ có sai lầm và khuyết điểm, chỉ sợ không chịu cố gắng sửa chữa sai lầm và khuyết điểm.
PGS.TS Nguyễn Thế Thắng phân tích, bên cạnh đẩy mạnh phê bình, tự phê bình, tùy theo sai lầm nặng, nhẹ của cán bộ, đảng viên, cần “phải kiên quyết thực hành kỷ luật”, xử phạt cho đúng, mới đảm bảo sự trong sạch vững mạnh của Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Lầm lỗi có việc to, việc nhỏ. Nếu nhất luật không xử phạt thì sẽ mất cả kỷ luật, thì sẽ mở đường cho bọn cố ý phá hoại. Vì vậy, cần phải phân tách rõ ràng cái cớ sai lầm, phải xét kỹ lưỡng việc nặng hay nhẹ, phải dùng xử phạt cho đúng”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là điển hình mẫu mực của việc kết hợp đức trị với pháp trị. Người vừa quan tâm giáo dục, rèn luyện đạo đức cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư cho cán bộ, đảng viên; đồng thời, kiên quyết thi hành kỷ luật những cán bộ, đảng viên mắc sai lầm nghiêm trọng, đúng như Người khẳng định: “Pháp luật phải thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ ấy ở địa vị nào, làm nghề nghiệp gì”.
PGS.TS Nguyễn Thế Thắng cho rằng, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh thể hiện trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” nói riêng cũng như việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh nói chung gắn liền với việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII một cách nghiêm túc, quyết liệt là biện pháp hữu hiệu ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ nhằm làm cho Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh và vững vàng đưa sự nghiệp đổi mới đất nước tiến lên./.