Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Sự đổi thay kỳ diệu trên vùng đồng bào dân tộc Mông

Thứ Sáu, 02/07/2021 19:03 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Những năm cuối thập kỷ 80, đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước, thôn Lả Gì Thàng, xã Tả Văn Chư, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai là điểm nóng di cư tự do, khi không ít hộ dân đã bỏ bản di cư sang các tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Đắk Lắk, gây bất ổn về an ninh-chính trị. Còn nay, đây là vùng dược liệu đạt tiêu chuẩn quốc tế đầu tiên trên đất Việt.

Lả Gì Thàng trở thành vùng trọng điểm trồng cây dược liệu cát cánh theo tiêu chuẩn tổ chức y tế thế giới đầu tiên trên Đất Việt.  

Thung lung hoa Cát Cánh thơm ngát hương trái, đậm sắc tím dược liệu

Mùa hạ trên cao nguyên trắng Bắc Hà trước đây vốn được biết đến là mùa trái chín. Nay còn được biết mùa hạ muôn sắc hoa và đặc biệt là từ Trung tâm Du lịch Bắc Hà thơ mộng ngược ngàn lên khoảng 20km về phía Tây Bắc, tới xã Tả Van Chư được ví như một “Sa Pa thu nhỏ” trải nghiệm, khám phá thung lũng hoa Cát Cánh đang mùa nở rộ, trải nhuộm sắc tím trên rẻo cao tại thôn Lả Gì Thàng và đây chính là vùng dược liệu đạt tiêu chuẩn quốc tế trên đất Việt.

Không chỉ tạo ra cây thuốc sạch, thuốc quý, việc trồng Cát Cánh góp phần xóa đói, giảm nghèo, tạo việc làm, tăng thu nhập cho đồng bào dân tộc Mông thôn Lả Gì Thàng, xã Tả Văn Chư. Lợi ích kép từ cây Cát Cánh, ngoài là nguồn dược liệu quý, hai năm trở lại đây, những đồi hoa Cát Cánh trở thành điểm check-in nổi tiếng của Bắc Hà, thu hút du khách trong và ngoài tỉnh đến trải nghiệm.

Trong câu chuyện cởi mở, anh Ngải Seo Phà, Bí thư Chi bộ xã Tả Văn Chư bộc bạch: “Cương vị tôi là một Bí thư Chi bộ, để người dân tin và làm theo, gia đình đã đi đầu chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Ngày xưa chỉ trồng cây ngô, bây giờ đưa vào trồng cây Mận Tả Van, vận động bà con trồng 6 ha, gia đình mình trồng 1 ha. Có nhiều hộ không đăng ký nhưng vẫn trồng mới 7 ha. Phát triển về chăn nuôi, gia đình tôi đã nuôi lợn nái và lợn thịt, 1 năm xuất chuồng 3 lứa lợn thịt, 3 lứa lợn giống. Tôi đã vận động bà con, trực tiếp đến từng hộ hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi lợn, nuôi trâu vỗ béo... Còn trong phát triển cây dược liệu gần đây thì từ vụ Đông xuân năm 2015- 2016, thôn đã trồng thí điểm thành công 1 ha cây dược liệu đương quy và 1 ha cây dược liệu Cát Cánh. Trên cơ sở đó, bản thân và cấp ủy chi bộ đã xây dựng nghị quyết chuyên đề phát triển cây dược liệu triển khai tới bà con. Trong quá trình vận động, trực tiếp thấy, được hưởng lợi ích, thu lãi cao nên khi có chủ trương mở rộng diện tích bà con ai nấy đều đồng tình, kể cả không có hỗ trợ vẫn làm”.

Từ hộ nghèo tới gia đình có “của ăn, của để” của đồng bào dân tộc Mông

 Cánh đồng dược liệu của đồng bào mông thôn Cát Cánh được trồng, chăm sóc bảo vệ theo chuẩn y tế thế giới.

Từ một rồi đến nhiều hộ dân được anh Phà giúp đỡ kinh nghiệm trồng cây Mận Tả Van đặc sản, đặc biệt đối với hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn còn được anh Phà cho cây giống, con giống, hỗ trợ một phần tiền mặt…, các hộ dân đã có điều kiện đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi vươn lên thoát nghèo. Từ đó đã tạo niềm tin cho đồng bào Mông trong thôn hưởng ứng tích cực phong trào thi đua yêu nước, phong trào chuyển dịch cơ cấu cây trồng, giảm nghèo bền vững do thôn, xã triển khai.

