Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Sử dụng Quỹ Khám bệnh, chữa bệnh Bảo hiểm y tế phải tiết kiệm, hiệu quả.

Thứ Tư, 17/07/2019 15:16 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan, địa phương có liên quan nghiêm túc rút kinh nghiệm trong việc sử dụng Quỹ bảo hiểm y tế, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp. (Ảnh: quochoi.vn)

Sáng 17/7, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về việc sử dụng 20% kinh phí kết dư Quỹ Khám bệnh, chữa bệnh Bảo hiểm y tế năm 2015.

11 tỉnh, thành xin kéo dài thời gian thanh toán 


Gỡ vướng thanh toán nguồn kết dư quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (Theo Thời sự VTV1)

Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã thông tin về tình hình sử dụng 20% kinh phí kết dư Quỹ Khám bệnh, chữa bệnh BHYT năm 2015. Bộ trưởng Bộ Tài chính chỉ rõ, từ ngày 01 tháng 01 năm 2015 đến ngày 31 tháng 12 năm 2020, Bảo hiểm xã hội Việt Nam có trách nhiệm hạch toán 80% vào quỹ dự phòng, đồng thời thông báo 20% số kinh phí dành cho khám, chữa bệnh chưa sử dụng hết cho địa phương để sử dụng theo thứ tự ưu tiên sau đây: Hỗ trợ Quỹ Khám bệnh, chữa bệnh cho người nghèo; hỗ trợ mức đóng BHYT cho một số nhóm đối tượng phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương; mua trang thiết bị y tế phù hợp với năng lực, trình độ của cán bộ y tế; mua phương tiện vận chuyển người bệnh ở tuyến huyện; Từ ngày 01 tháng 01 năm 2021, phần kinh phí chưa sử dụng hết được hạch toán toàn bộ vào Quỹ Dự phòng BHYT để điều tiết chung.

Theo báo cáo quyết toán Quỹ BHYT của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, năm 2015 có 38 tỉnh, thành phố và Bộ Quốc phòng có kết dư quỹ KCB BHYT, tổng số là 5.838 tỷ đồng. Theo quy định tại khoản 3, Điều 35 Luật BHYT và điểm b, khoản 4 Điều 6 Nghị định số 105/2014/NĐ-CP, phần 20% được để lại cho địa phương sử dụng là 1.167 tỷ đồng.

Sau khi báo cáo quyết toán Quỹ BHYT được Hội đồng quản lý Bảo hiểm xã hội Việt Nam thông qua, ngày 29 tháng 12 năm 2016, Bảo hiểm xã hội Việt Nam có các văn bản từ số 5329/BHXH-CSYT đến số 5367/BHXH-CSYT thông báo 20% số kinh phí dành cho khám, chữa bệnh chưa sử dụng hết năm 2015 gửi cho từng địa phương. Căn cứ số kinh phí chưa sử dụng hết được sử dụng tại địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tại địa phương xây dựng kế hoạch phân bổ và sử dụng kinh phí trình Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt và báo cáo Hội đồng nhân dân cấp tỉnh theo đúng thứ tự ưu tiên quy định tại điểm a, khoản 3, Điều 35 Luật BHYT.

Trên cơ sở đề nghị của các địa phương, Chính phủ trình UBTVQH cho phép 11 tỉnh, thành phố được kéo dài thời gian thanh toán các khoản mua sắm trang thiết bị y tế, phương tiện vận chuyển người bệnh từ nguồn 20% kết dư quỹ KCB BHYT năm 2015 đến hết ngày 30 tháng 6 năm 2020. Sau thời điểm này, phần kinh phí chưa sử dụng hết được hạch toán vào quỹ dự phòng để điều tiết chung theo quy định của Luật BHYT.

Nghiêm khắc phê bình những địa phương thực hiện chưa nghiêm

Thẩm tra về việc sử dụng 20% kinh phí kết dư Quỹ khám, chữa bệnh Bảo hiểm y tế năm 2015, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết, việc Chính phủ trình cho phép 11 tỉnh, thành phố được kéo dài thời gian thanh toán từ nguồn 20% kết dư Quỹ Khám bệnh, chữa bệnh BHYT là vượt quy định của Luật Bảo hiểm y tế, do đó thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội. Mặt khác, cơ quan thẩm tra cũng đánh giá, đến nay Chính phủ mới báo cáo vấn đề này là rất chậm. Do đó, đề nghị Chính phủ cần chỉ đạo các cơ quan và địa phương có liên quan nghiêm túc rút kinh nghiệm.

Về số tiền hơn 518 tỷ đồng chưa thanh toán, Ủy ban Tài chính – Ngân sách cho rằng, về nguyên tắc, sau 12 tháng các địa phương không sử dụng hết sẽ phải chuyển về quỹ dự phòng của Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Tuy nhiên, năm 2017 là năm đầu tiên được sử dụng khoản kết dư này nên các địa phương cũng gặp nhiều khó khăn, dẫn đến  có 11 địa phương chưa hoàn tất việc thanh toán theo quy định. Theo báo cáo của Chính phủ, về cơ bản, các địa phương này đã ký hợp đồng mua sắm, nhiều địa phương đã hoàn thành việc lắp đặt, bàn giao trang thiết bị y tế, phương tiện vận chuyển người bệnh và các tài sản này đã được đưa vào sử dụng phục vụ cho khám, chữa bệnh.

Căn cứ vào tình hình thực tiễn và các lý do xin cho phép kéo dài thời gian thanh toán số kết dư của Quỹ Khám bệnh, chữa bệnh cho 11 địa phương của Chính phủ, đa số ý kiến trong Ủy ban TCNS cho rằng, phần lớn các địa phương trên là các tỉnh khó khăn, vì vậy, đồng ý với đề nghị của Chính phủ cho phép kéo dài thời hạn thanh toán đối với số tiền hơn 518 tỷ đồng đến hết 30/6/2020 và đề nghị UBTVQH yêu cầu Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định vấn đề này tại Kỳ họp thứ 8. 

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Nguyễn Đức Hải đề nghị, Chính phủ chỉ đạo các cơ quan, địa phương có liên quan nghiêm túc rút kinh nghiệm trong việc sử dụng Quỹ bảo hiểm y tế, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả. Trong quá trình quản lý, nếu tiếp tục phát sinh khoản kinh phí còn dư không sử dụng, đề nghị Chính phủ chỉ đạo thực hiện theo đúng quy định là thu hồi, nộp về quỹ dự phòng của Bảo hiểm xã hội Việt Nam để điều tiết chung.

Phát biểu tại phiên họp, nhiều ý kiến nhấn mạnh, vấn đề kỷ cương kỷ luật phải đảm bảo thực hiện một cách nghiêm túc ở tất cả các tỉnh. Các ý kiến cho rằng, cần phải phân tích, xem xét để chỉ ra nguyên nhân do đâu mà tồn tại tình trạng chậm trễ ở 11 tỉnh mà Chính phủ trình cho phép được kéo dài thời gian thanh toán từ nguồn 20% kết dư Quỹ Khám bệnh, chữa bệnh BHYT vượt quy định của Luật Bảo hiểm y tế.

Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chỉ rõ, do đây là vấn đề mua sắm trang thiết bị y tế, phương tiện vận chuyển người bệnh, phục vụ nhân dân, do đó UBTVQH ưu tiên cân nhắc xem xét đảm bảo tính hợp lý, tìm mọi cách tháo gỡ khó khăn; tuy nhiên cần nghiêm khắc phê bình những địa phương làm không đúng; đồng thời làm rõ trách nhiệm quản lý, kiểm tra, đôn đốc về việc này. Theo Chủ tịch Quốc hội, việc thực hiện không nghiêm các quy định của Luật sẽ dễ tạo ra các tiền lệ về sau, do đó đề nghị các cơ quan chủ quản và các bộ ngành có liên quan phải thẳng thắn nhìn nhận vấn đề này./.

Phạm Thanh

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN