Sống động linh vật sư tử và nghê Việt
Thứ Tư, 19/10/2022 09:22 (GMT+0)
(ĐCSVN) – Sư tử và nghê được hình thành trong đời sống dân gian, xuất hiện trong các không gian tín ngưỡng từ đình, chùa, đến đền, miếu, lăng tẩm, từ chốn thôn quê đến cung điện. Những linh vật này được dân gian hóa, phản ánh những góc nhìn văn hóa đa chiều. Trong đó thể hiện đậm nét tư duy cảm thụ mỹ thuật, đời sống tín ngưỡng của người Việt ở nhiều giai đoạn lịch sử.
Mỗi tác phẩm điêu khắc cổ là minh chứng sống động cho những giá trị nghệ thuật điêu khắc cổ Việt Nam, đến nay tại nhiều địa phương trong nước còn lưu giữ được nhiều linh vật sư tử và nghê. Tiêu biểu như hình tượng sư tử chầu ngọc ở chùa Phật Tích (Bắc Ninh) thế kỷ XI; sư tử chùa Bà Tấm (Hà Nội) thế kỷ XI; sư tử cầm ngọc, thế kỷ XIII-XIV; nghê - thế kỷ XVII ở xã Giao Yến (Nam Định); nghê - thế kỷ XVII ở đền vua Lê Thánh Tông (Thanh Hóa); nghê - thế kỷ XVII-XVIII ở chùa Xối Thượng (Nam Định); nghê - thế kỷ XVII-XVIII ở chùa Hành Thiện (Nam Định); nghê - thế kỷ XVII-XVIII ở đền Đồng Lư (Nam Định); nghê - thế kỷ XVIII ở đền Lâu Thượng (Phú Thọ); nghê và lư hương - thế kỷ XIX...
Nhìn ngắm tác phẩm sư tử đá được làm từ thế kỷ XI của chùa Bà Tấm (Hà Nội), mới thấy được các nghệ nhân dân gian xưa đã sáng tạo hình tượng linh vật độc đáo, tỉ mỉ đến từng chi tiết, mang nét uyển chuyển, cân đối, thể hiện triết lý sâu sắc.
Hoặc tác phẩm nghê gỗ của chùa Xối Thượng (Nam Định), thế kỷ XVII-XVIII với những đường nét tinh xảo, trau chuốt từ chiếc râu, lớp vảy, đuôi, mao…làm nổi bật hình tượng uy nghiêm, oai linh của chủ thể sử dụng linh vật. Hay như hình tượng nghê được làm từ chất liệu gỗ (thế kỷ XVII) tại đền vua Lê Thánh Tông (Thanh Hóa) có hình dáng oai vệ nhưng vẫn giữ được những hoa văn, họa tiết đẹp, hiền hòa mang dấu ấn văn hóa Việt Nam.
Những tác phẩm điêu khắc phản ánh nghệ thuật điêu khắc dân gian là kết quả của nỗ lực sáng tạo nghệ thuật, sự tiếp thu chắt lọc tinh hoa văn hóa khác, trên cơ sở bản địa hóa. Hình tượng nghê, sư tử là những nét đẹp của di sản điêu khắc cổ, thể hiện rõ nét năng lực, tài hoa sáng tạo của người Việt. Từ hình thức tạo tác, trang trí trên hình tượng linh vật sư tử và nghê, tới những công năng sử dụng cùng nhiều biến thể đa dạng, sinh động…đã chứa đựng những giá trị tinh thần, thẩm mỹ, biến đổi trong từng giai đoạn lịch sử của dân tộc.
|
Nghê và sư tử là những linh vật xuất hiện sớm, gần gũi với nghệ thuật điêu khắc tôn giáo - của nền văn hóa Việt, in đậm vẻ đẹp dân gian và tín ngưỡng người xưa. |
|
Các mẫu hiện vật sư tử, nghê bằng các chất liệu gỗ, đồng, gốm, đất nung và đá được chế tác trong các thời Lý, Trần, hậu Lê, Nguyễn, sưu tầm từ các đền, đình, chùa trong nước. |
|
Những linh vật được thể hiện bằng chất liệu đa dạng, gắn kết những thời kỳ văn hóa dân tộc, phản ánh những giá trị nghệ thuật xưa của ông cha ta. |
|
Nghê gốm xã Giao Yến, tỉnh Nam Định, thế kỷ XVII. |
|
Nghê gỗ chùa Xổi Thượng, tỉnh Nam Định, thế kỷ XVII – XVIII. |
|
Nghê đất nung thế kỷ XIV. |
|
Đôi nghê gỗ đền Đồng Lư, tỉnh Nam Định, thế kỷ XVII – XVIII. |
|
Sư tử đá chùa Thông, tỉnh Thanh Hóa, năm 1270. |
|
Sư tử đá chùa Bà Tấm (Hà Nội) thế kỷ XI. |
|
Lư hương gốm và đôi nghê gỗ từ thời Lê Trung Hưng. Thông qua các hình tượng sư tử và nghê thuần Việt, giúp người sử dụng các mẫu sư tử và nghê hiện nay sẽ có lựa chọn và cách nhìn đúng đắn về linh vật Việt, qua đó góp phần tôn vinh văn hóa truyền thống, cũng như khơi dậy niềm tự hào về những giá trị văn hóa, tinh thần mang bản sắc Việt Nam.
|
N.Dương