Gia đình chị Tráng Thị Ngọc Linh, thôn Lả Gì Thàng được cán bộ huyện, xã mà trực tiếp anh Phà và cấp ủy, chính quyền thôn tuyên truyền, vận động đã hiểu được lợi ích và tình nguyện lựa chọn tham gia mô hình trồng cây Cát Cánh lấy giống của huyện từ vụ Đông xuân 2018- 2019, gia đình chị Linh mạnh dạn trồng gần 1 ha gồm cây Cát Cánh lấy giống và cây dược liệu Đương Quy. Tháng 12-2019 thu hoạch bán được gần 100 triệu đồng. Năm 2020 mặc dù không trong diện được hỗ trợ, cũng như bao hộ khác trong thôn, gia đình chị Linh tự bỏ vốn đầu tư trồng 1 ha, thu gần 100 triệu đồng, năm 2021, gia đình duy trì trồng 1 ha.

Chị Linh chia sẻ: “Vụ đầu trồng thí điểm được một phần hỗ trợ Nhà nước theo dự án song cũng sờ sợ bởi diện tích lớn, mất nhiều công sức song được anh Phà động viên, cán bộ nông nghiệp huyện, khuyến nông xã hướng dẫn. Cuối năm khi thu hoạch lãi cao gấp 5-6 lần trồng ngô lúa. Nhà có của ăn của để, có tiền nên vụ này nhà mình tự đầu tư, có ít hỗ trợ dành cho hộ nghèo khác trong thôn, xã mình”.

Không riêng nhà chị Linh, nhiều hộ dân ở Lả Gì Thàng đều có chung niềm vui thu bạc triệu từ thu hoạch cây dược liệu, cuộc sống ấm no, sung túc hơn và thêm tin yêu Bí thư Chi bộ Ngải Seo Phà, ơn Đảng- Bác Hồ, tin tưởng tuyệt đối  vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương.

Trên con đường đưa chúng tôi thăm thú thung lũng trồng cây dược liệu Cát Cánh, chứng kiến sự đổi thay, không giấu được niềm vui, hân hoan, Bí thư Đảng ủy xã Tả Văn Chư Sùng Seo Vảng nói: "Công lao không nhỏ của anh Phà tạo nên sự đổi thay kì diệu này! Vừa là người uy tín trong cộng đồng, vừa là Bí thư Chi bộ năng động. Đối với bà con, anh luôn quan tâm, đặc biệt là những hộ nghèo, anh cũng sẵn sàng cho vay vốn không lấy lãi, hỗ trợ một phần kinh phí, cho cây, con giống... Đặc biệt đi đầu trồng cây dược liệu và vận động đồng bào Mông trong thôn không trông chờ ỷ lại vào sự đầu tư, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, tự bỏ tiền túi, công sức đầu tư mở rộng diện tích, đưa thôn Lả Gì Thàng trở thành vùng trồng cây dược liệu Cát Cánh theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới đầu tiên, đem lại hiệu quả kinh tế cao, mở ra hướng mới giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống đồng bào Mông địa phương”.

Có niềm tin nơi đồng bào Mông đã tạo động lực giúp bản thân Bí thư Chi bộ Ngải Seo Phà và cấp ủy chi bộ ra nghị quyết và thực hiện thành công việc phát triển vùng trồng cây dược liệu. Nhờ đó đến nay, Lả Gì Thàng trở thành vùng trọng điểm số 1 trồng cây dược liệu cát cánh theo tiêu chuẩn của tổ chức y tế thế giới đầu tiên ở tỉnh biên giới Lào Cai với diện tích trên 30ha/60 ha cây dược liệu cát cánh toàn xã năm 2021. Trên cơ sở một phần hỗ trợ ban đầu của Nhà nước, đến nay 53/53 hộ dân trong thôn đều tham gia trồng và phần lớn các hộ tự bỏ công sức, vốn đầu tư thực hiện, không chông trờ ỷ lại vào sự đầu tư, hỗ trợ của nhà nước. Từ trồng cây dược liệu, đời sống của đồng bào Mông cải thiện, nâng cao. Năm 2020, toàn xã Tả Văn chư thu trên 5,2 tỷ đồng từ cây dược liệu Cát Cánh, trong đó thôn Lả Gì Thàng thu gần 4 tỷ đồng.

Bài, ảnh: KC

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN